Chính quyền một số địa phương của tỉnh Đắk Lắk tăng cường sách nhiễu và đàn áp các thành viên thuộc Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên (gọi tắt là Hội Thánh), buộc họ không được tụ tập cầu nguyện và phải rời bỏ nhóm tôn giáo này.
Mục sư Aga, người đồng sáng lập tổ chức tôn giáo không được chính phủ công nhận cho hay, việc sách nhiễu các tín đồ của họ trở nên ráo riết sau vụ tấn công vào trụ sở Uỷ ban nhân dân hai xã ở huyện Cư Kuin hồi tháng 6 và đỉnh điểm là trong hai tuần trở lại đây.
Từ Hoa Kỳ, qua điện thoại ngày 20/11, mục sư Aga cho phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết trong khi hàng chục tín đồ đang tập trung tại nhà của bà H Ik Kbuôr (vợ của thầy truyền đạo Y Kreč Byă) ở xã Êa Bar, huyện Buôn Đôn vào ngày 15/11 thì công an và cán bộ địa phương xông vào yêu cầu giải tán và lập biên bản về tụ tập sinh hoạt tôn giáo trái phép.
Đến ngày 17/11, công an huyện Buôn Đôn triệu tập nhiều người tham dự buổi sinh hoạt tôn giáo đó lên Uỷ ban Nhân dân xã để tra khảo họ và ép ký cam kết không tái phạm, tuy nhiên những người này từ chối ký.
Công an cũng cảnh báo bà H Ik Kbuôr về việc cho các tín đồ trong Hội Thánh tập trung tại nhà bà để cầu nguyện, đe dọa sẽ phạt tiền hoặc bỏ tù nếu bà tiếp tục sử dụng nhà riêng làm nơi tụ tập sinh hoạt tôn giáo.
Mục sư Aga cho biết công an và cán bộ địa phương lại đến vào sáng chủ nhật (19/11) khi mọi người đang cùng nhau cầu nguyện.
“Sáng chủ nhật thì họ lại đến quấy rầy và không cho anh em nhóm lại. Họ bắt từ bỏ Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên. Thậm chí họ đe dọa nếu tiếp tục thì họ sẽ phạt tiền và thứ hai nữa là sẽ bắt bỏ tù giống như thầy Y Kreč Byă và Nay Y Blang.”
Ông Y Kreč Byă bị chính quyền tỉnh Đắk Lắk bắt giữ vào đầu tháng 4 vừa qua với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo Điều 116 của của Bộ luật Hình sự, còn ông Nay Y Blang bị Công an tỉnh Phú Yên bắt giữ từ giữa tháng năm với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331. Cả hai chưa được gặp gia đình và luật sư.
Cả hai ông đều là thầy truyền đạo của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên và bị quy kết là có liên hệ với mục sư Aga để chống chính quyền Việt Nam.
Phóng viên liên lạc được với hai tín đồ ở buôn Čuôr Knia bị sách nhiễu trong mấy ngày vừa qua. Một người nói với RFA trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:
“Ngày 15/11, công an xông vào nhà của Y Kreč Byă khi chúng tôi đang cầu nguyện. Họ buộc chúng tôi dừng lại và tiến hành lập biên bản, nói rằng việc chúng tôi tập trung là trái phép.
Họ cấm chúng tôi tụ tập sinh hoạt về sau, và đe doạ nếu chúng tôi không nghe theo thì chính quyền sẽ áp dụng các biện pháp mạnh hơn để giải tán tụ tập trái pháp luật và bắt bỏ tù những người chủ trì.”
Một người khác mô tả lại cảnh tượng ngày hôm đó cho hay, trong khi các tín đồ đang cầu nguyện thì một đoàn hơn 20 người công an và cán bộ địa phương đến giải tán, dùng lời nói để bôi nhọ nhân phẩm và giật lấy điện thoại của các tín đồ rồi xoá sạch dữ liệu trên đó.
Mục sư Aga cho biết Hội Thánh đến nay có 20 điểm nhóm ở các tỉnh thuộc khu vực Miền Trung và Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Phú Yên, trong đó Đắk Lắk chiếm một nửa.
