Chính phủ Việt Nam không cho phép các tổ chức nhân quyền trong nước được thành lập và hoạt động. Nhà cầm quyền thường khẳng định việc vận động cho nhân quyền và dân chủ là hành động chống lại Đảng và Nhà nước Cộng sản này.
Đây là một phần nội dung được thể hiện trong Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, phần cụ thể về Việt Nam. Báo cáo năm nay được Ngoại trưởng Mỹ Blinken chính thức công bố vào sáng ngày 20/3/2023 (giờ miền Đông nước Mỹ).
Một số nhà vận động cho nhân Việt Nam bị bắt vào đầu năm 2022 được ghi nhận bao gồm bà Nguỵ Thị Khanh, các ông Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương. Những người này đều là lãnh đạo các tổ chức NGOs có đăng ký và họ bị kết án với cáo buộc trốn thuế. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền quốc tế tin rằng cả bốn người này bị đàn áp do các hoạt động vận động về vấn đề môi trường.
Ông Y Wơ Niê, người dân tộc Ê-đê, vào ngày 20/5/2022, bị tuyên bốn năm tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Cáo trạng nêu rằng vào năm 2020, Y Wo Nie đã báo cáo những vụ vi phạm nhân quyền “bịa đặt” cho “các đối tượng phản động ở nước ngoài” thông qua các ứng dụng nhắn tin và gặp gỡ các nhà ngoại giao. Điều này bị cho là làm ảnh hưởng đến “an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội,” “làm xói mòn niềm tin của công chúng vào chế độ”…
Ngoài ra, trong phần báo cáo cụ thể về từng quốc gia, Việt Nam còn bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trong các lĩnh vực khác như bắt và giam giữ tùy tiện; tù nhân chính trị; sự độc lập của tư pháp; những hạn chế nghiêm ngặt đối với quyền tự do ngôn luận, tự do internet; truy tố một cách tùy tiện những người chỉ trích chính phủ; hạn chế các quyền tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại; hạn chế nghiêm trọng quyền tham gia chính trị của người dân…
Trong năm qua, có ít nhất sáu người chết trong khi bị giam giữ. Nhà chức trách công bố rằng những cái chết này là do tự tử hoặc vì các vấn đề y tế. Không giống như những năm trước, năm nay, không có báo cáo nào cho thấy chính quyền sách nhiễu hay đe dọa gia đình của những nạn nhân khi họ cố gắng tìm nguyên nhân cái chết của người thân.
Tính đến ngày 16/9/2022, chính quyền đã bắt giữ ít nhất 173 người hoạt động chính trị hoặc nhân quyền, trong đó có 24 người đang bị tạm giam chờ xét xử. Từ ngày 1/1 đến ngày 16/ 9, có 19 người bị bắt giữ và 26 người khác bị kết án vì thực thi các quyền con người. Hầu hết những người này bị khép vào các tội danh như “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước” hay “lợi dụng quyền tự do dân chủ”…
Trại giam không cho phép những người bị tạm giam để điều tra trong các vụ án chính trị được gặp gia đình hay luật sư của họ. Chỉ cho đến khi có kết luận điều tra, những người này mới được gặp thân nhân và luật sư. Có trường hợp nhà nước cưỡng ép đưa những người bị giam giữ đi khám và điều trị bệnh tâm thần, như trường hợp của bà Nguyễn Thuý Hạnh hay ông Lê Anh Hùng. Cũng có một số trường hợp các tù nhân chính trị không thể gặp gia đình cho đến sau phiên xử phúc thẩm. Như trường hợp của bà Phạm Đoan Trang. Bà Trang được gặp mẹ và anh trai lần đầu tiên vào ngày 31/8, sau hơn hai năm bị bắt vào năm 2020.
Đặc biệt, những người nào bị xác định có liên hệ với các tổ chức hải ngoại thường sẽ bị tòa kết án nặng. Bản Báo cáo chỉ ra có ít nhất 19 cá nhân có liên hệ với Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời, một nhóm hải ngoại bị Bộ Công an liệt vào danh sách tổ chức khủng bố, đã bị kết án từ năm đến 16 năm tù về tội “hoạt động chống chính quyền nhân dân.”
