Nói dối thành thần
Không thể đổ lỗi cho việc Việt Nam “thất thủ” trước COVID Vũ Hán là do ý thức người dân. Hoàn toàn không phải như vậy! Khi dịch bắt đầu lan ra, theo lệnh trên, các địa phương náo nức thi đua tóm F0, từ F0 tóm F1, F2, thậm chí F3,… cách ly, cách ly và cách ly. Ầm ầm cách ly, tập trung vào hết, có chỗ cách ly tốt còn OK, nhiều chỗ nhét cả chục người, vài chục người vào một phòng bé tí, quây lấy nhau, quấn lấy nhau, xoắn lên hết, ầm ầm. Coi đó là thành tích. Coi đó là năng lực. Coi đó là cách chống dịch tài tình. Các nhà chuyên môn y tế và các chuyên gia có lương tâm, viết, nói, ngửa mặt kêu trời, đừng thế, đừng cách ly tập trung ào ào như thế, cần chọn nơi cách ly có giãn cách, có đủ điều kiện, đừng gom đống vào như thế càng nguy hiểm, càng dễ lây chéo… đừng, đừng, đừng… nhưng trên trời mây vẫn xanh, gió vẫn thổi, chả ai nghe cả.
Giờ đây là cuộc di dân khổng lồ… Hai đại biểu của dân Bến Tre và Cà Mau tại Quốc hội Việt Nam vừa lên tiếng về thực trạng di dân lũ lượt dắt díu nhau rời bỏ các đô thị, trung tâm công nghiệp để về quê. Cả hai nghị sỹ, ông Đặng Thuần Phong – Đại biểu của Bến Tre, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Việt Nam và ông Phạm Văn Hòa – Đại biểu của Đồng Tháp, cùng thú nhận rằng họ bị những thông tin, hình ảnh ấy ám ảnh và cảm thấy đau lòng. Cả hai cũng là những người đầu tiên xác nhận, cả Chính phủ lẫn chính quyền các tỉnh, thành phố đều không dự đoán được tình huống này nên lúng túng, bị động, cuối cùng mỗi nơi hành xử một kiểu và nạn nhân la dân lãnh đủ. Thảm trạng chúng ta buộc phải chứng kiến vừa qua nằm ngoài mọi kịch bản, mọi dự tính của chính phủ và các tỉnh, thành [1].
Mặc dầu người trong hệ thống thú nhận như vậy, nhưng khi phát biểu bế mạc Hội nghị TƯ-4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn lặp đi lặp lại luận điệu dối trá: “Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã kế thừa, phát huy tốt những thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và bình tĩnh, tỉnh táo xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề khó, chưa có tiền lệ, mới phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và đời sống nhân dân, chăm lo việc học hành của học sinh, sinh viên…”. Người nghe không khỏi sốc đến rùng mình, vì không thể chịu nổi sự dối trá. Chỉ có thể đưa ra hai giả thuyết: Hoặc ông Trọng mắc chứng hoang tưởng, hoặc chính ông bị bệnh “mê sảng giữa ban ngày”. Cũng có thể là cả hai! [2].
Trong khi Nguyễn Phú Trọng đang say sưa “nhả ngọc phun châu” tại Hội nghị thì dòng người ngày đêm lầm lũi, khi câm nín, khi gào thét trên các chặng thiên di. Tàu hỏa, xe khách vẫn nằm yên, mặc cho hàng vạn công dân lăn lội giữa giông bão, bao gồm cả phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh… bồng bế nhau hàng nghìn ki-lô-mét trên xe máy. Có những đoàn dắt díu nhau hàng trăm ki-lô-mét bằng đôi chân, trên xe đạp. Họ bị rào kẽm gai, chốt chận cản lại. Họ rớt nước mắt trong mưa, có khi hò hét khản cả cổ, họ thắp nhang quỳ lạy công an. Quyết định đông cứng hệ thống giao thông công cộng như biện pháp chống dịch không chỉ gây ra những thiệt hại to lớn về kinh tế, mà còn đày ải hàng vạn con người. Đó là những người phải đối mặt với một hệ thống chính trị nắm rất thành công quyền lực để đàn áp, nhưng lại thất bại thảm hại khi không hiểu một tí gì về tâm lý những con người bị đẩy ải vào bước đường cùng [3]. Không giúp dân trong khốn khó, nhưng chính quyền Huế lại lớn tiếng doạ dân, ai về quê sẽ phạt nặng. Còn trong Bình Dương mấy hôm nay các lực lượng chức năng đang ra tay xử lý những ai lên mạng lập đoàn hồi hương (?)
“Giai cấp mới” – Họ là những ai?