Ông cho biết ở những nơi có nhiều điểm nhóm và tín đồ thì chính quyền nơi đó sách nhiễu và đàn áp mạnh còn những nơi có ít tín đồ thì nhà chức trách địa phương không để ý hoặc lờ đi.
Ở những nơi có từ 4-5 gia đình đi theo nhóm đạo này thì chính quyền bắt đầu quấy rối với nhiều hình thức khác nhau. Ông Aga nói:
“Họ không cho anh em nhóm lại vào báo rằng là mỗi gia đình chỉ có được cầu nguyện tại nhà của mình chứ không có đi tới nơi tập trung để thờ phụng Chúa.
Có nhiều nơi thì họ lại bắt phải từ bỏ lập tức Hội thánh Tin lành Đáng Christ Tây Nguyên và bắt ép anh em phải đi đến hội thánh mà họ thường gọi là hội thánh quốc doanh mà có tư cách pháp nhân.”
Theo báo cáo lập bởi tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ), trong ngày 19/11, công an và cán bộ địa phương cũng đến điểm nhóm của Hội Thánh ở buôn Kdun, xã Čư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột và buôn Kŏ Đung B, xã Êa Nuôl, huyện Buôn Đôn để ép các tín đồ giải tán và đe doạ sẽ trừng trị họ theo pháp luật nếu tiếp tục tụ tập “trái phép.”
Để kiểm chứng thông tin nhận được, phóng viên gọi điện cho lãnh đạo của Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ của tỉnh Đắk Lắk và Công an huyện Buôn Đôn nhưng không ai nghe máy.
Kể từ vụ hai nhóm người Thượng tấn công vào hai trụ sở công an và chính quyền của huyện Cư Kuin, Đắk Lắk vào tháng 6, báo chí nhà nước có nhiều bài viết quy kết Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên là tổ chức phản động.
Báo mạng Công an nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an hồi tháng 9 có bài viết với tiêu đề “Xóa bỏ ‘Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên’ ở miền núi Phú Yên.”
Bài viết cho biết, chính quyền đã sử dụng nhiều biện pháp và cho đến nay các đối tượng thuộc Hội Thánh ở huyện Sông Hinh đã bị “phân hóa tan rã, không còn tụ tập mưu tính phạm pháp.”
Tác giả Hữu Toàn tiết lộ, trong số 29 người cam kết từ bỏ Hội Thánh, có 24 người đã chuyển sang sinh hoạt Tin Lành thuần túy, năm người còn phải tiếp tục cảm hóa giáo dục. Một trường hợp là thầy truyền đạo Nay Y BLang bị khởi tố như đã nói ở trên.
Trước đó, trong tháng 8 và 9, công an thành phố Buôn Ma Thuột cũng theo dõi và khủng bố tinh thần đối với một số tín đồ của Hội Thánh ở buôn Ju, xã Ea tu nhằm buộc họ rời hội thánh để đi theo Hội Thánh Tin Lành Miền Nam Việt Nam, một tổ chức tôn giáo đã được nhà nước công nhận.
Nhiều tín đồ của Hội Thánh khẳng định họ không làm gì trái pháp luật, chỉ thực hành tự do tôn giáo được ghi nhận trong luật pháp Việt Nam. Họ tuyên bố sẽ tiếp tục sinh hoạt tập trung trong việc thờ phụng Chúa cho dù chính quyền đe doạ bỏ tù.
Theo Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam 2022-2023 mà Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam công bố ngày 18/11 vừa qua, chính quyền Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống người dân tộc bản địa ở Tây Nguyên từ năm 1975.
Bên cạnh việc lấy đất đai của người dân tộc thiểu số cho các công ty nhà nước và phục vụ di dân, chính quyền còn không cho họ tự do sinh hoạt tôn giáo vì cho rằng việc đi theo các nhóm tôn giáo chưa được công nhận là nguyên nhân của bất an xã hội ở khu vực Tây Nguyên.
Đầu tháng 11, công an huyện Cư Mgar cũng tạm giữ nhiều tín đồ của nhóm Tin Lành tại gia độc lập trong bốn ngày ở trụ sở để tra khảo họ về việc tham gia học trực tuyến về xã hội dân sự và buộc họ phải gia nhập nhóm đạo có đăng ký.