Kể từ khi cuộc Chiến tranh Việt Nam chấm dứt hồi cuối tháng 4/1975, sau làn sóng hàng triệu người Việt liều mình vượt biển và mặc dù Hà Nội thực hiện Chính sách ‘Đổi mới’ từ đầu thập niên 80 của thế kỷ XX nhưng những dòng người Việt vẫn tiếp tục rời bỏ đất nước hình chữ ‘S’ với giấc mơ ‘đổi đời’. Trong đó, không ít người chọn cuộc hành trình đến ‘thiên đường’ Châu Âu cùng với những ước vọng mà họ phải trả một cái giá rất đắt bằng chính mạng sống của mình
‘Thùng nhân’ Việt và giấc mơ đổi đời nơi trời Âu (Phần IV)
Nếu theo dõi báo chí Đức trong thời gian gần đây, người đọc có thể nhận thấy Cảnh sát Cộng Hòa Liên Bang Đức nỗ lực tiến hành hàng loạt những cuộc bố ráp nhắm vào đường dây buôn người Việt Nam.
Điển hình như hôm 14/9 tại Berlin, hơn 120 cảnh sát đã bố ráp băng nhóm chuyên làm dịch vụ “cha giả nhận con” để phụ nữ Việt được cấp giấy định cư, theo tin từ BZ Berlin. Hôm 28/6, cũng tại Berlin, lực lượng cảnh sát tiến hành bố ráp trụ sở một công ty xây dựng và một số nhà do người Việt Nam thuê, vì nghi vấn có hành vi tội phạm buôn người. Trước đó một tháng, 700 Cảnh sát Đức và Liên Âu (Europol) đã đồng loạt kiểm soát hàng loạt cơ sở kinh doanh, nhà hàng, tiệm nails (tiệm làm móng tay) tại một số tiểu bang Đức và Bratislava, thủ đô Slovakia. Cơ quan chức năng đã bắt quả tang một số nghi phạm có quốc tịch Việt vì nghi vấn là chủ mưu đường dây buôn người.
Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức ghi nhận từ khoảng 10 năm nay hiện tượng buôn người do đường dây người Việt hoạt động tại Châu Âu ngày càng phổ biến, thậm chí tại Berlin, cảnh sát đã lập ra một đơn vị đặc biệt tập trung vào việc này.
Một mảng tối tội phạm rất lớn
Người Đức đánh giá tội phạm buôn người rất nặng và họ xem vi phạm nhân quyền, bóc lột sức lao động là một dạng nô lệ hiện đại, nên Cảnh sát Đức sẵn sàng bỏ ngân sách đề điều tra các đường dây buôn người. Đó là nhận định của ông Trần Hoàng Việt, một cộng sự viên của Văn phòng Điều tra Cảnh sát Đức trong hơn 25 năm qua. RFA đã đổi tên ông để đảm bảo an toàn. Ông Việt nói:
“Đối với họ chuyện này rất là nặng, và họ sẵn sàng bỏ ra nửa triệu Euro để mở một vụ án điều tra. Nhất là điều tra đối với những băng đảng chuyên nghiệp đưa người.
Họ (chính quyền) có thể theo đuổi một vụ án có thể một năm, hai năm trời bằng mọi cách, từ giám thoại, theo dõi cho tới khi nào mà họ bắt được quả tang. Những việc đó tốn kém cho nhà nước vô cùng nhưng đó là một loại đại hình cho nên họ sẵn sàng chi phí cho những trường hợp đó”.
Hoạt động của đường dây buôn người tập trung vào Berlin, vừa là điểm đến và điểm trung chuyển của nhiều người Việt di cư bất hợp pháp. Ông Việt nói:
“Berlin là một nơi ‘đặt hàng’ và nơi ‘nhận hàng’ cũng ở đó. Ở đó họ có rất là nhiều cò mồi, họ sẵn sàng núp bóng ở dưới những dịch vụ, văn phòng môi giới v.v. Ở Berlin, người Việt cũng có cư trú ở đó nên cảnh sát có lập những nhóm chuyên nghiệp để theo dõi và nhận dạng, điều tra ra những đường dây này”.
Theo Báo cáo về Tình hình Liên bang của Văn phòng Cảnh Sát Hình sự Đức, năm 2019 có chín tổ chức buôn người do người Việt Nam cầm đầu, trá hình dưới những tội phạm khác như buôn ma túy, cướp bóc, bóc lột lao động v.v. Báo cáo năm 2019 ghi nhận có 56 nghi phạm người Việt, trong khi năm 2018, có sáu tổ chức tội phạm Việt và 45 bị cáo.