Điều lạ lùng nhất mà cũng đáng phẫn nộ nhất là giữa 200 cái đầu từ những “đỉnh cao trí tuệ” ấy sao không có một ai nghĩ ra là có thể huy động chỉ cần dăm đoàn tàu liên vận Bắc Nam là có thể giúp cho đoàn người bớt nhếch nhác trên “con đường đau khổ” ấy. Nhiều người khác cũng đang tự hỏi, phản ứng của các địa phương không chấp nhận những người hồi hương hiện nay là do nỗi lo sợ “vỡ thành tích chống dịch”, đồng thời tuy cũng biết đấy là thảm hoạ nhân đạo, nhưng lo giữ ghế nên đã đánh bài lờ? Đợt dịch này cho thấy Chính phủ trung ương không đủ mạnh để kiểm soát các địa phương và các bộ. Ngay Hà Nội và Hải Phòng vẫn chưa chịu chấp nhận mở lại ga hàng không cho thấy sự bất lực của Chính phủ. Đấy là chưa kể các tỉnh cũng hành xử kiểu “12 sứ quân” bằng cách ngăn sông cấm chợ mà Thủ tướng cũng không thể can thiệp. Liệu lãnh đạo các tỉnh ngoan cố kia có bị xử lý hay không, có lẽ chưa ai trả lời được..
Thật đắng lòng và chua xót khi thấy những người công nhân, những lao động tự do từng được tung hô là lực lượng “tiên phong lãnh đạo cách mạng”, giờ đây cùng cực phải chạy về quê, nơi trú ẩn cuối cùng như thế. Lý do đơn giản, cai quản họ giờ đây là những đảng viên cộng sản cầm quyền, chẳng hề đếm xỉa tới họ, sau khi lợi dụng giai cấp này để cướp quyền. Dù đảng này luôn hô hào rằng, nó là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nhưng những gì đang diễn ra trên thực tế, mọi người có thể thấy rõ, đảng này đại diện cho ai. Nhìn ông Tổng bí thư già nua, luôn miệng kêu gào đảng viên cao cấp của mình thôi ăn cắp, bớt tham nhũng trong suốt 10 năm qua mà thấy thương hại. Suy thoái, biến chất về đạo đức, lối sống suy đồi, đã trở thành bản chất ăn sâu trong dòng máu những kẻ đội lốt cộng sản. Tình trạng tham nhũng, tư túi, ăn cắp của công leo thang [4].
Không chỉ trong các cơ quan chính quyền, mà cả trong lực lượng công an, quân đội, cảnh sát biển… chúng ăn không chừa thứ gì, vô trách nhiệm, buôn lậu, bảo kê, bán rẻ tổ quốc… Thống kê 10 năm qua cho thấy: có 5 ủy viên Bộ Chính trị, 12 ủy viên TU Đảng, 14 tướng lĩnh quân đội, 12 tướng lĩnh công an, 15 Bí thư, phó bí thư các tỉnh thành, gần 20 bộ trưởng, thứ trưởng và nhiều ngàn cán bộ cấp huyện, xã, phường bị kỷ luật vì các tội danh trên. Điều này cho thấy, hệ thống cán bộ, công chức, đảng viên của bộ máy quản trị quốc gia đã mục ruỗng.
Đại dịch COVID-19 giúp phơi bày thêm nhiều mặt xấu, tệ hại của thể chế cộng sản cầm quyền. Trong đó, khốn nạn, trắng trợn nhất là ngay trong Bộ Y tế đã hình thành “nhóm lợi ích”, thiết kế “sân sau” bao thầu vắc-xin, nâng giá thiết bị, vật tư y tế, giá xét nghiệm… gấp chục lần giá thực tế, để trục lợi hàng chục ngàn tỷ đồng [5].
Hội nghị TƯ-4 cố gắng chống đỡ sự sụp đổ của hệ thống. Một hệ thống được dựng lên bởi “giai cấp mới” [6], Milovan Dijlas từng “chỉ mặt đặt tên” cho chúng từ những 50 thế kỷ trước. Với bọn này, níu kéo độc tài, duy trì toàn trị để đè đầu cưỡi cổ nhân dân, mới là ưu tiên hàng đầu của chúng. Chúng hầu như vô cảm trước những tiếng kêu gào trong phẫn nộ của người dân, mặc kệ chiếc “thòng lọng” Trung Quốc và cuộc xâm lấn trên biển đảo diễn ra thế nào. Trước đây hơn bảy mươi năm có lẻ, Milovan Dijlas đã nhìn thấy thảm hoạ “giai cấp mới” – tức là tầng lớp quan liêu, hưởng đặc quyền đặc lợi của đảng cộng sản – gây ra cho các dân tộc. Đọc Milovan Dijlas những ngày này, chúng ta càng thấu hiểu thêm được những gì đang diễn ra rất gần với mình, ngay trên chính mảnh đất đau thương nơi chúng ta đang sống. Chính bọn này đã gắn cho đoàn người tha hương đang đến hồi hấp hối là “đối tượng kích động”! Kích động ai? Ai đã làm trên 2 vạn người thiệt mạng, 90.000 doanh nghiệp sập tiệm? Ai làm cho FDI tháo chạy khỏi Việt Nam? Những người dân vô tội này ư? Hay do chính sách chống dịch cực đoan thiếu trí tuệ nhưng thừa lưu manh của những kẻ cầm quyền? Chủ nghĩa toàn trị ở Việt Nam rồi ra sẽ bị sụp đổ bởi “giai cấp mới” phàm ăn và phá nát thống. [7]
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.