Chính phủ Việt Nam vừa kiến nghị cho phép chi tiếp hơn một ngàn tỉ đồng để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Cụ thể trong văn bản do Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký hôm 8/8 đã kiến nghị Thường vụ Quốc hội cho phép chi tiếp hơn 1.155 tỉ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Lý giải việc yêu cầu hỗ trợ thêm, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết hiện vẫn còn hơn 414.000 lao động thuộc đối tượng cần hỗ trợ, với số tiền dự kiến khoảng 1.155 tỉ đồng.
Trong khi mới trước đó vài ngày, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung tại phiên họp chính phủ ngày 3/8 vừa cho báo chí biết, có 29 tỉnh thành chưa giải ngân đồng nào trong gói 6.600 tỉ đồng hỗ trợ người lao động gặp khó khăn vì đại dịch.
Tin cho biết, 6.600 tỷ đồng vừa nêu được trích từ tăng thu ngân sách trung ương để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động khó khăn sau đại dịch. Và theo đề xuất của các địa phương có khoảng 3,4 triệu lao động thuộc diện được hỗ trợ.
Một số bộ ngành địa phương, một số cán bộ sợ sai, đã đòi hỏi thủ tục giấy tờ một cách tương đối cứng nhắc trong điều kiện dịch bệnh căng thẳng… từ đó dẫn đến việc giải ngân khó.
-Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh
Chuyên gia kinh tế – Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 12/8, giải thích vì sao có nhiều địa phương không giải ngân tiền hỗ trợ như vậy:
“Bởi vì liên quan đến các khoản chi của ngân sách nhà nước, nên nó đòi hỏi các thủ tục giấy tờ phải chắc chắn, để sau này quyết toán với ngân sách nhà nước. Thực tế việc quyết toán đã chi cho các chủ thể không đúng quy định để được hưởng trợ cấp các lần trước đây đều có xảy ra. Trong thời gian vừa qua đảng và nhà nước đã làm tương đối chặt chẽ việc chi tiêu ngân sách nhà nước. Vì thế một số bộ ngành địa phương, một số cán bộ sợ sai, đã đòi hỏi thủ tục giấy tờ một cách tương đối cứng nhắc trong điều kiện dịch bệnh căng thẳng… từ đó dẫn đến việc giải ngân khó.”
Từ khi bùng phát dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần công bố các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó. Đơn cử như năm 2020 có 4 gói hỗ trợ, nhiều nhất là gói 62.000 tỷ đồng, nhưng tính đến cuối năm 2021 theo Bộ LĐ-TB-XH, gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ chỉ mới giải ngân được 53%.
Vào tháng 6 năm 2021, Chính phủ tiếp tục công bố gói 26.000 tỷ hỗ trợ cho người lao động mất việc và các doanh nghiệp. Ngoài ra trong năm 2021, TPHCM cũng tự chi thêm ba gói hỗ trợ riêng dành cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Với nhiều gói hỗ trợ của nhà nước, nhưng nhiều người lao động và doanh nghiệp khi trả lời RFA trước đây cho hay họ không tiếp cận được gói hỗ trợ do thủ tục xác minh quá rắc rối, phiền phức. Chưa kể có nhiều lãnh đạo địa phương đã trục lợi từ tiền hỗ trợ này như sự việc xảy ra ở Quảng Trị. Mỗi người nghèo khi nhận được 750 ngàn đồng phải “tự nguyện” trích lại 50 ngàn cho cán bộ “uống nước”.
Luật sư Đặng Dũng, người từng công tác tại Sở Lao Động, Thương Binh và Xã Hội, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho biết:
“Tôi chẳng thấy có tin tốt đẹp về chuyện này cả, bởi nếu có thì Nhà Nước đã chụp hình, đưa tin đầy đủ rồi. Tình hình hiện nay thì đa số người tạm cư người ta về quê hết rồi, người thất nghiệp tự cứu lấy mình thôi chứ không ngồi chờ những điều loan trên các phương tiện truyền thông của Nhà nước. Những chuyện gọi là trợ cấp cho những đối tượng của đợt dịch thì tôi không có một thông tin nào khác.”
Để tìm hiểu thực tế, RFA hôm 12/8 liên lạc Chị N., một công nhân sinh sống tại tỉnh Đồng Nai, và được Chị cho biết thực tế ở địa phương:
“Công ty hỗ trợ thôi, nhà nước không có hỗ trợ tôi đâu… mới bắt đầu dịch công ty hỗ trợ cho 80.000 đồng, riết rồi nhiều quá họ không hỗ trợ nữa… Nhà nước chỉ hỗ trợ cho những người ở trọ, chứ không hỗ trợ dân mình (người sinh sống tại địa phương)… Mấy người như nhà chị đâu có ai nhận được gì đâu, mình cũng là công nhân mà đâu có đâu.”
Anh Nguyễn Quốc Trầm, một người thuộc diện hộ gia đình nghèo, hành nghề chạy xe ôm ở quận Bình Thạnh, TPHCM, nói với RFA hôm 12/8:
“Thủ tục nhận hỗ trợ mỗi người mỗi khác nhau, không ai giống ai, nó kỳ lắm. Thí dụ như khi vợ em biết có hỗ trợ, lên phường làm căng lên thì họ nói cứ về đi rồi sẽ cho hưởng chế độ, lãnh đủ hết ba lần hỗ trợ. Nói thật nhà mình khó khăn, họ cho mình là mình mừng lắm rồi, mình cũng không dám nói ai vì họ dặn mình không được nói hay trao đổi những chuyện này… Bây giờ thì hết hỗ trợ rồi, tôi cũng không mong muốn gì thêm, mà có mơ thì cũng không có. Giờ họ chỉ nói thôi, chứ họ làm không được, họ nói thì rất dễ, còn làm thì rất khó… Cách họ làm từ trên xuống dưới không ai ra ai, không dính dáng vào đâu hết.”
Thí dụ như khi vợ em biết có hỗ trợ, lên phường làm căng lên thì họ nói cứ về đi rồi sẽ cho hưởng chế độ, lãnh đủ hết ba lần hỗ trợ. Nói thật nhà mình khó khăn, họ cho mình là mình mừng lắm rồi, mình cũng không dám nói ai vì họ dặn mình không được nói hay trao đổi những chuyện này…
-Anh Nguyễn Quốc Trầm
Vấn đề đơn giản hóa thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo luôn luôn được giới lãnh đạo Việt Nam nêu ra. Tuy nhiên thực tế cho thấy, các vấn đề được nêu lên thì nhiều mà cải sửa thì ít. Do đó đến lúc này những gói hỗ trợ cấp bách cho dịch bệnh vẫn không đạt hiệu quả cao.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh đưa ra khuyến nghị:
“Tôi cho rằng việc chi tiêu ngân sách nhà nước cần phải được thực hiện một cách đầy đủ, chính xác, đủ các căn cứ giấy tờ thủ tục, đó là điều cần thiết, quốc gia nào cũng như thế cả. Nhưng trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn của đại dịch hoặc thiên tai, địch họa bất ngờ… Thì sự linh hoạt và dám chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền trở thành một trong các vấn đề thể hiện năng lực, quyết tâm của người cán bộ trong quá trình hỗ trợ người dân cũng như doanh nghiệp vượt qua khó khăn.”
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam đang rất cần các cán bộ hiểu biết, dám làm, dám chịu trách nhiệm, để từ đó đạt hiệu quả cao nhất trong việc giúp đỡ người dân và doanh nghiệp những lúc khó khăn.