Tuy con số không lớn nhưng theo Đại úy Nicole Baumann, thuộc Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức (BKA), trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do thừa nhận, rất khó để có được con số tổng quát và chính xác về nạn buôn người tại Đức, đặt biệt đối với nhóm tội phạm là người Việt Nam.
“Nếu chỉ dựa trên số liệu thống kê, thì có vẻ như nguy cơ từ các nhóm tội phạm người Việt Nam không quá cao. Tuy nhiên, số liệu cho thấy, tỷ lệ các nghi phạm Việt Nam vi phạm quy định về luật nước ngoài đã tăng 40% trong giai đoạn từ 2018 đến 2020, từ 1.734 lên đến 2.887 bị can người Việt.
Theo Bản báo cáo Tình hình Liên bang về hoạt động buôn người, các nghi phạm hoặc nạn nhân người Việt Nam có vẻ như chưa đóng vai trò nổi bật. Nếu nhìn như vậy thì tầm quan trọng của nhóm người Việt Nam có thể được đánh giá là rất thấp. Nhưng phải nói rằng những tình huống chúng tôi biết được chỉ là mảng sáng của tội phạm, và đặc biệt là với các thủ phạm và nạn nhân Việt Nam, chúng tôi chắc chắn còn một mảng tối rất lớn”.
Bà Nicole Baumann cho biết thêm, nếu như trước đây thủ phạm tập trung hoạt động tại thủ đô Berlin, thì nay đường dây đã lan rộng cả nước và cảnh sát phát hiện nạn nhân buôn người trên nhiều tiểu bang của nước Đức như Niedersachsen, Rheinland-Pfalz, Thueringen, v.v….
Nhận làm hôn thú giả, nhận làm cha giả
Hành vi buôn người không đơn thuần là đưa, rước người từ nước này qua nước khác, mà nó kéo theo hàng vạn hình thức tội phạm. Ông Hoàng Việt nói:
“Chuyện buôn người đa dạng ở chỗ là có những người họ tìm cách mai mối cho những người đang ở lậu ở Đức này, không có giấy tờ, bằng cách cưới giả hay nhận con giả, hay còn nhiều cách khác nữa.
Dạng cưới giả rất thịnh hành. Là nhờ người ta mai mối rồi hợp tác với nhau để trước sở ngoại kiều, khi bị phỏng vấn đối chiếu, thì làm sao cho nó ăn khớp. Đó là một dạng. Dạng cưới hỏi bằng giấy tờ là từ khoảng 35.000 Euro trở lên. Nếu may mắn có người nhẹ tay thì ít hơn”.
Người nhận làm hôn thú có thể là người Đức, hoặc người Việt Nam có quốc tịch Đức, có giấy tờ cư trú, nhưng theo lời ông Việt, người “chồng giả” không nhận được bao nhiêu, mà đa phần tiền thu về thuộc về tay môi giới. Ông nói tiếp:
“Dạng thứ hai là dạng nhận con khi có bầu. Tụi môi giới sẽ đòi còn cao hơn nữa. Khi mà nhận con có thể lên 45.000 Euro, từ 45.000 trở lên. Và nhân vật đó, người mẹ, người bố vẫn còn độc thân, họ còn có cơ hội đi một bước nữa”.
Nghĩa là những người này trả tiền cho môi giới để được qua định cư tại Đức, sau đó họ lại làm giấy tờ hôn thú giả với người khác ở Việt Nam để bù đắp vào số tiền đã mất.
“Đó là hai dạng chính, xảy ra thường xuyên nhất”. –Ông Việt nói.
Nhà báo độc lập Marina Mai, thường viết về cộng đồng người Việt tại Đức, nói điều này thể hiện trong số liệu thống kê riêng tại Berlin:
“Trong số người Việt Nam chính thức cư trú tại Berlin, 60% là phụ nữ và 40% là nam giới. Nhưng nếu nhìn kỹ thì chúng ta thấy thành phần trẻ em và lứa tuổi trên 40 tuổi, tỷ lệ nam-nữ cân bằng, 50-50. Nhưng thành phần phụ nữ ở vào lứa tuổi sinh đẻ thì có sự trên lệch rõ rệt”.
Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc và nếu như trước đây, pháp luật Đức không cho phép cảnh sát thử ADN để kiểm tra tư cách làm cha, ông Việt cho biết, nay họ đã uyển chuyển:
“Trước đây thì Đức rất là nhân đạo và không cần biết người tuyên bố tôi là bố của đứa bé sắp sanh đó, họ không cần thử ADN, không cần thử máu, không cần gì hết. Đó là vì nhân đạo, vì đứa con lớn lên không phải mồ côi. Về đạo đức đó là chuyện rất tốt. Nhưng mà bây giờ nó đại tra, quá nhiều rồi nên cách đây khoảng từ một năm trở lại tôi thấy họ bắt đầu dùng biện pháp thử máu, thử ADN”.
Bóc lột tình dục
Báo cáo Tình hình nước Đức về Buôn người và Bóc Lột 2020, mới được công bố hôm 28/9/2021 cho thấy trong năm đại dịch COVID-19 bắt đầu lan truyền trên khắp thế giới, nạn buôn người, đặc biệt là hành vi xúc phạm hoặc bóc lột tình dục mà nạn nhân là người Việt Nam, đã trở nên đáng quan ngại hơn.
Năm 2019, báo cáo ghi nhận có ba người Việt Nam được công nhận là nạn nhân buôn người. Đến năm 2020, con số nạn nhân tăng hơn gấp bốn lần, lên 13 người. Tuy nhiên, chưa đủ dữ liệu để có thể xác định nguyên nhân cho sự gia tăng này. Đại dịch có thể đã ảnh hưởng đến kế sinh nhai của người vốn đã dễ bị tổn thương, như phụ nữ nghèo, đưa họ vào những con đường đầy hiểm nguy. Cũng có thể Cảnh sát Đức đã gia tăng nỗ lực kiểm soát.
Đại úy Nicole Baumann nói:
“Nạn buôn người và nạn nhập cư lậu thực ra được phát hiện từ việc kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật khác. Càng kiểm tra nhiều thì khả năng phát hiện tội phạm và nạn nhân càng cao.
Hiện nay chúng tôi đã bắt đầu tiến hành những vụ án đầu tiên có phụ nữ Việt Nam là nạn nhân của bóc lột tình dục. Thủ phạm lợi dụng hoàn cảnh dễ bị tổn thương của những người cư trú bất hợp pháp hoặc không có giấy phép lao động. Họ đe dọa sẽ đưa nạn nhân ra cảnh sát, để gây áp lực lên nạn nhân có thể tiếp tục cưỡng chế họ.”
Cộng sự viên điều tra của cảnh sát, ông Hoàng Việt bổ sung:
“Rất nhiều người đi qua được tới đây sẵn sàng chui ở trong nhà của những người chịu chứa chấp họ. Họ làm những việc nội trợ, họ là một người ở đợ cho gia chủ có thời gian đi làm việc. Gia chủ, có rất nhiều người sẽ lợi dụng tình thế và khó khăn của những người này. Họ sẽ lạm dụng. Chuyện đó xảy ra rất thường. Và cho dù họ làm sai cách nào thì những nạn nhân này không bao giờ dám đi ra cảnh sát, không bao giờ dám thưa.”
Nguy cơ bị xúc phạm tình dục, ngay cả bị sát hại, không chỉ xảy ra khi các nạn nhân đã đến Đức, mà là rủi ro lớn trên cả hành trình từ Nga sang các nước Đông Âu đến đây. Thế nhưng nhiều người, và chính người bị lạm dụng cũng không thấy họ là nạn nhân buôn người, chỉ cho rằng đây là những người đi vì muốn “đổi đời”. Ông Việt nói:
“Trên đường đi có rất nhiều nguy cơ. Đặc biệt là phái nữ. Khi lên đường đi như vậy thì đã có rất nhiều người mất tích. Chuyện đó có thể xảy ra vì bị đánh cắp nội tạng. Phái nữ có nhiều người cũng bị xé lẻ ra để những người đưa đường ở những mắt xích dọc đường có thể hãm hiếp, có thể làm đủ chuyện với những người đó. Nhưng họ vẫn chấp nhận nguy cơ đó để mà họ lao vào.
Số mà bị hãm hại, bị xâm phạm tình dục nhiều chứ không ít đâu”.
Mại dâm “tại gia”
Nhóm chuyên gia về Buôn người của Hội đồng Châu Âu trong báo cáo 2020 nhận xét, sau khi Đức lấy quyết định tạm đóng cửa các doanh nghiệp mại dâm ngày 16/3/2020 để phòng, chống COVID-19, xu hướng mại dâm bất hợp pháp đã gia tăng, kèm với những điều kiện làm việc bóc lột và bạo lực hơn.
