Nhiều đường dây cá độ bóng đá qua mạng ở nhiều địa phương với số tiền giao dịch lên đến hàng ngàn tỷ đồng, đã bị Cục Cảnh sát Hình sự (C02) thuộc Bộ Công an Việt Nam phát hiện và triệt phá, kể từ đầu mùa World Cup năm nay. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng ra công văn thông báo việc cấm sử dụng dịch vụ thanh toán ví điện tử trong các giao dịch đánh bạc và cá độ mùa World Cup.
Cá độ bóng đá đã trở nên phổ biến ở Việt Nam từ nhiều năm qua, dù theo luật pháp, đây là hoạt động bị cấm. Trong nửa đầu năm 2022, các cơ quan đã khởi tố 100 vụ án đánh bạc với 600 bị can. Một số đại biểu Quốc hội từng đề nghị Chính phủ hợp pháp hóa chuyện cá cược để quản lý chặt chẽ hơn và thu được thuế.
Một người có tham gia tổ chức cá độ đá banh và ghi đề ở TP.HCM, không muốn nêu tên, cho rằng, Nhà nước không bao giờ hợp pháp hóa chuyện cá độ hay ghi đề. Đơn giản vì không thể quản lý. Ông nói với RFA sáng 13 tháng 12:
“Nhà nước cấm triệt để. Nhưng cấm được hay không là chuyện của Nhà nước. Theo Nhà nước thì mình là XNCN, mình nhân đạo nên không có chuyện cờ bạc. Dính tới cờ bạc là cấm. Nhưng mấy nước trong khối ASEAN có gì thì mình cũng ráng có cái đó. Họ có cờ bạc thì mình cũng có nhưng chỉ mở sòng bài cho người nước ngoài chơi thôi. Cấm người Việt Nam.
Theo mình biết thì Nhà nước không có chủ trương hợp thức hóa chuyện cá độ đá banh đâu, vì nếu hợp thức hóa tức là cho cờ bạc thoải mái sẽ xảy ra nhiều tệ nạn. Lúc đó Nhà nước không đủ lực lượng để quản lý. Không lẽ tung hết lực lượng ra khắp hang cùng ngõ hẻm thì chi phí nào cho nổi. Mấy ổng hợp thức hóa rồi số tiền thu được có nuôi nổi lực lượng đó hay không? Không bao giờ. Cho nên Nhà nước sẽ không bao giờ hợp thức hóa.
Do đó, ai làm cá độ cứ việc làm. Ai bị bắt thì cứ bị. Làm sao để không bị bắt thì cứ việc làm.”
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm sáng 10 tháng 8 năm 2022, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề cho phép thực hiện về cá cược, để quản lý những người muốn hoạt động mà còn lén lút.
Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, Bộ công an ủng hộ làm việc này để giảm bớt tình trạng bất hợp pháp, nhưng tìm được doanh nghiệp đủ điều kiện làm đầu mối thực hiện thì chưa có.
Lúc đó Nhà nước không đủ lực lượng để quản lý. Không lẽ tung hết lực lượng ra khắp hang cùng ngõ hẻm thì chi phí nào cho nổi. Mấy ổng hợp thức hóa rồi số tiền thu được có nuôi nổi lực lượng đó hay không? Không bao giờ. Cho nên Nhà nước sẽ không bao giờ hợp thức hóa. – Một người có tham gia tổ chức cá độ
Ông Thất, từng là ‘trùm’ cá độ đá banh, ghi đề và bị tù với tội ‘tổ chức đánh bạc’, giờ đã bỏ nghề, nêu quan điểm của ông với RFA:
“Chuyện cá độ vẫn đang xảy ra nhưng chỉ là cá độ lậu vì Nhà nước đâu có cho. Nhà nước cấm cờ bạc. Nếu Nhà nước cho thì tiền bạc đâu có chảy ra nước ngoài. Không cho thì người ta phải qua các nước láng giềng như Campuchia để đánh bài.
Còn nếu hợp thức hóa thì cũng gây ra nhiều rối loạn xã hội khi dân cá độ bị thua có thể sẽ đi cướp, đi giật, tự tử, nhảy lầu, nhảy sông…. Họ liều mạng lắm Nhà nước đâu có quản lý nổi. Nói chung cũng có cái lợi, có cái hại. Ăn thua mấy ông Nhà nước nhắm làm được thì mấy ổng làm. Nếu làm được thì Nhà nước thu lại được thuế.
