Các tổ chức môi trường quốc tế bao gồm cả Greenpeace Thailand mới đây đã lên tiếng chỉ trích chính phủ Nhật Bản cho Việt Nam vay tiền để phát triển dự án khí Lô B – Ô Môn ngoài khơi bờ biển Tây Nam Việt Nam vì cho rằng khí đốt làm ô nhiễm môi trường.
Nikkei Asia hôm 18/7 cho biết, các tổ chức môi trường quốc tế “lên án mạnh mẽ” Ngân hàng Hợp tác Quố tế Nhật Bản (JBIC) vì giúp tài trợ cho dự án khí đốt trị giá 10 tỷ đô la vào khi Tokyo đang cam kết chấm dứt tài trợ cho việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Trong bức thư chung được gửi vào ngày 17/7, các tổ chức bao gồm như Trend Asia, Trung tâm Năng lượng, Sinh thái và Phát triển… viết rằng hai nước nên thực hiện “việc phi carbon hóa bằng cách chuyển hướng nguồn tiền tài trợ sang phát triển và tích hợp nhiên liệu tái tạo”.
Vào ngày 8/7 vừa qua, JBIC thông báo Việt Nam nhận được khoản vay hợp vốn trị giá khoảng 832 triệu đô la, trong đó phần của JBIC là 415 triệu đô la, phần còn lại là từ các tổ chức cho vay tư nhân.
Đây là dự án ở Lô B ngoài khơi tỉnh Kiên Giang, bao gồm việc xây dựng đường ống đưa khí đến các nhà máy điện ở phía Tây Nam Việt Nam.
Dự án phát triển mỏ khí Lô B-Ô Môn có sự tham gia của hãng Mitsui Oil Exploration với 23% cổ phần; hãng này cũng nắm 15% cổ phần của dự án đường ống dẫn khí.
Dự án phát triển mỏ khí Lô B còn có sự tham gia của Tập đoàn Dầu KHí Việt Nam (Petrovietnam) và PTT Exploration & Production của Thái Lan.
Các nhà bảo vệ môi trường cho rằng dự án này sẽ phá hoại sự chuyển giao cấp bách và cần thiết sang năng lượng sạch.
Mặc dù vậy, JBIC trong thông báo của mình lại khẳng định việc tài trợ này là đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
“Khí đốt tự nhiên, tạo ra ít khí nhà kính hơn nhiên liệu hóa thạch, đang thu hút sự chú ý như là một nguồn năng lượng trong việc chuyển đổi năng lượng sang hướng thực hiện một xã hội phi carbon hóa” – thông báo của JBIC cho biết.
Tuy nhiên các nhà hoạt động môi trường đã bác bỏ lập luận này và cho rằng khí đốt thực ra chỉ là nhiên liệu hóa thạch và được tiếp thị sai là nhiên liệu sạch.
Các tổ chức khác cũng tham gia ký bức thư này còn có Liên minh Nhân dân vì quyền đối với nước và Nhóm làm việc Đông Nam Á về khí hóa thạch và chuyển đổi năng lượng công bằng.
Việt Nam và Nhật Bản đều đang hướng tới mục tiêu đưa khí nhà kính về không vào năm 2050. Việt Nam nhìn nhận khí đốt là một năng lượng chuyển đổi khi quốc gia này chuyển từ than sang năng lượng gió và năng lượng mặt trời.