Hơn 60 người trong nước đã bị bắt và kết án theo những tội danh rất nặng với cáo buộc là thành viên của của tổ chức tự xưng “Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời”, trụ sở tại California, Hoa Kỳ.
Thực tế tổ chức này hoạt động ra sao? Có kêu gọi khủng bố như cáo buộc của Công an Việt Nam không? Cách tổ chức thu hút người trong nước tham gia ra sao?
“Chính phủ” QGVNLT làm gì?
Dù có tên “Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời”, nhưng trên thực tế đây chỉ là một tổ chức tại California do ông Đào Minh Quân đứng đầu ra đời vào năm 1991. Ông này tự xưng là thủ tướng. Còn số thành viên cụ thể cũng không được rõ.
Bà Lâm Ái Huệ, một người thuộc tổ chức này, tự xưng với chức danh là “trung tướng”, cho biết tổ chức này chỉ có một mục tiêu duy nhất là “muốn giải thể chế độ Cộng sản, lấy lại đất nước Việt Nam bằng đường lối ôn hòa là trưng cầu dân ý”.
Theo bà Lâm, người đứng đầu tổ chức – ông Đào Minh Quân – tự xưng tổng thống, là người “được người dân trong nước bầu lên, đã song hành với chính phủ Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu trong nhiều sự kiện…”
RFA chưa ghi nhận bất cứ một cuộc bầu cử nào của tổ chức tự xưng “chính phủ” này được quốc tế đưa tin và công nhận. Chúng tôi cũng không tìm thấy bất cứ một sự kiện nào có mặt ông Đào Minh Quân hay đại diện của tổ chức này “sánh vai” với Chính phủ Hoa Kỳ hay Liên minh Châu Âu như thông tin mà bà Lâm Ái Huệ cung cấp.
Tổ chức này hứa hẹn rằng người nào ở trong nước, nếu tham gia thực hiện “trưng cầu dân ý” bầu ông Đào Minh Quân làm “tổng thống” sẽ được cấp một mã số ID. Sau này, nếu “chính phủ” có các chương trình an sinh xã hội thì sẽ ưu tiên cho những người này trước.
Những người tại Việt Nam bị cơ quan chức năng bắt giam với cáo buộc theo tổ chức này vì tham gia thực hiện “trưng cầu dân ý”, bầu cho ông Đào Minh Quân làm Tổng thống trở về Việt Nam lãnh đạo đất nước. Họ bị khép vào tội “hoạt động chống chính quyền” với các hành vi bạo lực, khủng bố như chế tạo bom xăng, đốt nhà để xe sân bay…
Có cổ suý khủng bố hay không?
Bộ Công an Việt Nam từ đầu năm 2018 cho rằng tổ chức tự xưng “Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời”, hay còn tự nhận là “Đệ tam Cộng hoà” là tổ chức khủng bố.
Những người đứng đầu bị Công an Việt Nam nêu tên gồm ông Đào Minh Quân, hiện đang ở Mỹ tự xưng chức danh tổng thống; Kelly Triệu Thanh Hoa, 50 tuổi, quốc tịch Mỹ, chức danh “chuẩn tướng”; Bà Lâm Ái Huệ, 50 tuổi, quốc tịch Canada, chức danh “trung tướng”…
Bà Lâm bác bỏ cáo buộc rằng tổ chức của mình kêu gọi khủng bố hay bỏ bom xăng, nói rằng ông Đào Minh Quân chỉ muốn thu thập đủ hai triệu “lá phiếu” ủng hộ của người dân trong nước. Khi đó, theo lời bà Lâm, chính phủ Hoa Kỳ sẽ giúp đưa ông Đào Minh Quân về Việt Nam “lấy lại đất nước”.
RFA cũng không ghi nhận được bất kỳ thông tin nào liên quan tới việc chính phủ Hoa Kỳ có công bố gì về tổ chức tự nhận là “Đệ tam Cộng hoà” này.
Bà Lâm còn cáo buộc chính quyền Hà Nội lo sợ ông Đào Minh Quân và tổ chức của mình sẽ về Việt Nam “lấy lại nước”, cho nên mới tiến hành bắt người của tổ chức CPQGVNLT; đồng thời lên tiếng khẳng định tổ chức tự nhận là CPQGVNLT sẽ có các hành động bảo vệ cho tất cả những ai mà được cho là “đấu tranh chống Cộng sản”.
Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về những hành động cụ thể là gì thì bà Lâm nói “Tạm thời thì chúng tôi chưa cho biết được!”.
Từ sau năm 2018, Phóng viên RFA không thể liên hệ được với ông Đào Minh Quân để hỏi thêm chi tiết.
Bình luận với RFA, bà Lâm cho biết số người thực sự theo tổ chức ông Đào Minh Quân mà bị kết án chỉ tầm 10 người, chứ không nhiều đến mức như con số người đã bị bỏ tù:
“Chỉ có khoảng 10 người thôi, còn những người khác họ lấy ở đâu nhập vô rồi nó nói là người của “chính phủ”.”
Hầu hết những người bị cáo buộc theo tổ chức Đào Minh Quân đều đang thi hành những bản án tù rất nặng. Do đó, RFA không thể liên hệ với các trường hợp khác để xác minh thêm thông tin.
Các tổ chức nhân quyền dè dặt khi lên tiếng
Vậy, trong số khoảng 60 người đã bị kết án tù vì theo tổ chức của ông Đào Minh Quân, có bao nhiêu người thực sự có hành vi bao lực, còn bao nhiêu người bị gán ghép tội trạng như trường hợp của ông Lượng?
Từ năm 2018 cho đến nay, các tổ chức nhân quyền, cả quốc tế và Việt Nam, chưa lên tiếng cho những người bị bỏ tù với cáo buộc theo CPQGVNLT.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Trường Sơn, người làm việc cho tổ chức Ân xá Quốc tế, chuyên phụ trách vấn đề Việt Nam, từ năm 2018 tới năm 2021, cho biết, thông thường các tổ chức nhân quyền họ sẽ rất cẩn trọng, dè dặt hơn đối với các vụ án chính trị mà có yếu tố bạo lực, khủng bố:
“Theo tôi, nguyên nhân chính khiến cho các tổ chức nhân quyền tỏ ra dè dặt đối với các vụ án liên quan đến tổ chức CPQGVNLT đó là vì các cáo buộc mà phía nhà nước đưa ra đối với những người này, trong đó có các cáo buộc rất nghiêm trọng về khủng bố.
Các tổ chức nhân quyền từ trước đến nay rất tránh lên tiếng ở các vụ việc mà người bị cáo buộc có sử dụng bạo lực ở bất kỳ hình thức nào.”
Cùng theo ông Sơn, trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay, thông tin về các vụ án mang chính trị, dù có liên quan đến bạo lực hay không, rất ít được công khai. Do đó, các tổ chức nhân quyền không có điều kiện để xác minh những cáo buộc của nhà nước là có đúng sự thật hay không.
Một nguyên nhân khác khiến các tổ chức nhân quyền không lên tiếng ở các vụ án liên quan đến CPQGVNLT là vì, theo ông Sơn, từ năm 2017 cho đến nay, số vụ bắt giữ người bất đồng chính kiến tăng cao. Do đó, các tổ chức này thường sẽ tập trung ưu tiên tiếp cận với các vụ án mà họ có năng lực xác minh được thông tin.