“Trước tháng 6/2021, Thành phố sẽ rà soát lại các trường hợp cần phải bồi thường, tái định cư bổ sung và giải quyết dứt điểm các trường hợp có khiếu nại khiếu kiện để đảm bảo lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người dân Thủ Thiêm” – Đó là lời phát biểu của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân (UBND) TP.HCM Nguyễn Thành Phong trong cuộc họp báo hôm 18/10/2020. Cùng tham gia họp báo còn có ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ TP.HCM và Nguyễn Thiện Nhân là nguyên Bí thư Thành uỷ.
Hiện đã bước sang tháng 7/2021 nhưng vấn đề đến bù, bồi thường ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm vẫn còn dang dở. Những người dân Thủ Thiêm bị mất đất nói với RFA rằng Chính quyền đang đuối lý nên cố tình chơi trò “cù nhây”, không giải quyết để người dân mệt mỏi mà tự bỏ cuộc.
Khu Đô thị mới Thủ Thiêm bên bờ sông Sài Gòn đã được tiến hành giải toả vào khoảng đầu những năm 2000 khiến hàng chục ngàn hộ gia đình phải di dời. Nhưng vẫn còn hàng trăm hộ gia đình ở đây đi khiếu nại nhiều năm trời vì những gì mà họ cho là sai sót của chính quyền địa phương trong việc đền bù, quy hoạch và giải toả đất.
Không còn lòng tin
Những người dân ở Thủ Thiêm mà Đài Á châu tự do phỏng vấn đều xác nhận rằng họ chưa được đền bù hay được giải quyết vấn đề tái định cư. Họ không lạ gì và cũng không còn lòng tin đối với những lời hứa suông như thế này của Chính quyền thành phố.
Trước ông Phong, đã nhiều lần lãnh đạo thành phố hứa sẽ giải quyết thoả đáng vụ việc ở Thủ Thiêm.
Ngày 16/5/2020, ông Nguyễn Thiện Nhân, khi đó còn là Bí thư Thành uỷ TP.HCM nói trong buổi tiếp xúc cử tri quận Tân Phú về việc giải quyết đền bù ở Thủ Thiêm rằng “Hội đồng Nhân dân thành phố đã duyệt phương án, nhưng do dịch bệnh và một số khó khăn về thủ tục nên chậm trễ. Thường vụ đã chỉ đạo phải bắt đầu giao đất, giao nhà cho người dân ngay trong tháng 5/2020”
Ngày 9/7/2020, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm thông báo về chủ trương xây dựng chính sách giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với hơn 300 hộ dân trong khu 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch. Theo đó, thành phố sẽ giao đất nền, căn hộ và chi trả bằng tiền cho các hộ dân này trong tháng 9/2020.
Bà Xuân Thy, một người bị cưỡng thu hồi đất, cưỡng chế lên sống tại khu tạm cư Thủ Thiêm hơn 10 năm nay nói:
“Bây giờ thì chưa có gì hết. Tôi vẫn đang ở khu tạm cư. Dân vẫn còn khổ. Nói chung là dân Thủ Thiêm bây giờ chưa được giải quyết gì hết!”
Ông Nguyễn Hồng Quang, một người dân Thủ Thiêm tức giận cho rằng lãnh đạo chỉ có năng lực nói chứ không có năng lực thực hiện lời hứa:
“Việt Nam tuyên bố là một phần. Hiện nay mạnh ai người ấy nói, nhưng mà họ mất khả năng thực hiện lời nói, mất khả năng thực thi pháp luật, mất khả năng lắng nghe ý kiến của người dân và đáp ứng quyền lợi của người dân. Ông Phong hay là ông nào cũng nói vậy nhưng mà họ không còn khả năng thực hiện.
Hồi xưa ông Lê Thanh Hải cũng nói, Nguyễn Văn Đua cũng nói rất rõ, nhưng mà họ không bao giờ nói và làm giống nhau.
Vấn đề họ hứa chậm nhất là tháng sáu năm nay sẽ giải quyết dứt điểm, nhưng mà họ chỉ nói chứ họ không có khả năng đó và xung quanh họ có rất nhiều hệ thống lợi ích chi phối, cho nên họ không dám làm.”
Ông Cao Thăng Ca cho biết các ông lãnh đạo chỉ phát biểu cho có với mục đích tuyên truyền thôi:
“Người ta nói như vậy cho vui để tuyên truyền thôi, chứ còn thực chất thì người ta không có thực tâm để giải quyết.”
Hồi cuối tháng 6/2021, mạng báo VnExpress đưa tin Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP.HCM khoá 10 đã thông qua Nghị quyết về bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo đó, TP.HCM sẽ bổ sung mức hỗ trợ thêm 1.353 tỷ đồng cho một số trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án này để người dân ổn định cuộc sống.
Ông Cao Thăng Ca cho biết, người dân Thủ Thiêm đang khiếu nại các vấn đề pháp lý về thu hồi đất, ranh quy hoạch và giải toả đền bù thì Chính phủ phải giải quyết cho rõ ràng trắng đen, ai đúng ai sai trước. Việc mang số tiền 1.353 tỷ ra để bắt dân im miệng thì ông không đồng ý:
“Mấu chốt là chúng tôi khiếu nại về vấn đề pháp lý thu hồi đất, pháp lý quy hoạch… Bây giờ lại bảo giải quyết và hỗ trợ thêm cho người dân Thủ Thiêm 1.300 tỷ nữa thì chúng tôi đâu có đồng ý!
