Khu trục hạm Hoa Kỳ USS Milius vào ngày 10/4 đi gần đá Vành Khăn thuộc Trường Sa ở Biển Đông. Đây là hoạt động tự do hàng hải, FONOP, mà Hải quân Mỹ tiến hành lâu nay, nhưng bị Trung Quốc phản đối.
Reuters loan tin trong cùng ngày dẫn thông báo của Hạm đội 7 nêu rõ Khu trục hạm USS Milius tiến hành hoạt động bình thường trong vòng 12 hải lý của Đá Vành Khăn. Đây là một thực thể nửa chìm-nửa nổi thuộc Trường Sa mà phía Trung Quốc cải tạo thành đảo nhân tạo rồi xây dựng một sân bay và những cơ sở khác trên đó.
Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ nhắc lại rằng thực thể nửa chìm-nửa nổi như Đá Vành Khăn theo luật quốc tế không thể có vùng lãnh hải; hoạt động cải tạo, xây dựng những cấu trúc trên thực thể đó không làm thay đổi tính chất của đá.
Chiến khu Nam bộ của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc lên tiếng đáp trả cho rằng Bắc Kinh có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo tại Biển Đông và những vùng nước quanh các đảo đó. Do đó việc chiến hạm Hoa Kỳ đi vào vùng nước 12 hải lý của Đá Vành khăn là phi pháp nên lực lượng Trung Quốc đã giám sát và cảnh cáo phía Mỹ.
Vào ngày 23/3 vừa qua, Khu trục hạm USS Milius đi qua vùng biển Hoàng Sa. Trung Quốc cũng lên án và nói đã xua đuổi chiến hạm Mỹ đi, tuy nhiên Hải quân Hoa Kỳ cho rằng tuyên bố từ phía Trung Quốc là sai lạc.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông qua đường đứt khúc chín đoạn mà Bắc Kinh tự vạch ra. Đường này bị Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế La Haye vào năm 2016 tuyên không có căn cứ cả về pháp lý lẫn lịch sử. Tuy vậy, Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa.
Biển Đông là một tuyến hàng hải được đánh giá có tính chiến lược trên thế giới, hằng năm lượng hàng hóa được vận chuyển qua tuyến đường này lên đến chừng năm ngàn tỷ USD; và vùng biển này còn giàu nguồn hải sản cũng như tài nguyên dầu mỏ.