Có kiến nghị mới đây với Bộ Giáo Dục & Đào Tạo và Hội đồng Giáo sư Nhà nước là khi xét duyệt công nhận giảng viên đại học đạt tiêu chuẩn Giáo sư, Phó Giáo sư… nên yêu cầu phải có ít nhất một công trình nghiên cứu phục vụ trực tiếp sản xuất và đời sống. Lý do của kiến nghị cho rằng, như vậy sẽ chấm dứt tình trạng tiến sĩ mang nặng tính lý thuyết, công trình nghiên cứu bỏ ngăn bàn.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng từ Pháp hôm 2/6, nhận định:
“Nếu công trình nào đòi hỏi cũng phải có ứng dụng thực tế thì tôi nghĩ bên Pháp cũng không có nhiều giáo sư. Có những tiến sĩ suốt đời họ cũng chưa tìm ra được gì cả. Mình nghĩ tiến sĩ phải tìm ra được một cái gì mới, nhưng không phải công trình nào cũng dẫn đến một ứng dụng. Họ thường làm dưới sự hướng dẫn của một giáo sư cao hơn, sau khi hoàn thành luận án thì kết thúc với kết quả như giáo sư đưa ra, nhưng không phải hướng dẫn nào họ cũng đưa ra để kết quả bằng một ứng dụng, mà nó chỉ là một vấn đề lý thuyết. Bây giờ vị đại biểu đề nghị như vậy thì tôi thấy không thực tế, vô lý, thậm chí là không tưởng.”
Bây giờ vị đại biểu đề nghị như vậy thì tôi thấy không thực tế, vô lý, thậm chí là không tưởng.
-Giáo sư Phạm Minh Hoàng
Thứ hai theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng, có những phát minh kéo dài từ đời này qua đời khác, thí dụ như phát minh vô tuyến điện đi từ lý thuyết cơ bản, sau đó tiếp nối hai hay ba thế hệ mới tìm ra được vô tuyến điện. Ông Hoàng nói tiếp:
“Theo tôi đề nghị của các ông đó là không tưởng, thứ hai cần phải có sự liên tục của nhiều thế hệ mới có thể có ứng dụng được. Tại Việt Nam vấn đề đào tạo tiến sĩ có nhiều bất cập, nên người ta đề nghị một giải pháp để giải quyết, nhưng giải pháp này không khả thi. Theo tôi mình cứ coi chuyện đó là bình thường, đào tạo tiến sĩ cũng như đào tạo ngành khác bằng cấp cao hơn thôi. Chứ không nhất thiết phải đưa ra một ứng dụng. Tôi thấy Việt Nam có những ứng dụng nhưng người ta không dùng, bởi vì người ta chép từ dụng này qua ứng dụng khác và cuối cùng có dùng gì đâu.”
Giáo sư Phạm Minh Hoàng cho biết, có những cái thực sự đang là nhu cầu của xã hội, nhưng nhiều đời thầy và sinh viên cũng chưa làm được… thì nên đầu tư làm cái đấy. Theo ông Hoàng, đầu tư vào những ứng dụng mông lung thì cuối cùng kết quả cũng mông lung mà thôi.
Giáo sư Hoàng nêu dẫn chứng về một luận văn do nghiên cứu sinh của một học viện thuộc quân đội đã làm luận án Tiến sĩ với đề tài: “Tắm giặt tập trung cho các quân đoàn đóng quân phía Bắc”. Ông Hoàng cho rằng đây là một luận án ứng dụng thực tế, nhưng không bình thường chút nào. Theo bài viết trên báo Tiền Phong, đề tài này đã không được Bộ Giáo dục – Đào tạo chấp nhận, nhưng Học viện quân đội vừa nêu vẫn khăng khăng bảo vệ với nhiều lý lẽ khá hùng hồn.
Theo Bách khoa Toàn thư Mở, nghiên cứu khoa học tạm được chia ra thành ra 2 nhóm chính là: Khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng.
Khoa học cơ bản là sự phát triển của lý thuyết và dự đoán khoa học, thiên về những nghiên cứu không hẳn là về vấn đề ứng dụng lý thuyết mà để tìm ra đáp án cho những câu hỏi hay hiện tượng chưa được trả lời.
