Chính phủ Việt Nam từ chối phần lớn các đề nghị viếng thăm đất nước của các Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp quốc (LHQ), tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói Hà Nội không làm gương cho dù hiện đang làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền.
Theo thống kê của Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ, kể từ năm 2010 đến nay, có 24 lượt Báo cáo viên đặc biệt của LHQ đề nghị thăm Việt Nam nhưng chỉ mới có bảy trong số họ đến được đất nước độc đảng ở Đông Nam Á để tìm hiểu thực tế về lĩnh vực mình phụ trách.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua tin nhắn trong ngày 23/6:
“Chính phủ Việt Nam có một hồ sơ tồi tệ về việc từ chối hoặc đơn giản là không đáp ứng các yêu cầu thăm viếng của các báo cáo viên đặc biệt.
Đây là một vấn đề hết sức nan giải, đặc biệt đối với một quốc gia như Việt Nam hiện đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Các quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nên làm gương đi đầu, nhưng rõ ràng là Việt Nam về cơ bản đã thất bại trong vấn đề này.”
Theo Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ, Hà Nội đã chấp nhận cho Báo cáo viên đặc biệt về Quyền phát triển được tiến hành chuyến viếng thăm Việt Nam. Ngày đề xuất cho chuyến thăm này là từ ngày 6/11 đến ngày 15/11/2023, tuy nhiên lịch trình này vẫn đang chờ Chính phủ Việt Nam xác nhận.
Trong khi đó, vào ngày 15/6, Báo cáo viên đặc biệt về Người bảo vệ nhân quyền nhắc lại yêu cầu về chuyến thăm Việt Nam và thời điểm đề xuất cho chuyến thăm là nửa cuối năm 2023. Cho đến nay, Hà Nội vẫn chưa chấp nhận yêu cầu.
Trong một số văn thư gần đây, Nhóm công tác về bắt giữ tùy tiện đã nhắc lại yêu cầu thăm Việt Nam nhưng nhà chức trách ở quốc gia này chưa phản hồi.
Kể từ năm 2020, nhiều Báo cáo viên đặc biệt, trong đó có Báo cáo viên đặc biệt về Người bản địa và Báo cáo viên đặc biệt về Buôn người đề nghị được viếng thăm nhưng Hà Nội chưa chấp nhận.
Trong số bảy báo cáo viên đặc biệt đã đến đất nước Đông Nam Á này trong hơn một thập niên qua, hầu hết là những người phụ trách những lĩnh vực ít nhạy cảm như vấn đề Nợ nước ngoài, nghèo đói cùng cực, văn hoá, lương thực,…
Riêng báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo đến thăm quốc gia độc đảng và có báo cáo trong hai năm 1998 và 2014.
Hà Nội thường im lặng trước các đề nghị viếng thăm của các báo cáo viên đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm hơn như tự do biểu đạt, chống tra tấn, tự do hội họp…
Trong vài năm gần đây, Nhóm công tác về bắt giữ tuỳ tiện gửi rất nhiều lần gửi thư cho Chính phủ Việt Nam chất vấn về các vụ bắt giữ người hoạt động mà cơ quan này cho là tuỳ tiện, và yêu cầu Hà Nội trả tự do cho họ. Chính phủ Việt Nam thường im lặng, hoặc bác bỏ cáo buộc, nói rằng những người đó bị bắt và kết án vì vi phạm luật pháp Việt Nam.
Báo cáo viên đặc biệt là cơ chế đặc biệt về nhân quyền của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Khi họ đến thăm một quốc gia, họ thu hút sự chú ý đến các vi phạm nhân quyền, các trường hợp cá nhân, các vấn đề về luật pháp và chính sách. Họ cũng đưa ra khuyến nghị về những gì chính phủ và các chủ thể khác có thể làm để cải thiện tình hình.
Một chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt là cơ hội để LHQ đưa ra báo cáo về lĩnh vực họ phụ trách với các khuyến nghị cho chính phủ của quốc gia mà họ thăm viếng nếu đó là chuyến thăm chính thức, cho nạn nhân được lên tiếng và gặp trực tiếp với đại diện của LHQ, nâng cao nhận thức về vấn đề nhân quyền ở cấp độ quốc tế.
Tuy nhiên, việc gặp gỡ với Báo cáo viên đặc biệt có thể dẫn sự trả thù của nhà cầm quyền. Một báo cáo mạnh mẽ của Báo cáo viên đặc biệt có thể làm giảm cơ hội được trở lại thăm viếng trong tương lai.
Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ khoá 2023-2025.