Cảnh báo sớm, dân đỡ khổ
UBND huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai vào ngày 13/10 cho biết đã thống kê, lấy mẫu để tìm nguyên nhân 755 tấn cá nuôi ở lồng bè trên sông Đồng Nai của 91 hộ dân tại địa phương bị chết.
Trước khi đợi chính quyền đưa ra nguyên nhân chính xác với truyền thông nhà nước, chúng tôi vào ngày 14/10 đã có cuộc trò chuyện với anh H., một người nuôi cá tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai, để nghe anh kể về tình hình xảy ra trong ngày 12/10:
“Lũ về không chống đỡ nổi, không có chỗ để kéo lên chỗ nào cho êm được thì có thể chết do chật quá con cá xô đẩy nhau, cọ sát nhau rồi chết.”
Báo Nhà nước Việt Nam dẫn lời ông Trần Quang Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Quán thì nguyên nhân cá chết, theo ông, có thể do nước lũ dâng cao bất ngờ vì Thủy điện Đồng Nai 5, thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng xả lũ và mưa kéo dài do ảnh hưởng của bão số 8 ở đầu nguồn khiến lượng nước đổ về quá lớn gây ngập cục bộ.
Tuy nhiên, theo lời anh H., trước đó chính quyền cũng đã thông báo nguy cơ lũ ngập, nhưng thời gian thông báo cho đến khi lũ ập đến lại quá ngắn nên người nuôi cá trở tay không kịp:
“Cũng được báo trước nhưng trong thời gian ngắn quá không làm gì được. Ví dụ chiều nay báo thì đêm lũ về, báo trước mấy tiếng đồng hồ thì không xử lý kịp. Báo trước phải dài ra, báo trước mấy tiếng thì cũng khó giúp được gì, nhân công rồi chính quyền có tham gia cũng chẳng làm được gì, chỉ phụ được phần nào thôi.
Chính quyền địa phương cũng sắp xếp đưa anh em vào hỗ trợ dọn dẹp, chỗ nào có thể kéo bè thì họ cũng phụ kéo theo, phụ mình chuyển cá đi vào chỗ an toàn nhất trong khả năng của họ. Còn bao nhiêu không chống đỡ nổi thì mình phải chịu chứ biết làm sao bây giờ.”
Mình đã chống dịch trong mấy tháng qua, cá ế ẩm, khó bán, tồn lại mới chết. Một số người đi buôn không vô mua cá được, tại đem đi các nơi không được, không có chỗ để bán thì cá tồn lại không bán kịp, giờ lũ về cũng ảnh hưởng nhiều hơn đợt trước năm ngoái. – anh Hùng
Ngay trong đêm 12/10 và rạng sáng 13/10, lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương đã đến hiện trường hỗ trợ người dân đưa tài sản lên vùng cao nhằm hạn chế thiệt hại. Mặc dù vậy, gần một ngàn tấn cá của hơn 90 hộ dân đã bị chết trắng bè, khiến người nuôi cá vừa chực vực dậy sau COVID-19 lại tiếp tục bị “đánh gục” vì cá chết, vốn liếng bay mất.
Từ câu chuyện cá chết ở huyện Định Quán do sự cảnh báo quá gấp của chính quyền địa phương khiến người nuôi cá trở tay không kịp, dưới góc nhìn chuyên môn, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi trường nhận định thêm:
“Đã lâu nay cũng có đánh giá Việt Nam chưa có hệ thống cảnh báo hiện đại đủ sức để có thể dự báo trước và đồng thời đủ sức để dự báo khẩn cấp trong trường hợp có thể dẫn dẫn đến nguy cấp nhiều hơn đối với các tai biến thiên nhiên. Đã lâu nay nhiều người Việt Nam cũng thấy cần thiết phải cải tiến hệ thống cảnh báo các tai biến thiên nhiên nhưng thực tế vẫn chưa làm được.
Mặt khác phải nhận thấy đối với con người thực hiện, những người quản lý hệ thống cảnh báo này cũng chưa thực sự quan tâm đến người dân, những người chịu ảnh hưởng của tai biến thiên nhiên.”
Khó chồng khó
Đồng Nai là một trong 21 tỉnh, thành phía Nam phải chịu lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ Hà Nội nhằm tránh lây lan dịch COVID-19 trong nhiều tháng qua. Tỉnh này cũng chỉ vừa nới lỏng giãn cách hơn một tuần qua, do đó việc hàng trăm tấn cá chết trắng lồng giữa mùa dịch càng gây khó cho người nuôi.
