Chính phủ sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đa dạng hóa thị trường khi các nước đối diện với nguy cơ bị Tổng thống Mỹ áp mức thuế quan cao kỷ lục, ảnh hưởng đến thị trường thế giới và cả Việt Nam.
Thông tin được Bộ Công Thương đưa ra tại buổi họp báo quý IV/2024 diễn ra vào chiều 7/1.
Hai kịch bản ứng phó
Đài Tiếng nói Việt Nam VOV dẫn lời ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và nước này cũng là đối tác lớn thứ 8 của Mỹ chiếm 4,13% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Theo ông Hải, mục tiêu của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi nhậm chức vào ngày 20/1 là giảm thâm hụt thương mại, thúc đẩy sản xuất trong nước và thu hút đầu tư, trong đó sẽ sử dụng biện pháp áp thuế cao với hàng hoá từ nhiều thị trường như Trung Quốc, EU…
Ông Hải cho biết, Bộ Công Thương đã vạch ra hai kịch bản cho năm 2025, với kịch bản khả quan là Mỹ duy trì chính sách thuế nhập khẩu hiện hành, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Ở nhiệm kỳ đầu của ông Trump, cuộc thương chiến Mỹ-Trung đã dẫn đến việc nhiều công ty chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc và tìm đến Việt Nam để tránh mức thuế cao.
Mặc dù không đề cập đến trường hợp chính Việt Nam bị Tổng thống Trump áp thuế cao, tuy nhiên, Phó Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết đã chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn là nếu Mỹ tác động thuế quan gắt gao có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ ảnh hưởng ít nhiều.
Hoặc Việt Nam bị ảnh hưởng gián tiếp khi Trung Quốc gặp khó khăn do bị áp thuế cũng sẽ tạo ra sức ép với Việt Nam. Ông Hải khẳng định:
“Đối với kịch bản này, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hoá thị trường”.
Áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt
Hãng tin Bloomberg dẫn cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước trong cùng ngày 7/1 cho hay, cơ quan này sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã mô tả lập trường chính sách là phù hợp trong bối cảnh gần đây có những lời kêu gọi thắt chặt để ổn định tiền đồng.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của NHNN, tại cùng sự kiện, cho rằng sức mạnh của đồng đô la Mỹ sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ đang tác động đến thị trường tiền tệ toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam.
TTXVN cho hay, trong năm 2024, cặp tỷ giá USD/VND đã trải qua một năm biến động khó lường với hai lần vọt tăng mạnh khiến Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp bằng biện pháp bán ngoại tệ giao ngay, điều hành linh hoạt các công cụ thanh khoản để ổn định tỷ giá thông qua nghiệp vụ phát hành tín phiếu, đồng thời đảm bảo thanh khoản cho hệ thống thông qua kênh thị trường mở.
Ngoài ra, trong hai phiên giao dịch 3/1 và 6/1, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai một cách tiếp cận mới trong việc can thiệp vào thị trường ngoại hối để hạ nhiệt tỷ giá, thay vì bán USD giao ngay với tỷ giá 25.450 đồng, cơ quan này đã cung cấp các hợp đồng kỳ hạn (có kèm quyền chọn hủy) tại cùng mức tỷ giá 25.450 đồng.
Đáng chú ý, Bloomberd dẫn lưu ý từ hai nhà phân tích Brian Lee Shun Rong và Chua Hak Bin của Malayan Banking Bhd (Maybank của Malaysia) cho biết, mặc dù cơ bản là Việt Nam sẽ duy trì chính sách tiền tệ ổn định trong năm nay, nhưng “chúng tôi không loại trừ rủi ro Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) có thể buộc phải tăng lãi suất chính sách hoặc phá giá đồng tiền, trong trường hợp đồng đô la Mỹ vẫn mạnh”.
Việc phá giá VND nghĩa là giảm giá trị của nó so với các ngoại tệ khác như USD, EUR… giúp tăng xuất khẩu ròng do hàng xuất khẩu rẻ đi một cách tương đối trên thị trường quốc tế còn hàng nhập khẩu đắt lên tương đối tại thị trường nội địa.
Maybank ước tính rằng với sự can thiệp liên tục, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã giảm xuống còn khoảng 80 tỷ đô la vào cuối năm 2024 từ mức đỉnh điểm là 109,6 tỷ đô la vào tháng 1 năm 2022. Việt Nam không cung cấp thông tin cập nhật về dự trữ ngoại hối của mình.