Bộ Ngoại giao Việt Nam nói đã thành công tại phiên Kiểm điểm định kỳ ở Liên Hiệp Quốc bất chấp nhiều chỉ trích

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt – người dẫn đầu đoàn Việt Nam tại phiên Kiểm điểm định kỳ ở Liên Hiệp Quốc vào tuần qua – nói với báo trong nước rằng Việt Nam đã thành công trong phiên kiểm điểm lần này và được nhiều nước hoan nghênh dù có một số bình luận, khuyến nghị từ một số nước chưa phù hợp.

Phiên Kiểm điểm định kỳ diễn ra hôm 7/5 vừa qua và đã có 14 nước đặt câu hỏi trước, 133 nước phát biểu, 320 khuyến nghị được đưa ra.

Kiểm điểm định kỳ (UPR) là cơ chế liên chính phủ với nhiệm vụ rà soát tổng thể tình hình nhân quyền tại tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc và được tiến hành định kỳ 4 – 5 năm một lần.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho báo chí trong nước biết, tại phiên họp thứ 46 vừa qua, Việt Nam đã khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, độc lập dân tộc, quyền dân tộc tự quyết đối với với nỗ lực phát triển, thúc đẩy quyền con người. Tuy nhiên, ông cũng nói mỗi quốc gia tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, trình độ phát triển kinh tế – xã hội của mình sẽ có thể lựa chọn con đường riêng.

Vì vậy, “chúng khẳng định tính đúng đắn của con đường Việt Nam đã lựa chọn và chúng ta sẽ kiên định đi trên con đường đó” – ông Việt trả lời báo chí trong nước.

Như RFA đã đưa tin, nhiều nước đã lên chất vấn Việt Nam về các vấn đề như: truy tố người dân với các tội danh “xâm phạm an ninh quốc gia”, theo điều 109, 117, 331 Bộ luật Hình sự, quyền của các tổ chức xã hội dân sự, những nhà hoạt động môi trường bị đưa ra xét xử trong các năm qua, quyền tự do ngôn luận. Một số nước khuyến nghị Việt Nam sửa đổi Luật An ninh Mạng, Luật Báo Chí, Luật Tôn giáo Tín ngưỡng, v.v. để đảm bảo phù hợp với các Công ước LHQ mà Việt Nam tham gia ký kết.

Những nước khen ngợi Việt Nam tại UPR lần này bao gồm Nga, Syria, Lybia, Iran, Iraq, Bắc Hàn, Cuba.

Trong phỏng vấn với báo Nhà nước được đăng tải hôm 11/5, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nói: “Cũng có một vài nước bình luận, đưa ra các khuyến nghị chưa thật sự phù hợp, dựa trên các thông tin không chính xác về việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp… Chúng ta sẽ tiếp tục đối thoại, cung cấp thông tin để các nước hiểu rõ hơn về tình hình thực tế ở Việt Nam.”

Theo dự kiến, Việt Nam sẽ thông báo lập trường chính thức về các khuyến nghị, số lượng các khuyến nghị Việt Nam sẽ chấp thuận trước Khóa họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào tháng 9-10 tới đây.

Tại cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát chu kỳ 3 năm 2019, các quốc gia thành viên LHQ đã đưa ra 291 khuyến nghị. Việt Nam chấp nhận 241 khuyến nghị, nhưng bác bỏ 50 khuyến nghị, cụ thể trong việc cải cách Bộ Luật Hình sự, trả tự do cho tù nhân lương tâm, chấp nhận nền báo chí độc lập…

Related posts