Các quốc gia công nghiệp phát triển G7 mới đây đã đề nghị cung cấp hơn 300 triệu đô la giúp Việt Nam giảm thiểu việc sử dụng than và tăng sử dụng các nhiên liệu thân thiện với môi trường. Đây là một phần chiếm khoảng 2% trong gói trị giá hơn 15 tỷ đô la mà các nước G7 và đối tác cam kết cung cấp cho Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái để giúp quốc gia này đạt mục tiêu đưa phát thải ròng về không vào năm 2050.
Reuters hôm 30/10 cho biết hãng tin này đã tiếp cận được một tài liệu về đề nghị này của các nước G7. Theo Reuters, Việt Nam muốn có được các khoản tài trợ và vốn vay lãi suất thấp để thực hiện việc chuyển đổi năng lượng, thay thế than bằng các nguồn điện gió và mặt trời nhưng cho đến hiện nay các nhước tài trợ chủ yếu chỉ cam kết cung cấp các khoản vay đắt đỏ theo giá thị trường trong khi các dự án điện trong nước bị trì hoãn.
Hiện Việt Nam vẫn cam kết hợp tác và đã chuẩn bị một danh sách khoảng hơn 400 dự án có thể nhận tiền từ G7 bao gồm 272 công trình năng lượng như các các trang trại điện gió và mặt trời, nâng cấp mạng truyền tải điện và hệ thống pin lưu điện, theo Reuters.
Hiện danh sách này vẫn cần sự chuẩn thuận của các đối tác quốc tế.
Theo Reuters, khoản tiền trị giá 321,5 triệu đô la hoàn toàn đến từ EU và các quốc gia của EU. Các nhà tài trợ thuộc khối này cam kết cung cấp tài chính khoảng 2,6 tỷ đô la cho Việt Nam. 2,7 tỷ đô la khác là các khoản vốn vay lãi thấp đến từ EU, Đức, Pháp và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), một phần nhỏ từ Canada.
Các khoản vốn vay từ khu vực công là tám tỷ đô la, nhưng hơn nửa là vốn vay theo giá thị trường và Việt Nam rất miễn cưỡng chấp nhận, theo Reuters.
Số 7,5 tỷ đô la còn lại trong cam kết hơn 15 tỷ đô la là các khoản vay từ khu vực tư nhưng các khoản này có kèm theo yêu cầu thay đổi về quy định và chất lượng các dự án cụ thể, Reuters trích bản tài liệu mới cho biết như vậy.
Hoa Kỳ cam kết một tỷ đô la nhưng hoàn toàn là các khoản vay theo giá thị trường.
Trong khi đó, theo ước tính của Chính phủ Việt Nam, để có thể thực hiện các kế hoạch phát điện của quốc gia đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 135 tỷ đô la. Khoản tiền từ G7 chỉ là một giai đoạn đầu ba năm và có mục đích để hấp dẫn những đầu tư tư nhân lớn hơn.
Hướng tới Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc diễn ra vào ngày 30/11 tới ở Dubai, các đối tác quốc tế cũng đang thúc giục Việt Nam có những cải cách về quy định và có sự tham gia của xã hội dân sự vào các quyết định liên quan đến biến đổi khí hậu.