Ngày 24/9/2024, TBT—CTN Tô Lâm làm việc và gặp gỡ các tập đoàn công nghệ như Apple, Meta, cùng nhiều công ty lớn khác. Tại đây, ông đề nghị các lãnh đạo doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực yêu cầu Washington xóa tên Việt Nam khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường (NME).
——————————-
Kinh tế Thị trường (ME) là quy chế mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nỗ lực trong nhiều năm gần đây để thuyết phục Hoa Kỳ công nhận. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang bị treo lơ lửng và phụ thuộc một phần vào kết quả cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ. Trong khi Harris và Trump cạnh tranh tại các bang chiến trường, thì Việt Nam đang đối mặt với khó khăn do các thông tin tiêu cực về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) từng cảnh báo về làn sóng chuyển dịch đầu tư ra khỏi Việt Nam, và đánh giá rằng chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam đã không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong nước cũng như quốc tế (1).
Ngày 27/9/2024, Thứ trưởng MPI Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì cuộc họp về “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn”. Mục tiêu là thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang lan rộng (2). Tuy nhiên, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một nhiệm vụ dài hạn. Trong khi đó, Việt Nam đang gặp khó khăn cấp thời với “thuế tối thiểu toàn cầu”, gây áp lực lên sự thu hút đầu tư . Chính sách “thuế tối thiểu toàn cầu” nhằm ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia trốn thuế bằng cách chuyển lợi nhuận đến các quốc gia có mức thuế thấp. Trong bối cảnh xuất hiện chính sách thuế tối thiểu như vậy, nhiều tập đoàn đã chuyển hướng đầu tư ra khỏi Việt Nam do Hà Nội thiếu các quy định hỗ trợ từ ngân sách nhà nước .
Việt Nam từ lâu đã vận động chính quyền Hoa Kỳ nên công nhận nền kinh tế thị trường của mình dựa trên những cải cách trong những năm qua. Việc vẫn giữ nhãn NME ảnh hưởng đến quan hệ song phương, theo nhận định của Hà Nội, nhất là khi Mỹ đang coi Việt Nam như đối trọng với Trung Quốc. Ngày 25/9, tại New York, Tổng thống Biden và TBT—CTN Tô Lâm đã gặp nhau rất nồng ấm, cam kết cùng đẩy mạnh hợp tác, nhưng bản thân chính quyền Biden (chỉ còn tồn tại hơn một tháng nữa) đã không đưa ra bất cứ cam kết khả quan nào về yêu cầu của Việt Nam. Lý do giản dị là vì, ME họat động theo những nguyên tắc độc lập, chính quyền không thể can thiệp, giống kiểu can thiệp của Nhà nước Việt Nam vào quá trình quản trị kinh tế trong nước. Khi được hỏi liệu tình trạng NME của Việt Nam có được thảo luận trong hôm 25/9 hay không, một quan chức cấp cao của Mỹ trả lời các phóng viên: “Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận rộng rãi về hợp tác kinh tế và các kế hoạch tăng cường hợp tác với Việt Nam”, vẫn Reuters cho hay (3).
Trong các cuộc gặp tại New York, ông Tô Lâm đã đề nghị các lãnh đạo doanh nghiệp như Apple, Meta và các công ty tài chính khác ủng hộ Hà Nội trong các nỗ lực yêu cầu Washington xóa tên Việt Nam khỏi danh sách NME, và đẩy mạnh hợp tác về chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Nhưng Google, hãng khổng lồ về công nghệ của Mỹ, lại tuyên bố liên tiếp trong hai ngày đầu tuần về việc đầu tư tổng cộng ba tỷ đô la vào Malaysia và Thái Lan để xây các trung tâm dữ liệu, thay vì chọn Việt Nam, dù trước đó, hãng từng có cân nhắc về việc đầu tư vào Việt Nam (4).
Hôm 1/10/2024, theo bản tin của Reuters và báo đài nước ngoài, Google và chính quyền Malaysia đã làm lễ động thổ xây dựng một trung tâm dữ liệu kiêm vùng lưu trữ dữ liệu đám mây (cloud region) trị giá hai tỷ đô la. Google nói rằng khoản đầu tư này sẽ tạo ra 26.500 việc làm và đóng góp hơn ba tỷ đô la vào nền kinh tế Malaysia trong thời gian từ nay đến năm 2030. Trước đó một ngày, Google cũng khẳng định sẽ đầu tư một tỷ đô la vào một trung tâm tương tự ở Thái Lan, tạo ra trung bình 14.000 việc làm mỗi năm từ nay đến năm 2029. Trong khi đó, chỉ cách đây hơn một tháng, hôm 29/8, Reuters và các báo đài nước ngoài đưa tin rằng Google “đang cân nhắc việc xây một trung tâm dữ liệu lớn ở Việt Nam”, có thể là tại một nơi gần thành phố Hồ Chí Minh. Nếu điều này trở thành hiện thực, đó sẽ là dự án đầu tiên thuộc dạng này ở Việt Nam, do một hãng công nghệ lớn của Mỹ đầu tư (5).
Vậy là các phát ngôn có cánh dành cho Việt Nam trong diễn văn cuối cùng của Tổng thống Biden ở Liên Hợp Quốc, những cái bắt tay nồng ấm giữa các nhà lãnh đạo Washington và Hà Nội đã không thúc đẩy được câu chuyện ME của Việt Nam. Chính bản thân MPI phải thừa nhận, các chủ trương ưu đãi đầu tư của Việt Nam chỉ tập trung vào miễn, giảm thuế và ưu đãi về tiền thuê đất, mà không chú trọng các ưu đãi dựa trên chi phí. Điều này khiến sức cạnh tranh của Việt Nam giảm dần và không khuyến khích đầu tư lâu dài. Việc Việt Nam không có các giải pháp kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư mở rộng hoặc duy trì đầu tư của các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam và kéo theo sự sụt giảm việc thu hút các công ty vệ tinh khác; đồng thời sẽ giảm động lực đầu tư của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, có thể dẫn đến việc thu hẹp quy mô sản xuất, giảm cầu về lao động (6).
Trong trường hợp Việt Nam không có động thái điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư và cơ chế thực hiện phù hợp thì việc áp dụng chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam; không còn hấp dẫn để giữ chân hoặc thu hút thêm vốn đầu tư mới từ các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Từ đó, ảnh hưởng đến vị thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực, cũng như ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng cao. Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu không sớm nội luật hóa để điều chỉnh mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp lên tương đương với mức thuế tối thiểu toàn cầu (15%), Việt Nam sẽ không thu được phần thuế chênh lệch, các công ty đầu tư tại Việt Nam cũng không được hưởng ưu đãi này, vì sẽ bị các quốc gia của công ty mẹ thu về. (7)
____________
Tham khảo:
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
* Trần Hiếu Chân là một blogger, đồng thời cũng là nhà báo độc lập tích cực tham gia vào mạng lưới xã hội đấu tranh vì tự do báo chí, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Blogger này cũng là một trong những nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và đường lối ngoại giao của Việt Nam và các nước ASEAN.