Bộ Công an Việt Nam vừa ký hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam về chuyển đổi số bao gồm việc định danh số nhà, mục đích để xác định mỗi người dân đang sở hữu bao nhiêu bất động sản. Truyền thông Nhà nước loan tin này hôm 21/3.
Cụ thể, phía bưu điện có sẵn thông tin về số nhà, cảnh sát khu vực có dữ liệu về hộ khẩu và Bộ Công an còn có dữ liệu về dân cư và giấy tờ nhà đất. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) sẽ phối hợp cùng bưu điện để liên thông dữ liệu, sau đó định danh số nhà.
C06 được báo Nhà nước dẫn nguồn cho biết đã tham mưu về giải pháp giúp minh bạch thị trường bất động sản thông qua định danh số nhà.
Bộ Công an hy vọng việc triển khai kế hoạch này sẽ tiết kiệm nhiều chi phí cho Nhà nước khi tận dụng được dữ liệu có sẵn, không phải chờ làm sạch dữ liệu về bất động sản.
VnExpress dẫn lời thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư của C06, giải thích thông qua định danh số nhà sẽ dễ dàng xác định được mỗi người đang sở hữu bao nhiêu bất động sản và ở đâu. Có dữ liệu này, các đơn vị như bưu điện, chuyển phát nhanh sẽ dễ dàng khai thác thông tin khi giao hàng.
Việc một cá nhân sở hữu nhiều nhà, đất không phải là hiếm ở Việt Nam. Tuy nhiên các thông tin được đăng tải trên báo chí Nhà nước thời gian qua cho thấy nhiều quan chức bị bắt giam và khởi tố về tội tham nhũng thường có nhiều bất động sản và các bất động sản này thường bị phong toả.
Trường hợp mới đây nhất là việc Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) thuộc Công an tỉnh Khánh Hòa áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên, phong tỏa tài sản của cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng và vợ là bà Phan Thị Thu Hà.
Trong số các tài sản của cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa và vợ bị cưỡng chế, kê biên, phong tỏa có hơn 453 m2 đất gắn liền hai căn nhà tại số 5A Ngô Thời Nhiệm và 69 Trịnh Phong, Thành phố Nha Trang.
Luật Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam quy định cán bộ, công chức không chỉ kê khai tài sản của mình mà còn phải kê khai tài sản của người thân.