Giữa tháng 1 năm 2024, chị Thạch Thị Kim Nhung và anh Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn – một đôi vợ chồng trẻ ở Trà Vinh – bị tuyên án tổng cộng 23 năm tù về tội mua bán người dưới 16 tuổi. Theo cáo trạng được truyền thông nhà nước trích đăng, khoảng tháng 11 năm 2022, do cần tiền trang trải cuộc sống và lo cho gia đình nên Nhung và Tuấn bàn bạc, thống nhất liên lạc các gia đình hiếm muộn con có điều kiện kinh tế, có nhu cầu nhận nuôi trẻ để “chuyển giao” đứa con gái thứ 4 sinh ngày 12 tháng 10 năm 2022. Đổi lại, hai vợ chồng sẽ nhận một khoản tiền.
Bản án được dư luận xã hội bàn tán nhiều vì nếu cả hai vợ chồng đi tù, ai sẽ nuôi những đứa con còn quá nhỏ của họ ở ngoài? Nhiều người cho rằng, bản án của tòa không có tính nhân văn trước số phận của những đứa trẻ một khi cha mẹ chúng vào tù.
Chồng em bị bắt từ năm ngoái, bị tạm giam từ hồi đó đến giờ. Em thì được ở ngoài. Người ta nói vì em còn con nhỏ. Giờ đi tù thì không biết mấy đứa nhỏ học hành, ăn uống ra sao nữa. Cha mẹ em không lo được cho tụi nó vì cha mẹ cũng già rồi. – Chị Thạch Thị Kim Nhung
Chị Thạch Thị Kim Nhung, năm nay mới 21 tuổi, sáng 25 tháng 1 năm 2024 nói với RFA về những đứa con của mình:
“Đứa lớn nhất mới 5 tuổi, một đứa gần 4 tuổi, một đứa gần 3 tuổi, đứa nhỏ nhất mới mười mấy tháng. Tòa họ nói đã xem xét con nhỏ nhưng vẫn đưa ra mức án đó. Em thấy nó không đúng với việc em đã làm. Chồng em bị bắt từ năm ngoái, bị tạm giam từ hồi đó đến giờ. Em thì được ở ngoài. Người ta nói vì em còn con nhỏ. Giờ đi tù thì không biết mấy đứa nhỏ học hành, ăn uống ra sao nữa. Cha mẹ em không lo được cho tụi nó vì cha mẹ cũng già rồi.
Anh thư ký bên tòa nói là mình có 15 ngày để kháng cáo. Rồi sau một tháng, nếu mình muốn dời ngày thi hành án thì họ sẽ chỉ cho làm giấy dời ngày thi hành án. Thư ký tòa nói có thể dời ngày thi hành án để nuôi con cho đủ 36 tháng tuổi. Đứa nhỏ nhất hiện đang ở trong Trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưõng. Khi nào chấp hành xong án mà gia đình có đủ điều kiện nuôi thì họ cho nhận con về nuôi. Bé nhỏ nhất hiện ở nhà thì đến 30 tháng 9 năm nay được 3 tuổi. Họ cho ông bà ngoại nuôi dưỡng ba đứa bé. Chỉ có mình ông ngoại đi bán vé số. Có bữa bán hết, có bữa bán không hết. Có ngày được 150 ngàn, có ngày được 180 ngàn đồng.”
Mẹ chị Nhung là bà Chane Tha thì nói với RFA rằng, bà buồn lắm và bấn loạn tinh thần, không biết làm sao để nuôi 3 đứa cháu ngoại của mình khi cha mẹ nó vào tù.
Luật sư Ngô Anh Tuấn nêu quan điểm của ông với RFA:
“Bản án thì tôi chỉ nghe nói chứ hoàn toàn không được tiếp xúc nên cũng không thể biết được. Nó liên quan rất nhiều tình tiết trong vụ án. Nhưng trong trường hợp này, nếu nhìn một cách nhân văn hơn vì các cháu còn nhỏ. Trong trường hợp này, xét tội phạm thì phải cá thể hóa hành vi của hai vợ chồng. Cho dù khung, khoản là như thế nhưng phải xét ai là người thực hiện chính, ai là người chỉ giúp sức nhẹ nhàng. Trong trường này chồng bị tuyên 13 năm, vợ 10 năm thì chắc vợ có vai trò thứ yếu. Như thế có thể xử người thứ yếu dưới mức thấp nhất của khung hình phạt vì hậu quả đã khắc phục được rồi.
Trường hợp này tòa hoàn toàn có thể áp dụng nhiều tính tiết để xử theo khoản 2, điều 54. Áp dụng dưới mức thấp nhất khung hình phạt, thấp nhất, rồi sau đó cho hưởng án treo. Tôi nghĩ đến phiên phúc thẩm, với áp lực dư luận thì có thể người ta sẽ xem xét. Nhưng tôi nghĩ nó không oan vì họ làm rất rõ ràng”.
