Chính phủ ra Nghị định quản lý mạng xã hội buộc người dùng định danh mới được livestream

Kể từ ngày 25/12, người ở Việt Nam dùng mạng xã hội của nước ngoài phải xác thực trang cá nhân mới được phát trực tiếp/livestream.

Chính phủ Việt Nam hôm 9/11 ban hành Nghị định số 147 về Quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng, quy định các đơn vị cung cấp thông tin xuyên biên giới phải thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam hoặc bằng số định danh cá nhân.

Người dùng sẽ phải thực hiện việc xác thực tài khoản trong vòng 90 ngày, sau đó, chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, phát trực tiếp/livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Một luật sư ở Hà Nội, người không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, cho rằng quy định xác thực tài khoản mạng xã hội khiến người dùng có trách nhiệm hơn với phát ngôn của mình, nhưng mặt khác sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận trong trường hợp người dùng muốn ẩn danh trước những vấn đề chính trị “nhạy cảm.”

Từ Sài Gòn, nhà thơ, dịch giả, nhà báo Hoàng Hưng đồng tình với quy định trên nhưng ông băn khoăn trước việc trao quyền cho Bộ Thông tin Truyền thông xác định nội dung nào vi phạm nhưng thiếu cơ chế phân xử ở toà án.

Ông Phil Robertson, Giám đốc của tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động Châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA), nói trong tin nhắn gửi RFA ngày 12/11:

Đây là một cuộc tấn công trắng trợn vào quyền tự do ngôn luận của người dân Việt Nam sử dụng Internet. Nó một lần nữa cho thấy Internet của Việt Nam đang ngày càng trở nên kém tự do hơn và đang tiến gần đến tình trạng ở Trung Quốc.”

Phóng viên gửi email cho Meta và Google để hỏi về khả năng tuân thủ quy định mới này của Việt Nam nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Một số điểm đáng chú ý khác của Nghị định 147 là buộc các mạng xã hội nước ngoài phải thực hiện thỏa thuận hợp tác về nội dung với các cơ quan báo chí Việt Nam khi cung cấp thông tin dẫn lại từ báo chí Việt Nam trên cơ sở quy định về sở hữu trí tuệ, nếu thỏa thuận không thành sẽ không được sử dụng hoặc không hiển thị thông tin dẫn lại từ cơ quan báo chí Việt Nam.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới bị buộc phải cung cấp thông tin của người dùng Việt Nam cho Bộ thông tin và truyền thông, Bộ công an, cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu bằng văn bản.

Related posts