Mới đây, tại phiên họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng CSVN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu cho rằng: ‘Cán bộ cấp chiến lược là tầng lớp ‘tinh hoa’ của đất nước, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược…’
PGS – TS Hoàng Dũng từ Sài Gòn hôm 19/3/2024 cho RFA biết ý kiến:
“Cứ nhìn thấy bao nhiêu cán bộ chiến lược bị ở tù, mà có phải là tù đế quốc thực dân đâu, ở tù chính là do lò ông Trọng đưa vô, rồi biến thành củi của lò ông Trọng… để thấy rằng là cái câu của ông Trọng nói bị chính ông Trọng phản biện một cách mỉa mai như thế nào?”
Theo PGS – TS Hoàng Dũng, bất kỳ xã hội nào cũng cần cán bộ lãnh đạo có tài, có đức… Nhưng vấn đề ở chỗ trên thực tế, làm thế nào để biến yêu cầu đó thành chuyện thực tiễn, chứ không phải chỉ là mơ ước. Thực tế ở Việt Nam theo ông Dũng điều đó vẫn chỉ là mơ thôi. Ông Dũng nói tiếp:
“Tài đức hay không có thể được đo lường bằng thực tiễn, các ông lãnh đạo làm ăn như thế nào? Đời sống nhân dân lên đến đâu nhờ vào quyết sách của các ông lãnh đạo? Cái lò của bác Trọng ngày càng rực lửa cho thấy các cán bộ chiến lược ấy nếu các vị ấy tài đức, thì chắc là chỉ có hai khả năng xảy ra. Một là các ông ấy bị đưa vào lò do oan, hoặc không oan… thì thật sự họ không có tài đức. Càng ngày người dân Việt Nam càng thấy rằng khả năng thứ hai là đúng. Nghĩa là các ông ấy không oan gì hết. Mà có lẽ còn nhiều các vị đáng đưa vô lò mà chưa đưa vô.”
Cho nên PGS – TS Hoàng Dũng cho rằng, nói rằng người cán bộ lãnh đạo có tài, có đức… căn bản vẫn chỉ là mơ ước thôi.
Cứ nhìn thấy bao nhiêu cán bộ chiến lược bị ở tù, mà có phải là tù đế quốc thực dân đâu, ở tù chính là do lò ông Trọng đưa vô, rồi biến thành củi của lò ông Trọng… để thấy rằng là cái câu của ông Trọng nói bị chính ông Trọng phản biện một cách mỉa mai như thế nào?
-PGS – TS Hoàng Dũng
Còn Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã tự giải thể, hôm 19/3/2024 khi nói với RFA từ Hà Nội cho rằng:
“Mỗi một người nghĩ tinh hoa theo một nghĩa khác nhau. Nếu tinh hoa dịch từ chữ elite chẳng hạn, thì elite không có nghĩa là tinh hoa, là tinh túy, là những gì cao đẹp, hay những gì cao sang nhất… nó chỉ đơn thuần có nghĩa là những người có quyền thế, có quyền lực mà thôi. Tôi không hiểu ông Trọng hiểu thế nào là tinh hoa?”
Liên quan vấn đề tài đức của cán bộ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định:
“Vấn đề có tài, có đức cũng khá là phức tạp. Hiểu thế nào là tài? ‘Tài’ chỉ là có năng lực, có sáng tạo, sắc sảo trong ra quyết định… thì là một nghĩa. Nhưng chữ ‘tài’ cũng có nghĩa là khôn lõi, biết luồn lách. Cho nên thật sự hoàn toàn phụ thuộc vào người ta hiểu những từ ngữ đấy như thế nào? Còn về ‘đức’ cũng là một khái niệm khá mù mờ. Nếu người ta hiểu có ‘đức’ nghĩa là phải biết tôn trọng người khác, phải có đạo đức tốt là một chuyện. Nhưng ‘đức’ cũng có thể có nghĩa như thời cổ, là phải tôn trọng vua…”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ nói cán bộ cấp chiến lược có đủ bản lĩnh, trí tuệ để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược… mà ông Trọng còn nói để bảo vệ sự sống còn của chế độ.
