Chế độ đảng toàn trị thăng trầm: tha hóa quyền lực và suy vong (phần 4)

(IV) Tha hoá quyền lực Đảng CS Việt Nam, nguy cơ suy vong chế độ

Chế độ Đảng toàn trị Việt Nam đã và đang thăng trầm trong hai chu kỳ, theo mô hình Liên xô và mô hình Trung Quốc, nhưng với lịch sử và đặc thù phức tạp. Mặc dù ‘nhen nhóm’ từ năm 1930 khi Đảng CS Việt Nam thành lập và chiếm ưu thế quyền lực trong phong trào giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thực dân, phong kiến, nhưng chế độ Đảng toàn trị ở đây chính thức được bắt đầu từ năm 1945 khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Trong đó vai trò cá nhân của lãnh tụ Hồ Chí Minh được đề cao với sự kết hợp tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa dân tộc và sự ảnh hưởng của tinh thần “dân chủ”, “cộng hoà” từ phương Tây. Bản Hiến pháp đầu tiên[1] năm 1946 của chế độ để lại dấu ấn này. Như đã biết, sau đó là những biến cố lịch sử phức tạp, chiến tranh liên miên, đất nước chia cắt thành hai miền, thống nhất 1975, cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội với xuất phát điểm kinh tế thấp kém, nghèo nàn với những khó khăn thời kỳ bao cấp khi vận hành kinh tế theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung… Trước nguy cơ sụp đổ chế độ năm 1986 đường lối Đổi mới được chính thức tuyên bố trong Đại hội 6 Đảng CS Việt Nam và, mô hình Đảng toàn trị kiểu mới ra đời.

Chu kỳ thăng trầm của mô hình toàn trị Việt Nam, về cơ bản, như đã biết, cũng được chia tương đối thanh ba giai đoạn: (1)trỗi dậy, từ 1986 đến khoảng 1995; (2)đỉnh cao, từ 1996 đến 2011; Và, (3)thoái trào từ 2012 đến nay. Mặc dù chịu ảnh hưởng sâu sắc nhưng sự thăng trầm của chế độ không đồng pha với Trung Quốc bởi những  khác biệt về độ dài mỗi giai đoạn và cả chu kỳ, biên độ dao động, tính dẻo dai và sự thành công kinh tế. Trong hai giai đoạn đầu của chu kỳ Việt Nam cũng đã ghi dấu ấn: thoát khỏi sụp đổ, tăng trưởng kinh tế tương đối nhanh, xoá đói giảm nghèo, hội nhập với khu vực và thế giới…

Tuy nhiên, trong giai đoạn “thoái trào” có hai vấn đề cốt yếu làm suy vong chế độ. Một là, tăng trưởng kinh tế để đảm bảo tính chính danh cho chế độ toàn trị đang đứng trước thách thức khủng hoảng cơ cấu và xu hướng tách rời (decoupling), nghĩa là các nhà đầu tư rời đi do bất ổn chính trị hay thương chiến Mỹ – Trung, tuy nhiên giới lãnh đạo Việt Nam ‘lầm tưởng’ rằng hiện tượng này chỉ xảy ra đối với Trung Quốc trong khi Việt Nam có thể hưởng lợi; Hai là, sự tha hoá quyền lực đảng có liên quan đến tham nhũng lên đến “vùng cấm” như Bộ Chính trị gây ra khủng khoảng nghiêm trọng ở thượng tầng. Hậu quả là niềm tin vào chế độ, sự trong sạch và năng lực Đảng lãnh đạo nền kinh tế thị trường đang lung lay. Vì vậy, triển vọng thay đổi chế độ toàn trị thế nào đang thu hút sự chú ý đặc biệt.

Trước hết, sự ‘lầm tưởng’ hoặc do vô minh hoặc do bệnh thành tích trong tuyên truyền, đó là sự ngộ nhận rằng Việt Nam là nền kinh tế thị trường và kinh tế thị trường khác biệt với chủ nghĩa tư bản. Hệ quả là khi đánh giá tình hình kinh tế các nhà phân tích thường coi nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường với động lực là tiêu dùng, đầu tư và chi tiêu chính phủ, nhưng bỏ qua hay làm ‘mờ’ các tác động của yếu tố thể chế, cả kinh tế và chính trị, đến tăng trưởng. Chẳng hạn, có thể do ‘nhạy cảm’ nên sự khủng hoảng đô-mi-nô bất động sản và ngân hàng, số doanh nghiệp rời thị trường, khó khăn đơn hàng hay đầu tư, tham nhũng cản trở tiếp cận nguồn lực, công chức gây phiền hà người dân để ăn hối lộ … đã không được đánh giá tác động đến tăng trưởng.[2]

Hai là, sự phân mảnh hay tách rời (decoupling) là thách thức mang tính chiến lược[3] đối với hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, mà còn đối với các quốc gia được coi là đối tác hay đối thủ cạnh tranh. Chẳng hạn, Trung Quốc bị Mỹ, EU coi là đối thủ không chỉ kinh tế mà cả về khác biệt ý thức hệ trong khi Việt Nam nằm trong chiến lược cạnh tranh này. Bởi vậy việc hưởng lợi từ sự tách rời chỉ là tạm thời.

