Quan hệ quân sự giữa Campuchia và Trung Quốc ngày càng thắt chặt thông qua việc ký kết một thoả thuận mới, tuy nhiên Việt Nam không thể chỉ trích động thái này, theo nhận định của một chuyên gia.
Tờ South China Morning Post hôm 31 tháng 3 đưa tin quan chức quân đội cấp cao của hai nước Campuchia và Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác quân sự.
Đây được cho là thoả thuận hợp tác giữa lực lượng lục quân của hai nước, đại diện bên phía Campuchia tham gia lễ ký trực tuyến là tướng Hun Manet – con trai của đương kim Thủ tướng Hun Sen, còn phía Trung Quốc là tướng Liu Zhenli.
Điều đáng chú ý là nội dung chi tiết của thỏa thuận này lại không được công bố.
Việc ký thoả thuận hợp tác quân sự này là diễn biến mới nhất trong mối quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc, vốn đã thu hút nhiều sự chú ý của khu vực cũng như quốc tế trong những năm trở lại đây.
Giới quan sát quốc tế cho rằng Trung Quốc có tham vọng biến quốc gia láng giềng của Việt Nam trở thành tiền đồn quân sự trong tương lai.
Trao đổi với đài Á châu Tự do, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực an ninh khu vực Châu Á-Thái bình dương, cho biết động thái nâng cấp mối quan hệ quân sự giữa Campuchia và Trung Quốc là có thể hiểu được trong bối cảnh nước này đang bị Phương Tây cấm vận.
“Một cách để nhìn nhận vấn đề này đó là đặt ra câu hỏi liệu Campuchia còn lựa chọn nào khác không, trong khi người Mỹ đã cáo buộc họ là thiếu minh bạch và ban hành lệnh cấm bán vũ khí, mặc dù Mỹ không phải là nước cung cấp vũ khí cho Campuchia.
Hun Sen gần đây tuyên bố rằng ông ta lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, và đặt ra câu hỏi rằng nếu một ngày Campuchia bị tấn công thì nước nào sẽ chịu giúp? Câu trả lời duy nhất đó là Trung Quốc, bởi vì Campuchia là nước độc tài, Hun Sen không có nhiều đồng minh, và Trung Quốc đã dang tay ra.”
Vị giáo sư người Úc cũng cho rằng không cần thiết phải quá lo ngại trước diễn biến mới này, bởi Campuchia và Trung Quốc vốn đã có rất nhiều hợp tác về mặt quân sự.
Về phía Trung Quốc thì việc ký thoả thuận quân sự mới với Campuchia xảy ra ngay sau thông tin nước này đang tìm cách để đặt căn cứ hải quân ở quần đảo Salomon trên Thái Bình Dương được đăng tải trên truyền thông.
Về việc liệu Việt Nam sẽ phản ứng ra sao trước việc đồng minh truyền thống của mình ngày càng ngả về phía Trung Quốc, Giáo sư Carlyle Thayer bình luận:
“Quan điểm của tôi là trong khi Việt Nam cũng duy trì quan hệ quân sự với Trung Quốc thì không thể nào lại chỉ trích Campuchia vì nước này làm điều tương tự được.
Việt Nam đang tỏ ra thận trọng bằng cách duy trì chính sách bốn không qua đó không liên minh quân sự với nước nào, và không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở lãnh thổ của mình, nên khía cạnh mà Việt Nam đang gây sức ép lên Campuchia nằm ở vấn đề căn cứ hải quân Ream, nhưng đó là lĩnh vực liên quan đến hải quân, chứ không phải lục quân.
Tôi nghĩ rằng Trung Quốc là mối bận tâm cần phải được theo dõi nhưng ngoài quan sát, theo dõi và thích ứng ra thì các quốc gia trong khu vực không làm gì khác được.”
Ngoài ra, Giáo sư Thayer cũng cho rằng phía Việt Nam ý thức được là họ không còn ảnh hưởng quá lớn lên Campuchia nữa, do vậy sẽ chỉ tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến lợi ích cốt lõi của mình, như vấn đề an ninh biên giới và tìm cách ngăn cản không cho Trung Quốc đặt căn cứ quân sự ở Campuchia.