Từ Na Uy hôm 19/3/2024, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định với RFA:
“Nếu cán bộ cấp chiến lược của Đảng là những người thực sự có đức và có tài, Việt Nam chắc chắn đã trở thành một cường quốc ở khu vực. Ai cũng biết tham nhũng hiện đã trở thành một đại nạn của quốc gia. Tham nhũng hiện diện ở khắp nơi, ở đủ các ban ngành. Tham nhũng đã phá huỷ mọi nỗ lực dựng xây đất nước. Ai tham nhũng? Chỉ có cán bộ mới có cơ hội để tham nhũng. Cán bộ càng ở vị trí trọng yếu càng tham nhũng mạnh. Các vụ như Việt Á hay đại án Trương Mỹ Lan gần đây đã cho thấy một phần của tảng băng chìm.”
Nếu cán bộ cấp chiến lược của Đảng là những người thực sự có đức và có tài, Việt Nam chắc chắn đã trở thành một cường quốc ở khu vực. Ai cũng biết tham nhũng hiện đã trở thành một đại nạn của quốc gia.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ
Cán bộ cấp chiến lược không có đức, nhưng vấn đề quan trọng hơn cho quốc gia theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, là họ cũng chẳng có tài. Chính vì không có tài, nên ngoài những khẩu hiệu hô suông, những chính sách đưa ra liên tục vấp phải những sai lầm lớn hoặc không có tác dụng thúc đẩy phát triển quốc gia. Hậu quả là mức sống của người dân Việt Nam trung bình vẫn còn ở khoảng cách rất xa so với những nước phát triển khác trong khu vực. Vì quá nghèo và thiếu cơ hội phát triển mà rất nhiều người dân Việt Nam mỗi khi có dịp sang nước ngoài thường tìm cách trốn ở lại bất chấp các rủi ro về an ninh. Ông Vũ nói tiếp:
“Muốn biết rằng cán bộ cấp chiến lược của Đảng Cộng sản có thực sự là tầng lớp tinh hoa của đất nước hay không thì không khó. Chỉ cần cho các cán bộ cấp chiến lược của Đảng Cộng sản ra tranh cử sòng phẳng trong một cuộc bầu cử tự do với các ứng viên độc lập khác.
Nếu các cán bộ của Đảng thể hiện một sự xuất sắc trước công chúng và sau đó thực hiện các chính sách tốt, thì lúc đó mới có thể nói rằng cán bộ chiến lược của đảng Cộng sản là tầng lớp tinh hoa của đất nước.”
Nhưng theo ông Vũ, chắc chắn một điều rằng Đảng Cộng sản sẽ không tự nguyện mở một cuộc bầu cử tự do để các cán bộ chiến lược của mình ra tranh cử sòng phẳng và tự do. Ông Vũ lý giải:
“Bởi vì làm điều đó là tự sát: đa số cán bộ chiến lược của đảng Cộng sản sẽ rớt. Họ biết chắc điều đó và điều đó đồng nghĩa rằng họ biết rằng các cán bộ chiến lược của họ còn lâu mới đạt tới trình độ mặt bằng trung bình của giới trí thức Việt Nam chứ chưa nói đến là tầng lớp tinh hoa của đất nước.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, nếu Đảng Cộng sản có nhiều lãnh đạo có đức, có tài thì đó quả thật là hồng phúc cho dân tộc, và Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một quốc gia phú cường từ rất lâu. Thực tế theo ông Vũ đã chứng minh ngược lại, Đảng Cộng sản đã đưa Việt Nam đi từ thất bại này đến khủng hoảng khác và hậu quả là khoảng cách về mức sống trung bình giữa người dân Việt Nam và các nước phát triển trong khu vực vẫn còn ở mức rất xa.