Bốn tổ chức nhân quyền quốc tế khiếu nại Việt Nam lên Ủy ban châu Âu

Bốn tổ chức nhân quyền quốc tế tại châu Âu và Mỹ hôm 4/2 đã nộp đơn khiếu nại lên Bộ Thương mại của Ủy ban Châu Âu, tố cáo Việt Nam vi phạm các quyền của người lao động, bảo vệ môi trường, và quyền đất đai mà Hà Nội đã cam kết trong Hiệp định thương mại tự do giữa hai bên (EVFTA) được ký kết cách đây năm năm.

Đơn khiếu nại được các tổ chức bao gồm Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), Ủy ban Quyền làm Người Việt Nam (VCHR), Liên đới Thiên chúa giáo Toàn Cầu (CSW) và Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness) nộp qua Điểm Tiếp Nhận Đơn (Single Entry Point) – một cơ cấu của Ủy ban châu Âu cho phép các quốc gia và các tổ chức dân sự có thể sử dụng để tố các các vi phạm. Bà Ỷ Lan (Penelope Faulkner) – Chủ tịch VCHR nói với RFA:

“Đây có thể là lần đầu tiên bốn tổ chức quốc tế lớn sử dụng điểm tiếp nhận đơn (Single Entry Point – SEP), lần đầu tiên có một khiếu nại lớn về vấn đề cụ thể Việt Nam đã hứa hẹn về nhân quyền, lao động và môi trường.”

Theo bà Ỷ Lan, việc sử dụng SEP trong đơn khiếu nại lần này là mới vì cơ chế này chỉ được sử dụng sau khi EVFTA đi vào hiệu lực.

Việt Nam và EU ký kết EVFTA vào tháng 6/2019. Hiệp định đi vào hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Theo EVFTA, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu sẽ được miễn giảm thuế đáng kể. Theo cam kết giữa hai bên, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, Liên minh châu Âu (EU) sẽ xóa bỏ ngay khoảng 85,6% dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu hiện tại của Việt Nam vào EU; bảy năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

EVFTA cũng được Chính phủ Việt Nam thừa nhận là đã mang lại những tăng trưởng đáng kể trong kim ngạch thương mại song phương giữa hai bên. Theo Bộ Công thương, năm 2023, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên EU đạt 72,3 tỷ USD. Con số này vào năm 2020 là 56,4 tỷ USD.

Theo Hiệp định này, Việt Nam cũng cam kết việc bảo đảm quyền con người trong các vấn đề về môi trường, quyền đất đai và quyền lập hội của người lao động, trong đó có việc phê chuẩn Công ước về quyền tự do lập nghiệp đoàn của người lao động (Công ước 87 của ILO). Tuy nhiên, đến lúc này Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn Công ước này và công nhân Việt Nam chỉ có Tổng Liên đoàn lao động duy nhất chịu sự quản lý của Nhà nước. Bà Ỷ Lan cho biết:

“Việt Nam đã ký kết một hiệp ước rất quan trọng với Liên Âu, có hiệu lực từ 2020, năm năm rồi. Trong năm năm, khi ký kết Việt Nam hứa tôn trọng nhân quyền, tôn trọng quyền bảo vệ môi trường và nhiều quyền khác nhưng không bao giờ giữ lời hứa của mình.”

Theo bà Ỷ Lan, đơn khiếu nại với gần 100 trang đã nêu lên khoảng 40 trường hợp các nhà vận động về quyền của người lao động, môi trường và quyền đất đai hiện đang bị giam cầm ở Việt Nam. Trong đó có các trường hợp của nhà báo Phạm Chí Dũng, nhà báo Phạm Đoan Trang, gia đình bà Cấn Thị Thêu và hai con trai, luật gia Đặng Đình Bách.

“Chúng tôi thấy rằng bây giờ đến lúc Liên Âu phải bắt Việt Nam đã ký EVFTA phải tôn trọng những lời hứa của mình và nếu không tôn trọng thì Liên Âu có các biện pháp, có thể chặn một số lợi ích kinh tế mà Việt Nam được hưởng, hay là nếu trầm trọng lắm thì có thể đình chỉ toàn bộ hiệp định thương mại với Việt Nam” – Bà Ỷ Lan nói với phóng viên RFA.

Related posts