Anh H. chia sẻ:
“Chuyện đó bắt buộc phải có khó khăn. Mình đã chống dịch trong mấy tháng qua, cá ế ẩm, khó bán, tồn lại mới chết. Một số người đi buôn không vô mua cá được, tại đem đi các nơi không được, không có chỗ để bán thì cá tồn lại không bán kịp, giờ lũ về cũng ảnh hưởng nhiều hơn đợt trước năm ngoái.”
Theo thông tin người nuôi cá tại huyện Định Quán nói với báo giới trong nước, giá cá bán tại các lồng bè hiện dao động từ 40.000-41.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt lũ vừa xảy ra, nhiều người dân phải bán tháo cho thương lái với giá rất thấp chỉ từ 2.000 – 5.000 đồng/kg. Nhiều người không đành lòng bán tháo lượng cá “ngộp lũ” nên lên mạng xã hội kêu gọi người dân mua giúp người nuôi cá với giá từ 5.000 – 10.000 đồng.
Xác nhận thực tế vừa nêu, anh H. cho hay:
Thương lái thì nói thẳng ra giờ cá vậy rất khó bán, thương lái không mua mấy, giờ chủ yếu mình nhờ những trang mạng, những nhóm nào đó bán cá tồn đọng thì người ta tới mua chứ giờ những con cá đó chỉ bán lẻ cho nhân dân, bà con số nào chứ cá chết rồi khó bán lắm.
Chị Thu, một người dân Đồng Nai cho hay sau khi đọc được thông tin trên mạng về sự khó khăn của người nuôi cá bè, chị đã tham gia giúp tiêu thụ một lượng cá chết của người dân:
“Tôi thấy đăng lên mạng nhưng cũng ít người mua giúp hộ, tôi định mua 10 kg nhưng tôi hỏi, để bình luận trên đó nhưng không ai thấy ai trả lời, add Facebook gì hết, tôi cũng chờ nguyên ngày hôm nay. Để hôm nào, chắc chiều mai xong việc, mốt về tôi sẽ liên hệ lại bên đó nếu còn thì tôi cũng mua giúp hộ chứ thấy bà con cũng tội nghiệp quá!”
Đầu tư công nghệ mới
Theo thống kê của huyện Định Quán, ngoài thiệt hại về cá, mưa lũ trong những ngày qua còn gây ngập úng, hư hại hàng trăm ha hoa màu, khoảng 167 ha cam, quýt, bưởi, xoài, mít, chuối… của người dân bị ngập sâu 30 – 60 cm, gây thiệt hại nặng nề.
Chúng ta phải nâng mức công nghệ làm sao để có cảnh báo sớm, để người dân trong hoàn cảnh nào cũng đủ thời gian phòng vệ cho mình trước khả năng có thể thất thoát lợi ích của mình do tai biến thiên nhiên gây ra. – GS. Đặng Hùng Võ
Theo GS. Đặng Hùng Võ, để ngăn chặn những thiệt hại đối với người nuôi trồng vì nước lũ xảy ra liên tiếp trong những năm gần đây, Chính phủ Hà Nội cần phải có biện pháp thay đổi hữu hiệu hơn, ông nói:
“Chúng ta phải nâng mức công nghệ làm sao để có cảnh báo sớm, để người dân trong hoàn cảnh nào cũng đủ thời gian phòng vệ cho mình trước khả năng có thể thất thoát lợi ích của mình do tai biến thiên nhiên gây ra.
Cái thứ hai nữa là khi nó đã xảy ra cũng cần tính đến chuyện trách nhiệm nào của ai? Tức cái nào do thiên nhiên, trách nhiệm thuộc về thiên nhiên, tất nhiên cái đó thì tất cả mọi người đều phải chịu, trong đó người dân cũng phải gánh chịu một phần vì đây là hậu quả của sức tàn phá tai biến thiên nhiên.
Còn một mặt phải nghĩ ra cái nào của hệ thống cảnh báo gây ra khi chưa thông báo kịp đến người dân mà làm thất thoát cho người dân, cái đó chính hệ thống cảnh báo phải chịu trách nhiệm vì lơ là nhiệm vụ, không làm tròn trách nhiệm cảnh báo cho người dân.”