Dân lao động chơi cá độ thì không bao nhiêu chứ các đại gia chơi thì lớn lắm. Nói chung, Nhà nước không quản lý được. Hiện nay những vụ cá độ lớn thì nhà cái nằm ở nước ngoài. Người ta lên mạng cá độ. Nhà nước không nhúng tay vô.”
Ông Tựu, từ một người chuyên cá độ đá banh, anh đứng ra nhận ghi đề cho nhà cái, ăn trung gian rồi sạt nghiệp do có người trúng lớn mong Nhà nước hợp pháp chuyện cờ bạc để những người thích ‘kinh doanh’ an toàn hơn về tài chánh. Ông nói với RFA sáng 13 tháng 12:
“Hiện nay người ta cá độ qua mạng nhiều. Cá lén thôi. Ở ngoài nó bắt chết. Mình không có thị trường cá độ, toàn bộ của nước ngoài hết. Nhà nước không cho giấy phép kinh doanh loại hình này. Nguyên tắc xưa nay vẫn vậy nên họ không bao giờ cho. Chỉ có cho đua chó hay đua ngựa thôi. Mà cũng do nước ngoài đầu tư thôi à. Chế độ XHCN không cho cờ bạc hợp pháp đâu. Khác với các nước tự do.
Đương nhiên người dân chơi cá cược ai cũng ủng hộ, cũng muốn Nhà nước hợp thức hóa để không bị bắt này nọ. Nhà nước thì thu được thuế.”
Nghị định 06 năm 2017 của Chính phủ đã cho phép người Việt tham gia cá cược bóng đá quốc tế, nhưng trên thực tế, vẫn chưa có doanh nghiệp nào được cấp phép kinh doanh thí điểm do quy định còn nhiều điều chưa hợp lý. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc tìm doanh nghiệp đứng ra thực hiện kinh doanh lại vướng Luật Đấu thầu, bởi trong luật không có hình thức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp mà chỉ có đấu thầu dự án hoặc gói thầu của dự án.
Còn chuyện hợp thức hóa cá độ đá banh sẽ không bao giờ có, bởi chính những ông tướng bên Bộ công an chịu trách nhiệm bài trừ tệ nạn cờ bạc lại chính là những người cầm đầu những đường dây cờ bạc khổng lồ. Ngành công an không bao giờ chịu đưa chuyện cá độ vào luật pháp vì nếu hoạt động chính thức thì quan chức công an khó có cơ hội làm giàu. – Một luật sư
Một luật sư ở TP.HCM không muốn nêu tên nói với RFA sáng 13 tháng 12 rằng, có ba vấn đề từng được đưa ra bàn ở nghị trường Quốc hội nhưng chủ trương của Nhà nước là chống. Đó là mại dâm, ma túy và cờ bạc. Ông giải thích:
“Theo lý thuyết của nhà nước cộng sản là đề cao quyền con người thì không thể xem phụ nữ như một món hàng. Ngoài ra, rất nhiều quan chức dính vào mại dâm mà báo chí từng đăng. Do đó phải cấm mại dâm.
Ma túy thì là vấn đề độc quyền của Nhà nước. Chỉ có Nhà nước mới được mua bán các chất gây nghiện một cách chính thức dưới danh nghĩa bào chế tân dược. Khi các vụ án mua bán ma túy bị phát hiện thì lòi ra toàn những quan chức công an dính vào hoặc đứng sau lưng bảo kê.
Còn chuyện cờ bạc thì xổ số kiến thiết cũng là cờ bạc kế thừa từ chế độ VNCH. Nó có ý nghĩa kiến thiết quốc gia. Do đó Nhà nước hiện nay cũng tổ chức loại cờ bạc này và Nhà nước luôn luôn thắng. Không bao giờ lỗ. Còn chuyện hợp thức hóa cá độ đá banh sẽ không bao giờ có, bởi chính những ông tướng bên Bộ công an chịu trách nhiệm bài trừ tệ nạn cờ bạc lại chính là những người cầm đầu những đường dây cờ bạc khổng lồ. Ngành công an không bao giờ chịu đưa chuyện cá độ vào luật pháp vì nếu hoạt động chính thức thì quan chức công an khó có cơ hội làm giàu.”
Năm 2018, hai cựu tướng công an là tướng Phan Văn Vĩnh và thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa nhận tiền tỷ từ trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương để bảo kê đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng.
Theo cáo trạng, ông Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50, bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 356 Bộ luật hình sự 2015. Hai ông bị kết án với mức án lần lượt là 9 năm tù và 10 năm tù.