Suy giảm kinh tế khiến tính chính danh của Đảng lung lay, nhưng trong giai đoạn “thoái trào” nó diễn ra đồng thời sự tha hoá quyền lực Đảng sẽ dẫn đến suy vong chế độ. Trước hết, biểu hiện rõ rệt là sự chuyển giao chức vụ tổng bí thư qua các thế hệ của thời kỳ khai quốc, chiến tranh sang thời kỳ Đổi mới ngày càng khó khăn. Những dấu hiệu “bất ổn” dần nghiêm trọng trong giai đoạn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nắm quyền. Thực ra, việc ‘luân chuyển’ vị trí từ Chủ tịch Quốc hội sang Tổng bí thư có từ thời ông Nông Đức Mạnh được cho là để thích ứng với nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cân bằng quyền lực về cơ cấu ở thượng tầng. Trên cương vị của mình ông Nguyễn Phú Trọng đã tập trung quyền lực đảng, kiên định tư tưởng Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội, nỗ lực chống tham nhũng làm trong sạch và củng cố Đảng – Nhà nước. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã không ngăn được sự tha hoá quyền lực mang tính hệ thống, ông đang là Tổng bí thư Đảng ở cuối nhiệm kỳ thứ ba, và hơn thế, nguyên tắc tập thể lãnh đạo đã bị phá huỷ.

Như đã biết, Quản trị nội bộ Đảng dựa trên các nguyên tắc chủ yếu như tập trung dân chủ (thảo luận dân chủ nhưng quyết định cuối cùng là người đứng đầu), lãnh đạo tập thể (đồng thuận chẳng hạn biểu quyết trong tập thể lãnh đạo)  và “song quy” (phê bình và tự phê bình, kỷ luật đảng và giải trình trách nhiệm của cấp dưới đối với cấp trên). Trong nửa nhiệm kỳ Đại hội 13, sau khi năm Uỷ viên Bộ Chính trị “từ nhiệm”, trong số 13 Uỷ viên còn lại có đến năm có ‘xuất xứ’ từ Bộ Công an, hai từ Bộ Quốc phòng… Khả năng ‘công an hoá’ Bộ Chính trị được đặt ra và, thậm chí có đồn đoán về việc Tổng bí thư bị tiếm quyền khi ‘quan sát’ còn những ai (Uỷ viên Bộ Chính trị) xung quanh ông ấy.[4]

Mỗi khi đối diện với thách thức, các nhà lãnh đạo của chế độ Đảng toàn trị lại được ‘động viên’ bởi câu nói của Lênin “Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo lộn nước Nga lên.” Ở giai đoạn “đỉnh cao” người ta nói “sự dẻo dai của chế độ chuyên chế.”[5] vì có sự chuyển giao quyền lực dựa trên các chuẩn tắc, vì việc trọng dụng nhân tài sẽ thay đổi tính bè phái, vì các bộ phận của hệ thống chính trị được chuyên môn hóa và vì sự tham gia chính tri của người dân được tăng cường… Tuy nhiên, khi “thoái trào” chế độ toàn trị đã hiện nguyên bản chất với những đặc trưng đã nêu  ở đầu bài viết. Hơn thế, các lãnh đạo Đảng cầm quyền đang sử dụng, như lá bài cuối cùng, cơ chế “Thiên tử” (con trời), “thế Thiên hành đạo” (thay Trời để cai trị), vượt qua những quy định đảng và luật pháp để chống tham nhũng “không vùng cấm.” Về nhân sự đảng, hai vị trí Chủ tịch Nước và Chủ tịch Quốc hội trong “tứ trụ” đang ‘khuyết’ vì “chịu trách nhiệm chính trị” vì tham nhũng cũng như những vị trí khác thay thế họ sẽ lại được Đảng cử để Quốc hội thông qua vào kỳ họp ngày 20/5. Trong bối cảnh tham nhũng trầm trọng và mang tính hệ thống liệu người dân có thể tin rằng họ có thể đủ năng lực và đủ phẩm chất đạo đức để điều hành kinh tế và lãnh đạo nhân dân?

Hãy nghĩ về các kịch bản khác nhau, nhưng suy cho cùng phải từ quyền lực. Chế độ Đảng CS toàn trị dựa trên hệ tư tưởng Mác – Lênin mặc dù được thiết kế tinh vi và bền bỉ để chiếm đoạt, tập trung và duy trì quyền lực, nhưng kinh tế mới quyết định đảm bảo tính chính danh của Đảng. Chia sẻ quyền lực, điều Đảng không muốn, nhưng đã đến lúc buộc phải làm trước nguy cơ sụp đổ chế độ vì tha hoá quyền lực. Phân chia quyền lực, sự tham gia chính trị thực chất của nhân dân không những làm quyền lực được nhân lên, mạnh hơn ‘tuyệt đối’ mà còn tạo ra sức mạnh kinh tế bởi nó thúc đẩy các quyền tự do – nguồn gốc của sáng tạo, kiến thức và sự thịnh vượng.

____________

Tham khảo:

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á  Châu Tự Do.

Related posts