Về trách nhiệm của chính quyền địa phương, Luật sư Ngô Anh Tuấn nói thêm:
“Việt Nam có nhiều hội lắm. Hội phụ nữ, Hội xóa đói giảm nghèo… Những cơ quan, chính quyền địa phương có trách nhiệm thăm dò, đôn đốc, kiểm tra – nói theo đúng ngôn ngữ của nhà nước – là xem quần chúng nhân dân họ sống như thế nào để báo cáo chính quyền có các chính sách hỗ trợ. Ngay cả trường hợp nếu họ khó khăn quá thì các trung tâm bảo trợ xã hội có thể nuôi giúp con cái họ. Những cái này hoàn toàn có thể làm được. Bây giờ cần đánh giá và xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương về việc quản lý như thế nào; xem họ gần dân đến như thế nào. Nhưng lúc này thì chắc là họ sẽ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau thôi.”
Việt Nam có một số tổ chức quần chúng công, bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 5 tổ chức chính trị – xã hội, còn gọi là đoàn thể. Đó là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, và Hội Cựu chiến binh, cùng 28 hội đặc thù. Các nhóm tổ chức này có bản chất chính trị gắn với nhà nước, được nhà nước hỗ trợ toàn phần hay một phần kinh phí hoạt động.
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, hiện công tác tại Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nói với RFA quan điểm của bà:
“Tôi cũng không hiểu hoàn cảnh gia đình như thế nào mà đến mức phải bán con. Giả sử họ thuộc diện nghèo thì địa phương nào cũng có chương trình xóa đói giảm nghèo hỗ trợ. Ngoài ra cón có các đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội công dân… người ta cũng có trách nhiệm quan tâm, giúp đỡ. Thông thường ở Việt Nam, những gia đình thuộc diện nghèo thì địa phương nào cũng có danh sách hộ nghèo để được hỗ trợ từ chương trình của nhà nước. Ngoài ra, những hội, đoàn cũng quan tâm đến những hội viên nghèo. Như vậy, họ được nhiều hình thức hỗ trợ khác nữa. Tất nhiên, hỗ trợ hộ nghèo thì nó cũng ít lắm, chỉ gọi là thôi nhưng cũng tránh mức đói khổ. Để thoát ra cảnh qua nghèo thì hỗ trợ được”.
Bác sĩ Võ Xuân trong bài viết “Xung quanh câu chuyện bán con bị xử tù 23 năm” được đăng trên mạng báo Tiếng Dân, đã nêu câu hỏi: “Nếu hội phụ nữ, hội bảo vệ bà mẹ và trẻ em, hội bảo vệ quyền trẻ em… và bao nhiêu các hội khác, có hoạt động thực sự, thì cặp vợ chồng kia có dừng lại ở 1 hoặc 2 con, để nuôi dạy cho tốt không?”
Ngay cả trường hợp nếu họ khó khăn quá thì các trung tâm bảo trợ xã hội có thể nuôi giúp con cái họ. Những cái này hoàn toàn có thể làm được. Bây giờ cần đánh giá và xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương về việc quản lý như thế nào; xem họ gần dân đến như thế nào. Nhưng lúc này thì chắc là họ sẽ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau thôi. – Luật sư Ngô Anh Tuấn
Theo hiến pháp Việt Nam, chính quyền địa phương cơ sở là chính quyền được tổ chức ra nhằm bảo đảm, bảo vệ và phục vụ quyền, lợi ích của nhân dân, nhân dân là đối tượng cơ bản để chính quyền phục vụ. Những biểu hiện căn bản của chính quyền địa phương cơ sở là: về tổ chức do nhân dân tổ chức ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân; về hoạt động do cán bộ, công chức tiến hành phải xuất phát trên nền tảng lợi ích của nhân dân và vì nhân dân để phục vụ.
Chính quyền địa phương cấp thấp nhất được gọi là cấp xã, là nơi được cho là gần dân nhất. Chị Thạch Thị Kim Nhung nói với RFA về trường hợp của gia đình chị:
“Cách đây một, hai năm bên xã có xuống hỏi, khảo sát hoàn cảnh. Họ hỏi về công việc, về thu nhập. Xong họ nói họ sẽ hỗ trợ nhưng chẳng thấy họ hỗ trợ gì hết. xin Cái đó gia đình không rành nên em cũng không biết phải xin như thế nào để được hỗ trợ nữa. Cách đây mấy ngày bên xã có xuống đưa mẹ em hai triệu, nói là để phụ giúp gia đình lo cho mấy đứa nhỏ.”
Chị Nhung nói thêm, xã có nói sẽ hỗ trợ từ mấy năm qua nhưng không thấy gì, đến khi thông tin hai vợ chồng chị bị kết án tù lan tới xã thì gia đình chị mới nhận được hai triệu đồng trợ giúp.