Còn Khoa học ứng dụng sử dụng phương pháp khoa học và kiến thức thu được để đạt được các mục tiêu thực tiễn. Nó bao gồm một loạt các lĩnh vực như kỹ thuật và y học. Khoa học ứng dụng thường trái ngược với khoa học cơ bản, vốn tập trung vào việc phát triển các lý thuyết và quy luật khoa học nhằm giải thích và dự đoán các sự kiện trong tự nhiên.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ hôm 2/6 cho rằng, muốn Việt Nam phát triển thì giáo dục và khoa học kỹ thuật của đất nước phải hội nhập và trao đổi với thế giới. Theo ông Vũ, có trao đổi, tương tác thì các nhà khoa học Việt Nam mới có cơ hội học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng. Nhưng muốn có thể trao đổi một cách dễ dàng với các đồng nghiệp khác trên thế giới thì theo ông Vũ, hệ thống quản lý giáo dục và khoa học của Việt Nam cần được chuẩn hoá để tương đương với các nước tiên tiến của thế giới. Cách xét duyệt chức danh giáo sư của Việt Nam vì vậy mà cũng nên học theo các nước phát triển khác đó là trả về cho các trường xét phong giáo sư. Tiến sĩ Vũ cho biết tiếp:
“Sự danh giá của chức vụ giáo sư do đó sẽ gắn với danh tiếng của trường đại học. Trong trường hợp chính quyền muốn kiểm soát chất lượng giáo sư, thì Bộ Giáo dục cũng chỉ cần đưa ra một tiêu chuẩn tối thiểu để các trường tham khảo mà xây dựng những tiêu chí để phong giáo sư. Thông thường tiêu chuẩn để xét duyệt chức danh giáo sư đó là số bài báo được đăng trên các tập san quốc tế. Cách đơn giản nhất là lấy tiêu chí của một vài trường đại học tiên tiến của khu vực châu Á hoặc thế giới làm chuẩn. Có như vậy một khi đi trao đổi với các đồng nghiệp nước ngoài, người mang hàm giáo sư của Việt Nam sẽ cảm thấy tự tin, ngang bằng và dễ dàng hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài của mình. Hình ảnh và vị thế của nền giáo dục của Việt Nam vì vậy mà cũng được cải thiện.”
Cách xét duyệt chức danh giáo sư của Việt Nam vì vậy mà cũng nên học theo các nước phát triển khác đó là trả về cho các trường xét phong giáo sư.
-Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ
Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, mục đích của nghiên cứu đó là đẩy biên độ hiểu biết về mặt học thuật của một lĩnh vực nào đó đi xa hơn. Nghiên cứu vì vậy sẽ đóng góp vào sự hiểu biết của nhân loại. Để thực hiện những nghiên cứu như vậy, người làm nghiên cứu buộc phải nắm bắt được hết các kiến thức nền tảng và những hiểu biết trong lĩnh vực của mình. Ông Vũ cho rằng, người nghiên cứu do đó phải là một chuyên gia trong lĩnh vực của mình trước khi có thể thực hiện được những nghiên cứu để cho ra những sản phẩm mới. Chính vì vậy mà thông qua nghiên cứu, nó sẽ hình thành nên một lực lượng các chuyên gia trong lĩnh vực tương ứng.
Trở lại câu hỏi rằng làm sao để các doanh nghiệp có thể ứng dụng các nghiên cứu để phát triển kinh tế đất nước? Ông Vũ cho biết nó thuộc về một lĩnh vực khác, đó là lĩnh vực ứng dụng. Ông giải thích:
“Việc ứng dụng các công nghệ vào doanh nghiệp nó đòi hỏi một lực lượng kỹ sư giỏi, những người có thể ứng dụng các nghiên cứu vào thực tế hoặc thực hiện các nghiên cứu ứng dụng nhằm làm ra các sản phẩm công nghiệp. Doanh nghiệp cũng có thể kết hợp với các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực mình cần để nghiên cứu những đề tài cần thiết nào đó nhằm giúp cho đội ngũ kỹ sư của mình tạo ra những sản phẩm.”
Việc các doanh nghiệp có ứng dụng các nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm mới hay không nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Những yếu tố đó tuỳ thuộc vào thị trường, khả năng sản xuất, khả năng thương mại hoá, v.v. – Ông Vũ cho biết thêm.
Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, việc nghiên cứu một cách nghiêm túc mang tầm thế giới do đó là bước đầu tiên cần thiết nhằm xây dựng một lực lượng chuyên gia làm cơ sở, để xây dựng một quốc gia giàu mạnh.