Các vụ tra tấn, bức cung, nhục hình vẫn còn xảy ra. Các nhà hoạt động cho biết cán bộ công an đã hành hung, tra tấn các tù nhân chính trị để lấy lời khai hoặc buộc họ phải nhận tội. Các nhóm giám sát nhân quyền cũng đưa ra nhiều báo cáo về việc công an dùng vũ lực trong khi thi hành công vụ và các điều tra viên bị cáo buộc tra tấn những người bị giam giữ. Ông Lê Chí Thành bị kết án hai năm tù về tội “chống người thi hành công vụ.” Tại phiên tòa, ông cho biết đã bị tra tấn bằng cách treo ngược chân lên trời trong thời gian tạm giam trước khi xét xử. Tuy vậy, những cán bộ có liên quan ít khi bị điều tra về các cáo buộc tra tấn.
Điều kiện giam giữ ở các nhà tù cũng bị cho là khắc nghiệt. Dù chưa đến mức nguy hại đến tính mạng, tuy nhiên, điều kiện ăn ở, vệ sinh kém, thiếu nước uống… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của tù nhân. Cán bộ quản trại tại Nhà tù Gia Trung được cho là đã khuyến khích bạo lực giữa các tù nhân. Bộ Công an và cơ quan chính phủ quản lý các nhà tù, đã không cho giám sát viên quốc tế được phép tiếp cận.
Bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, trong những năm trước, các nhóm nhân quyền báo cáo rằng chính quyền Hà Nội đã gây sức ép với các nước lân cận như Campuchia hay Thái Lan nhằm không cho những người Việt Nam bị đàn áp được tị nạn chính trị, hay thậm chí là yêu cầu các nước này trả những người tị nạn về lại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam tuyên bố những cá nhân này là những người di dân bất hợp pháp, rời khỏi đất nước vì vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, trong năm qua, Hoa Kỳ không ghi nhận trường hợp nào về việc chính quyền sách nhiễu những người lưu vong và gia đình của họ.
Về quyền tự do báo chí, trong năm qua, chính phủ thực hiện kiểm soát chặt chẽ đối với tất cả các hình thức truyền thông, bao gồm in ấn, phát sóng, trực tuyến… Luật quy định các cơ quan truyền thông phải trực thuộc cơ quan chính phủ, và tổng biên tập phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đối với các nhà báo và blogger độc lập, họ phải đối mặt với sự sách nhiễu của chính quyền. Chính phủ cũng chặn các trang web mà họ cho là không phù hợp về chính trị hoặc văn hóa, bao gồm Đài Á Châu Tự Do, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ và BBC Tiếng Việt…
Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục kiểm soát quyền tự do ngôn luận bằng cách hạn chế các phát biểu chỉ trích các nhà lãnh đạo hoặc chính sách của chính phủ. Thâm chí, các tổ chức hay các nhóm ủng hộ chính phủ đã đến tận nhà của các nhà hoạt động và đe dọa họ.
Quyền tự do biểu đạt trực tuyến cũng bị đàn áp qua các vụ bắt giữ, câu lưu, theo dõi, đe dọa và tịch thu bất hợp pháp máy tính và điện thoại di động của các nhà hoạt động. Chính phủ đã gây áp lực buộc các công ty như Facebook và Google phải loại bỏ các nội dung bị coi là “độc hại”, bao gồm cả các tài liệu “chống phá nhà nước”. Bộ Thông tin và Truyền thông đã gây sức ép buộc các nền tảng truyền thông mạng xã hội phải tuân thủ các yêu cầu gỡ bỏ phát ngôn chính trị, đặc biệt là đối với các bài đăng chỉ trích các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản.
Một số trường hợp bị bắt vì sử dụng mạng xã hội chỉ trích lãnh đạo hay các chính sách mà bị bắt điển hình như blogger Nguyễn Thái Hùng và vợ là Vũ Thị Kim Hoàng bị bắt vào ngày 5/1 hay ông Bùi Tuấn Lâm ở Đà Nẵng bị bắt với cáo buộc tội “phát tán thông tin chống nhà nước.”
Các sự kiện văn hoá cũng bị kiểm duyệt, ngăn cản trong năm qua. Từ khi cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine diễn ra, chính phủ Việt Nam cũng có hành động ngăn cản, hạn chế tổ chức các sự kiện văn hoá. Ví dụ như các nhóm thân chính quyền liên tục đăng tải các bài viết chỉ trích đất nước Ukraine hay là Chính quyền đã quấy rối một hội thảo về văn hóa Ukraine với sự tham gia của cán bộ ngoại giao nước này. Buổi triển lãm tranh của hoạ sĩ Bùi Chát bị xử phạt và yêu cầu tiêu huỷ tranh vì chưa được cấp phép.