Bộ Chính trị Việt Nam vừa yêu cầu phải tiếp tục tinh giản biên chế cán bộ, công chức và viên chức. Yêu cầu vừa nêu được Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết khi ký ban hành kết luận của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị.
Cụ thể theo kết luận này, toàn hệ thống chính trị của Việt Nam sẽ phải tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Tinh giản biên chế là cụm từ được nói đến nhiều từ hơn mười năm qua, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước đến năm 2020 và hàng năm thường được các lãnh đạo đảng và nhà nước lập đi lập lại, yêu cầu thực hiện như một cách tuyên truyền cho uy tín của nhà cầm quyền. Liệu yêu cầu mới đây có khả thi hay chỉ là ‘màn trình diễn’ như thường lệ?
Không thấy ai nói đến cách thức thực hiện đặc biệt và có tính khả thi. Cứ nói năm này giảm bao nhiêu %, năm sau giảm bao nhiêu % thì cũng như trước thôi. Bao giờ họ cũng nói như vậy, nhưng phải có quyết tâm, phải nói cách thức làm như thế nào để cho người ta thấy tính khả thi, thì mới thực hiện được.
-Nhà báo Nguyễn Vũ Bình
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản nói với RFA hôm 2/8/2022:
“Theo tôi nghĩ thì không có tiến triển gì hơn, vì không có một cách thức gì đặc biệt để thực hiện. Không thấy ai nói đến cách thức thực hiện đặc biệt và có tính khả thi. Cứ nói năm này giảm bao nhiêu %, năm sau giảm bao nhiêu % thì cũng như trước thôi. Bao giờ họ cũng nói như vậy, nhưng phải có quyết tâm, phải nói cách thức làm như thế nào để cho người ta thấy tính khả thi, thì mới thực hiện được. Chứ còn nói thì năm nào cũng như năm nào thôi, cũng có thể là giảm một ít nhưng không đạt chỉ tiêu. Nhiều năm trước cũng nói giảm bao nhiêu % mà cuối cùng có được đâu. Cho nên gọi là trình diễn thì cũng đúng, vì nó không có một cái gì khác biệt với những chỉ tiêu trước đây.”
Ông Bình cho biết thực tế đi làm thủ tục hành chính thì ông không thấy gì tiến triển trong việc giảm biên chế:
“Thấy không khác nhiều, ví dụ như đã làm cổng thông tin điện tử nhưng tại địa phương vẫn làm tại chỗ, số người vẫn vậy. Nên tôi không thấy có gì khác biệt nhiều khi nói lên cổng thông tin điện tử thì bớt người. Tôi không thấy.”
Theo báo chí nhà nước, số lượng công chức và viên chức của Việt Nam đã phình ra kinh khủng, chiếm đến gần 3 triệu người và cực kỳ mất cân đối so với nhu cầu hành chính và quản lý dân số xã hội… Đó là lý do việc giảm biên chế là yêu cầu bức thiết được dư luận quan tâm khi hiện tượng bộ máy công chức ‘ngồi chơi- xơi nước’ chiếm một tỷ lệ rất cao. Dư luận mạng xã hội còn dẫn chứng những con số từ ngay trong nội bộ đưa ra ước đoán khoảng 1/3 số công chức ‘sáng cắp ô đi, tối cắp ô về’ và vẫn lãnh lương.
Trở lại với yêu cầu của Bộ Chính trị mới đây, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, khi trả lời RFA hôm 2/8/2022, nhận định:
“Tôi vẫn cho rằng chủ trương thì có nhưng thực hiện thì không được bao nhiêu. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức của nhà nước thì vẫn luôn luôn phình ra rất lớn mặc dù chủ trương đặt ra các chỉ tiêu, ví dụ như mỗi đơn vị phải giảm đi 10 %. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn có xu hướng đi theo số lượng chứ không đi theo chất lượng, chưa đưa được ra một định mức về mặt chất lượng, để cơ quan có bao nhiêu người và phải có trình độ như thế nào, phụ trách về việc gì. Tất nhiên chủ trương cũng có, nhưng thực tế các cơ quan cứ một thời gian lại phình ra con số rất lớn, mà trong đó rất nhiều người không làm được việc.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu dẫn chứng:
“Tôi lấy một ví dụ khi tôi phụ trách xây dựng Luật đất đai năm 2003 thì lúc đó chỉ có hai Vụ tham gia, tổng số có 38 người và tôi là 39, con số chỉ có như vậy. Nhưng sau đó người tiếp theo là đồng chí Bộ trưởng đề nghị và được xét duyệt thành lập hàng loạt Tổng cục, trong đó có Tổng cục quản lý đất đai và khi xây dựng Luật đất đai năm 2013 thì tổng số người của Tổng cục đó them gia lên đến gần 500 người. Ví dụ đó cho thấy hiệu quả tinh giản biên chế của Việt Nam vẫn rất xa vời, và hình như đi chưa đúng cách, chỉ theo số lượng mà không theo chất lượng và số lượng ấy vơi đi, rồi lập tức lại phình ra.”
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức của nhà nước thì vẫn luôn luôn phình ra rất lớn mặc dù chủ trương đặt ra các chỉ tiêu, ví dụ như mỗi đơn vị phải giảm đi 10 %. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn có xu hướng đi theo số lượng chứ không đi theo chất lượng.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho biết thêm, rất khó để thu gọn bộ máy hành chính cồng kềnh vì đây là ‘vành đai’ bảo vệ thể chế, bảo vệ chế độ. Theo ông, dù có thu gọn một số so với thời bao cấp, nhưng về cơ bản thì nó vẫn cồng kềnh.
Ông Bình cho rằng, nếu bộ máy hành chính tinh giản như các nước dân chủ thì người dân có không gian để phát biểu, để đấu tranh dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng vì đảng cộng sản vẫn để nguyên ban bệ, hệ thống như thế, chỉ lược bớt nên nó vẫn còn nặng nề. Theo ông Bình, dù tốn kém nhưng đảng vẫn phải duy trì để bảo vệ chế độ.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khi trả lời RFA trước đây liên quan vấn đề này cho rằng:
“Nhà nước Việt Nam là nhà nước thoát ra trong một cuộc chiến tranh và nhiều người làm nhà nước không được đào tạo cho nên cứ chia việc ra làm, nên thành một bộ máy cồng kềnh, không khoa học. So với những nước tiên tiến thì người ta được đào tạo chính quy có hệ thống, pháp luật rõ ràng nên gọn nhẹ.”
Theo Bộ Nội vụ, tổng biên chế công chức năm 2021 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cán bộ, công chức cấp xã, hiệp hội… là 249.650 biên chế.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng khi trả lời RFA trước đây từng cho rằng, yêu cầu hay kế hoạch tinh giản biên chế chỉ là trò mị dân để xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng, là những người nai lưng ra đóng thuế để nuôi một bộ máy ‘hành là chính’.