Nhà báo Marina Mai đã len lỏi vào các diễn đàn trao đổi về mại dâm cho một phóng sự điều tra trên tờ báo TAZ, viết (RFA tạm dịch):
“Nếu bạn tìm kiếm trên các diễn đàn dành cho người dâm, bạn sẽ phát hiện ra rằng có rất nhiều gái mại dâm Việt Nam tại Berlin. Họ làm việc trong các nhà chứa hoặc tiệm massage, thường nói tiếng Đức rất kém và đôi khi rõ ràng có thai. Người tìm dịch vụ này thích giá rẻ của các phụ nữ Việt Nam.”
Phải nói ở đây ngành mại dâm là một nghề hợp pháp được chính phủ chấp nhận. Tuy nhiên, bà Marina Mai nhấn mạnh, đa số các phụ nữ này không có giấy tờ cư trú. Họ làm việc tại gia, và thường xuyên di chuyển để tránh né sự kiểm soát và quản lý của cơ quan chức năng.
“Ở đó xảy ra nhiều điều vô cùng hèn hạ, theo lời kể của các người đàn ông. Ví dụ, họ trả 50 Euro cho một nửa giờ. Người phụ nữ thực sự phục vụ các đàn ông theo nhịp cứ nửa giờ một người. Một người đàn ông khi anh ta vừa kết thúc, là đã có người kế tiếp ngồi sẵn trước cửa hoặc vô phòng khi anh ta đang còn tắm rửa. Những điều này thể hiện rất sâu sắc sự tuyệt vọng của những người phụ nữ đó.”
Nạn nhân được ‘huấn luyện’ để giữ im lặng
Vì sao trong những hoàn cảnh vô nhân đạo như vậy, nạn nhân Việt Nam vẫn ít khi tìm đến cảnh sát hoặc các tổ chức hỗ trợ nạn nhân để khai báo tội phạm hoặc được giúp đỡ?
Ông Kevin Hyland là một chuyên gia về buôn người đã từng nghiên cứu về vấn nạn này tại Việt Nam, đồng thời là thành viên Nhóm chuyên gia về hành động chống buôn người (GRETA) của tổ chức nhân quyền với tên gọi là “Hội đồng Châu Âu” (Council of Europe). Từ Ái Nhĩ Lan, ông ghi nhận, các nạn nhân Việt Nam phải chịu áp lực tinh thần ghê gớm:
“Khi đến Châu Âu, vì người Việt Nam thường không có giấy tờ tùy thân, họ không biết bất kỳ ngôn ngữ Châu Âu nào, và một điều rất rõ ràng là đi càng xa trên hành trình đó, sự bóc lột của họ càng tồi tệ hơn. Vì vậy họ bị tổn thương rất nặng về mặt tình cảm và tâm lý. Nhưng họ vẫn không muốn tiếp cận bất cứ một sự giúp đỡ nào vì áp lực hoặc sự kiểm soát đến từ người cho vay ở Việt Nam quá lớn khiến họ không muốn tiếp cận với các cơ quan chức năng”.
“Khi đến Châu Âu, vì người Việt Nam thường không có giấy tờ tùy thân, họ không biết bất kỳ ngôn ngữ Châu Âu nào, và một điều rất rõ ràng là đi càng xa trên hành trình đó, sự bóc lột của họ càng tồi tệ hơn. Vì vậy họ bị tổn thương rất nặng về mặt tình cảm và tâm lý. Nhưng họ vẫn không muốn tiếp cận bất cứ một sự giúp đỡ nào vì áp lực hoặc sự kiểm soát đến từ người cho vay ở Việt Nam quá lớn khiến họ không muốn tiếp cận với các cơ quan chức năng”. -Ông Kevin Hyland
Ông Việt cũng xác nhận điều này, rằng khi đi qua những nước Đông Âu, lạ nước lạ cái, mạng sống họ hoàn toàn tùy thuộc vào kẻ đưa đi. Người cầm đầu sẽ giữ hộ chiếu của họ, và sẽ không dừng ở những biện pháp kiểm soát đó. Ông cho biết:
“Trước khi lên đường nạn nhân đã có những khóa huấn luyện rất kỹ và họ biết khi bị bắt họ phải phản ứng như thế nào và có những lời khai như thế nào, tùy vào những trường hợp thỏa thuận”.