Chúng tôi đang khiếu nại về vấn đề pháp lý. Tức là bây giờ họ cướp nhà đất của mình không có có quyết định thu hồi đất, không có phương án đền bù, không có tái định cư. Đó là vấn đề chính chứ bây giờ họ bảo tăng tiền hỗ trợ thì đó là chuyện nực cười.
Như vậy có nghĩa là người ta không chịu giải quyết khiếu nại mà lại “quăng cho cục xương” để cho mình ngậm miệng lại mà thôi.”
Khó giải quyết vì dính dáng “Nhóm lợi ích”
Vào ngày 1/7 vừa qua, trong buổi tiếp xúc với cử tri Quận 1, ông Nguyễn Thành Phong cho biết đang kiểm điểm và xem xét xử lý 66 cán bộ thuộc các sở ngành Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm qua các thời kỳ. Trong tháng 7, TP.HCM sẽ báo cáo với Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết quả xử lý cán bộ nêu trên.
Theo ông Nguyễn Hồng Quang, 66 cán bộ này cùng với nhiều lãnh đạo khác của TP.HCM qua các thời kỳ là một “tập đoàn tội phạm”:
“Chưa có quyết định thu hồi, đền bù, tái định cư, Thủ tướng chưa phê duyệt mà đã làm bản đồ đồ 1/500 để bán cho các công ty rồi. Thành phố Hồ Chí Minh nó là một tập đoàn tội phạm. Quyết định kỷ luật vừa rồi vẫn chưa đi vào tội trạng phá hủy Quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.”
Ông Cao Thăng Ca nhận định để giải quyết triệt để vấn để ở Thủ Thiêm thì sẽ dính dáng đến rất nhiều quan chức, từ lãnh đạo TP.HCM cho tới quan chức các bộ ngành Trung ương:
“Những vấn đề như pháp lý thu hồi đất pháp lý quy hoạch, tái định cư, phương án đền bù… Tất cả những cái đó mình đều có bằng chứng và kết luận của Thanh tra Chính phủ rồi nhưng người ta không dám đụng chạm đến vấn đề đó.
Vấn đề này giải quyết sẽ dính dáng đến nhiều thời kỳ do Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng và những cá nhân của Thanh tra Chính phủ thông đồng với thành phố Hồ Chí Minh để giấu bản đồ quy hoạch 367 của Thủ tướng Chính phủ, mà thực chất chúng tôi xin đảm bảo rằng bản đồ quy hoạch 367 của Thủ tướng Chính phủ là có, và người ta đã thông đồng với nhau lại để giấu cái đó đi để người ta lấy nhà đất ngoài ranh.”
Bản đồ 367 là bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm đi kèm theo Quyết định số 367/QĐ-TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng thời đó là ông Võ Văn Kiệt. Tấm bản đồ này được đánh giá là rất quan trọng vì nó thể hiện rõ ranh giới quy hoạch dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Từ đó sẽ xác định được những hộ gia đình nào nằm ngoài ranh mà vẫn bị cưỡng chế thu hồi đất sai với quyết định của Thủ tướng.
Đến nay, Chính quyền TP.HCM nói rằng tấm bản đồ này đã “bị thất lạc”. Không có tài liệu gốc để đối chiếu, dẫn đến sự tranh cãi chưa có hồi kết giữa Chính quyền Thành phố và hàng trăm hộ dân ở Thủ Thiêm.
Chính quyền “chây ì”, Dân quyết đi tới cùng
Dù hết lần này tới lần khác, chính quyền TP.HCM hứa sẽ giải quyết nhanh chóng, có lợi nhất cho người dân, nhưng người dân Thủ Thiêm chia sẻ rằng qua nhiều buổi đối thoại tiếp xúc, họ nhận thấy Chính quyền không thực tâm muốn giải quyết.
Ông Cao Thăng Ca khẳng định người dân Thủ Thiêm đang nắm trong tay tất cả bằng chứng, tài liệu về dự án Thủ Thiêm. Theo ông, Chính quyền biết không thể “cãi lý” nên đã cố tình “chây ỳ” không chịu giải quyết, để người dân tự nản, tự bỏ cuộc:
“Cái ý đồ của họ là họ muốn kéo dài ra do dân mệt mỏi, chán nản, dân bỏ cuộc, rồi lúc đó kể như là họ thắng. Ý đồ của họ là như vậy!
Nhưng dứt khoát người dân của chúng tôi, mặc dù đa số rất khó khăn cực khổ, nhưng mà sẽ cương quyết đi đến cùng, đòi lại sự công bằng, đòi lại sự thật, sự thực thi đúng luật pháp và đòi hỏi phải trừng trị thích đáng những người khi đã phá nát Thủ Thiêm.
Bây giờ không thể thỏa thuận, chúng tôi không thể thỏa thuận với những điều gian dối được. Chúng tôi không thể chia sẻ cho Thành phố được. Chúng tôi chỉ chia sẻ khi nào họ làm lợi cho Nhà nước thôi, chứ không thể chia sẻ với nhóm lợi ích được. Chúng tôi sẽ khiếu nại cho tới cùng, khi nào có sự đúng sai đàng hoàng thì mới dứt điểm.”
Dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt quyết định quy hoạch năm 1996, với tổng diện tích 930 ha, trong đó có 160 ha là phần đất dành cho tái định cư. Dự án nằm bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện Quận 1 và chỉ cách 300m đường chim bay, nên được kỳ vọng sẽ là trung tâm tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp được mở rộng của thành phố.
Tuy nhiên, sau một phần tư thế kỷ, hành trình khiếu kiện của hàng trăm hộ gia đình người dân Thủ Thiêm vẫn chưa kết thúc. Cái họ nhận lại không có gì ngoài những lời hứa của lãnh đạo.