Trong phiên họp 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được tổ chức sáng ngày 11/9, nhiều ý kiến về việc thống nhất 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an bán chuyên thành lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở đã được đưa ra.
Dự án luật vừa nêu do Bộ Công an đề xuất, với mục đích được nói nhằm góp phần tinh gọn bộ máy và kiện toàn lực lượng, cũng như khắc phục hạn chế tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo và chồng lấn giữa 3 lực lượng quần chúng này.
Theo Tờ trình dự luật được Bộ Công an công bố trên cổng thông tin của Bộ, hiện có gần 750.000 người trong 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên nghiệp gộp lại, được trang bị và sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.
Ý kiến dư luận
Trao đổi với RFA từ Hà Nội vào tối 11/9, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự nhận định về dự án luật mới mà Bộ Công an đề xuất như sau:
“Thứ nhất, đây là một sự khát quyền lực của ngành công an bởi vì họ tập trung cả những lực lượng thật sự không thuộc của họ mà chỉ là bán chính thức, dân phòng… vào thành phần chính thức của họ. Bản thân những lực lượng đấy đã nói phải giải tán từ lâu nhưng bây giờ họ lại kết hợp đưa vào lực lượng chính thống của họ. Như thế quân số của họ sẽ tăng lên, khả năng của họ sẽ tăng lên, ngân sách của họ sẽ tăng lên và như thế quyền lực của họ tăng lên.”
Đồng quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương lại đưa ra lập luận:
“Cách hiện nay nó làm là thống nhất các lực lượng vào một đầu mối như thế có cơ sở chính trị và xã hội chứ không phải bình thường, đây cũng là điều đáng lo.”
Vẫn theo ông Nguyễn Khắc Mai, sở dĩ có chuyện Bộ Công an muốn thống nhất 3 lực lượng thành 1 như vậy vì những nguyên nhân sau:
“Phải gia tăng lực lượng quân đội, công an, dân phòng ở cấp cơ sở nhằm đối phó với những tình hình hết sức phức tạp hiện nay. Một mặt có yếu tố Tàu xen vào, một mặt khác là yếu tố sự phẫn nộ của nhân dân trước những hành xử cướp bóc, cậy quyền, tàn ác các thứ thì người ta bất bình, nó lo sợ nên phải đối phó, cũng phải đối phó với nhau về phe phái ở trong đảng.”
Với góc nhìn cá nhân, một người dân tên Le Dung từ Hà Nội đã bình luận trong bài viết được đăng tải trên website của Đài Á Châu Tự Do về dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở cho rằng:
“Càng nhiều lực lượng chức năng, càng có nghĩa quốc gia đó bất ổn. Giang hồ trả tiền cho công an để làm ngơ, người kinh doanh trả tiền cho công an để không bị hạch họe.”
Nội dung dự án luật
Nói rõ hơn về những nội dung liên quan đến Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở trong dự án luật đang được Quốc hội bàn thảo, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Theo dự thảo luật thì Ủy ban Nhân dân sẽ bố trí địa điểm, nơi làm việc của lực lượng mới, đáp ứng yêu cầu bảo vệ trật tự nói chung cũng như được sử dụng con dấu, được trang bị công cụ hỗ trợ và những lực lượng này có trang bị những thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ và có trang phục riêng. Người ta thường hay nói các lực lượng này lạm quyền nên chưa chuyên nghiệp và bài bản. Nhà nước sẽ chi trả tiền lương cho lực lượng này giống như một lực lượng bên cạnh lực lượng công an.”
Luật sư Hậu bày tỏ đồng ý với dự án luật lần này vì cho rằng với lực lượng mới được thống nhất và chịu sự quản lý của cả Bộ Công an và Ủy ban Nhân dân địa phương, lực lượng này sẽ được huấn luyện bài bản và có thái độ phục vụ tốt hơn cho nhân dân, tránh tình trạng thiếu chuyên nghiệp. Ông tiếp lời:
“Căn cứ vào Hiến pháp năm 2013 thì quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo luật định tức trong trường hợp cần thiết ví dụ như vì lý do trật tự an toàn xã hội, vì lý do an ninh quốc gia, vì sức khỏe cộng đồng thì mới hạn chế quyền công dân. Trong đó hoạt động của lực lượng công an xã này liên quan đến quyền con người, quyền công dân ở cơ sở nên việc bố trí lực lượng này sẽ cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 nhằm đảm bảo cho hoạt động giữ gìn an ninh cơ sở, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, thực hiện đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó công an nhân dân cũng đã khẳng định lực lượng này là lực lượng được tổ chức tại công tác xã. Chúng ta có Luật Công an nhân dân thì bây giờ phải có Luật để 3 lực lượng này hợp nhất thành 1 tôi nghĩ sẽ tốt hơn, giúp cho việc an ninh trật tự trong xã hội sẽ tinh gọn hơn.”
Tăng hay giảm biên chế?
Phát biểu tại buổi họp ngày 11/9, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay tổng số thành viên trong Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở sau khi được tổ chức lại sẽ có khoảng 1,5 triệu người.
Đáng chú ý, theo con số thống kê từ Bộ Công an, tổng số lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở hiện nay khoảng hơn 741.500 người. Trong đó bao gồm 72.456 người trong lực lượng bảo vệ dân phố; lực lượng dân phòng có 543.095 đội viên; và lực lượng Công an xã, thị trấn không phải công an chính quy đã kết thúc nhiệm vụ công an xã và tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn là 126.084 người.
Như vậy, sau khi thống nhất 3 lực lượng, thay vì tinh giảm biên chế thì số người trong lực lượng cơ sở mới lại tăng hơn gấp đôi. Đây cũng là điều nhiều người thắc mắc.
Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay theo quy định của pháp luật, về phòng cháy, chữa cháy, mỗi thôn phải lập một đội dân phòng trung bình khoảng 10 người, trong khi cả nước có khoảng 180.799 đơn vị cấp thôn. Như vậy nếu thành lập hết theo quy định tổng số thành viên của lực lượng dân phòng trên toàn quốc là 1,8 triệu người.
Do đó, lẽ ra theo luật định, con số của 3 lực lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an bán chuyên phải đạt ở mức 2 triệu người. Tuy nhiên, do lực lượng dân phòng hiện nay chỉ đạt được 23% nên mới có vẻ như quân số tăng.
Đồng thời, ông Tô Lâm cho rằng lẽ ra là 2 triệu quân nhưng khi thống nhất 3 lực lượng chỉ còn lại 1,5 triệu người, sẽ tiết kiệm cho ngân sách khoảng 150 tỷ đồng mỗi tháng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A không đồng tình với cách giải thích của người đứng đầu Bộ Công an. Ông cho rằng cách tính tăng gấp đôi là đúng và trong thực tế sẽ không có chuyện Bộ Công an giảm biên chế.
“Hai lực lượng kia đáng lẽ phải giải tán từ lâu rồi, phải giải tán đi thì sẽ không cần ngân sách, tinh giản biên chế, giảm ngân sách. Sự kiểm soát dân cư của Việt Nam đã đến mức nghẹt thở mà còn hiện đại hóa, nâng cấp lên mức như thế thì là một chế độ mà người ta gọi là công an trị, càng ngày càng sâu rộng. Đấy là một dấu hiệu hết sức nguy hiểm cho tương lai của Việt Nam.”