Theo sự tìm hiểu của Đài Á Châu Tự Do, giữa băng nhóm buôn người và người di cư lậu có những thỏa thuận tùy theo mức kinh phí đảm bảo đưa ‘thân chủ’ đến điểm hứa hẹn, nếu lần đầu đi không lọt.
Thêm vào đó, theo ông Việt, người Việt Nam không đến các cơ quan chính quyền hay tổ chức phi chính phủ (NGOs) để nhờ hỗ trợ vì ngay từ đầu họ đã có những khuất tất, mâu thuẫn hay gian dối trong lời khai, và vì vậy rất sợ bị lộ những gì họ giấu diếm. Nếu họ thật sự chịu cộng tác, khai về đường dây đưa người thì Chính quyền Đức sẽ sẵn sàng cho người đó vào “Chương trình bảo vệ nhân chứng”, ông Việt nói, và họ có cơ may dễ dàng được ở lại Đức hơn. Tuy vậy, chuyện này rất hiếm khi xảy ra.
Thêm một lý do vì sao nạn nhân giữ kín cho kẻ buôn người, theo sĩ quan điều tra Nicole Baumann là có quan hệ mật thiết, nhiều khi là người thân, người cùng làng với nạn nhân:
“Chúng tôi nhận thấy rằng thủ phạm và nạn nhân thuộc cùng một cộng đồng, họ đều quen biết nhau và do đó họ sợ tiết lộ thông tin ra ngoài. Họ không có sự tin tưởng vào cơ quan chức năng nên thường họ cũng ít khi sẵn sàng khai báo với cảnh sát hoặc tìm đến các cơ quan cố vấn chuyên môn khác, như các tổ chức phi chính phủ chẳng hạn”.
Điều này không có nghĩa là đường dây buôn người chỉ có người Việt Nam điều hành, mà đây là những băng nhóm, hoạt động theo từng đoạn đường, hợp tác với các băng nhóm của nước khác.
Chống buôn người liên quốc gia và liên ngành
Văn phòng Cảnh sát Liên bang Đức đã nhận thức rằng, để thực sự chống nạn buôn người, cơ quan chức năng phải tập trung gia tăng kiểm soát những tội phạm liên quan. Qua nhiều năm quan sát, họ đã nhận ra rằng hành vi buôn người thường đi đôi với những tội phạm khác như lao động lậu, buôn bán ma túy, buôn bán thuốc lá trên đường phố, v.v.
Bà Baumann nói:
“Để ngăn chặn nạn buôn người Việt Nam tại Đức và Châu Âu, chúng tôi phải hành động trên phạm vi quốc gia và quốc tế, có sự hợp tác của nhiều cơ quan để tấn công đường dây phạm. Chỉ khi có sự hợp tác chặt chẽ mới tác động được lâu dài đến lãnh vực phạm tội này”.
Cảnh sát Đức nói trong nỗ lực này, họ cũng làm việc với những tổ chức bảo vệ nạn nhân buôn người, như tổ chức thiện nguyện Vòng Tay Thái Bình (Pacific Links), trụ sở tại Hoa Kỳ, chuyên giúp phụ nữ và trẻ em Việt Nam, để nhân viên cảnh sát có thể học hỏi và hiểu thêm về văn hóa và đời sống của nạn nhân.
Sự hợp tác cũng bao gồm Chính quyền Việt Nam thông qua Đại Sứ quán Việt Nam tại Đức, bà Baumann cho biết.
Tuy nhiên, nhiều người từng làm việc với Đại Sứ quán Việt Nam ở Đức và nhiều quốc gia khác, đánh giá rất kém sự ‘giúp đỡ’ của nhân viên Đại Sứ quán đối với những người đồng hương gặp .
Khi đời sống tại Đức trở nên khó khăn, hoặc món nợ cho chặng đường này đã trả được xong, những người Việt Nam ở lậu tại Đức lại tìm đường đi tiếp đến nước Anh.
Mời quý vị theo dõi Phần V của loạt bài phóng sự về ‘thùng nhân’ Việt ở Châu Âu.
Part I: ‘Thùng nhân’ Việt và giấc mơ đổi đời nơi trời Âu
Part II: ‘Thiên đường’ Châu Âu và các cuộc hành trình nhiều may rủi
Part III: Trạm dừng chân ở Đông Âu và Viễn ảnh đến Tây Âu cùng Nỗi sợ hồi hương
Phần V: Thuyền nhân Việt Nam trong thời đại mới