Dự thảo Nghị định đề nghị Chính phủ chi 130.000 tỷ đồng (hơn 5 tỷ USD) để giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức… khi sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy làm việc của hệ thống chính trị, việc này được cho sẽ giúp tiết kiệm được 113.000 tỷ trong năm năm tới.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Trong đó nêu rõ chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi; chính sách với cán bộ được kéo dài thời gian công tác; chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức; chính sách nghỉ thôi việc đối với viên chức và người lao động (trừ viên chức và người lao động làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập khác).
Mạng báo Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) dẫn dự thảo cho biết, dự kiến cần 130 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách, chế độ do ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập. Con số này xấp sỉ với giá trị xuất khẩu gạo trong năm 2024 (5,05 tỷ USD).
Trong đó, có 111 nghìn tỷ đồng chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ; 4.000 tỷ đồng chi trả chính sách, chế độ đối với người lao động; 9.000 tỷ đồng chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã; 4.000 tỷ đồng kinh phí đóng bảo hiểm xã hội và 2.000 tỷ đồng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.
Việc tinh giản biên chế sẽ làm giảm chi thường xuyên và giảm kinh phí từ ngân sách nhà nước để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn…, quỹ tiền thưởng.
Trong năm năm, ngân sách Nhà nước dự kiến tiết kiệm chi khoảng 113.000 tỷ đồng.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cảnh báo việc tái sắp xếp bộ máy làm việc và tinh giản biên chế lần này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 100 nghìn người, yêu cầu phải bảo đảm bộ máy vận hành, hoạt động liên tục, không đứt đoạn để phục vụ người dân, doanh nghiệp; cố gắng hạn chế thấp nhất các tiêu cực phát sinh.