Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Bộ Công an hoàn thiện và công bố hôm 8/4/2024 đã đề xuất một số quy định về ngăn chặn hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, chống người thi hành công vụ.
Dự thảo nêu rõ, khi người tham giao thông không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi chống người thi hành công vụ, lực lượng thi hành nhiệm vụ được quyền sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định để phòng vệ chính đáng.
Một cựu Đại úy Công an không nêu tên vì lý do an toàn khi trả lời RFA hôm 9/4/2024 nhận định:
“Tôi có theo dõi và biết dự thảo này, theo tôi thấy đưa ra dự thảo này để tăng cường chiến dịch trấn áp người dân, với danh nghĩa các đối tượng manh động, sẵn sàng chống trả và gây thương vong cho lực lượng chức năng. Bình thường lúc chưa có dự thảo này thì lực lượng công an nói chung và lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng đã có rất nhiều trường hợp họ sử dụng vũ lực tàn bạo đối với người dân… Nhưng hoàn toàn không bị xử lý và được bao biện rằng nó chỉ là tác động vật lý với các ngôn từ không thể dối trá hơn được, như vung tay, gạt tay trúng má… Đó là những ngôn từ hết sức châm biếm, mỉa mai ở góc độ không thể nào chấp nhận được về mặt pháp luật.”
Lúc chưa có dự thảo này thì lực lượng công an nói chung và lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng đã có rất nhiều trường hợp họ sử dụng vũ lực tàn bạo đối với người dân… nhưng hoàn toàn không bị xử lý.
-Cựu Đại úy Công an
Theo cựu Đại úy Công an này, bây giờ dư luận lên tiếng như thế nào đi chăng nữa thì Bộ Công an sẽ vẫn đưa ra dự thảo này, với quyết tâm đánh tan tư tưởng phản kháng của người dân từ trong trứng nước.
Một người dân ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn khi trả lời RFA liên quan vấn đề này bày tỏ lo ngại sẽ khó mà tránh được những trường hợp tiêu cực xảy ra. Bởi lâu nay lực lượng Cảnh sát Giao thông thường bị người dân chỉ trích trong các vấn đề nhũng nhiễu, hay lạm dụng quyền hạn trong lúc làm nhiệm vụ. Ông nói:
“Ở Sài Gòn thì quá nhiều tiêu cực rồi, và nếu thêm sẽ lạm quyền nhiều hơn. Xét về mặt cảm tính thì thì việc đó cũng khiến cho người dân e ngại Cảnh sát Giao thông hơn và càng khiến cho người dân với CSGT bị mâu thuẫn nhiều hơn nữa.”
Lo ngại của những người quan tâm được cho biết căn cứ vào thực trạng vào nhiều năm qua đã xảy ra những vụ công an, cảnh sát giao thông lạm quyền đánh dân… ngay cả khi chưa có dự thảo cho phép cảnh sát giao thông được sử dụng vũ lực. Đơn cử như hồi năm 2022 xảy ra vụ bốn người, bao gồm cả công an và cảnh sát giao thông ở tỉnh Sóc Trăng đánh tới tấp hai nam sinh đi xe máy, tạo nên sự phẫn nộ mạnh trong cộng đồng mạng, nhưng vẫn không bị truy tố.
Hay vụ hai YouTuber bị cảnh sát giao thông đánh vào tháng 3/2021 ở huyện Bình Chánh, TPHCM. Công an huyện này khi trả lời truyền thông hứa sẽ xử lý nghiêm, không bao che… Nhưng sau đó không thấy thêm thông tin về hình thức xử lý các cán bộ này như thế nào.
Trước đó vào tháng 12/2020, ba cảnh sát giao thông ở Bắc Giang cũng chỉ bị điều chuyển công tác qua làm nhiệm vụ khác vì đã đánh, chửi một tài xế xe tải không chịu dừng xe.
Dự thảo này phải đi kèm theo một điều kiện, phải quy định thật cụ thể, thật chi tiết trường hợp nào thì được sử dụng vũ lực, còn trường hợp nào không được sử dụng vũ lực, nếu không sẽ dẫn tới lạm dụng.
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí
Cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí hôm 9/4/2024 cho RFA biết ý kiến:
“Trước tình hình như kiểu ở Việt Nam, có nhiều người tham gia giao thông có những biểu hiện rất manh động, thậm chí có thể sử dụng vũ khí để chống lại người thi hành công vụ… thì việc cho phép cảnh sát giao thông sử dụng vũ lực, sử dụng những công cụ hỗ trợ, thậm chí sử dụng súng để trấn áp nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân mình cũng như những người tham gia giao thông khác ở trên đường… thì tôi nghĩ là cần thiết…”
Nhưng ông Trí cho rằng, dự thảo này phải đi kèm theo một điều kiện, phải quy định thật cụ thể, thật chi tiết trường hợp nào thì được sử dụng vũ lực, còn trường hợp nào không được sử dụng vũ lực. Nếu không theo ông Trí sẽ dẫn tới lạm dụng hoặc do thiếu hiểu biết về mặt nghiệp vụ sẽ dẫn đến làm không đúng, gây thương vong cho những người không phải tội phạm.
Cựu Trung tá Vũ Minh Trí cũng bày tỏ lo ngại khi lâu nay những trường hợp cảnh sát giao thông lạm dụng bạo lực không bị xử lý một cách nghiêm túc:
“Nhiều trường hợp cảnh sát giao thông vi phạm chưa bị xử lý nghiêm túc. Ví dụ như video clip đăng lên mạng có hai cảnh sát đuổi theo hai thanh niên đi xe máy vào trong một cái kho cách đây hơn một năm và đánh hai người này một cách rất dã man, dư luận lên tiếng rất nhiều thì cũng chỉ là xử lý cảnh sát giao thông chuyển đổi công tác, cùng lắm là tước quân hàm. Trong khi xử lý nghiêm túc theo tôi là phải đi khám nghiệm bị thương tật bao nhiêu % và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.”
Theo cựu Trung tá Vũ Minh Trí, những trường hợp cảnh sát giao thông lạm dụng quyền lực nếu nghiêm trọng phải đem ra truy tố, chứ không chỉ đơn giản xử lý nội bộ hoặc đuổi khỏi ngành là xong.