Chùa Thiên Quang thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (UBCVN) vừa bị chính quyền huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đưa người và xe cẩu đến cưỡng chế tháo dỡ công trình nhà khách đang xây dựng dở dang.
Liên tiếp trong hai ngày 10 và 11/11, nhân lúc Thượng tọa Thích Thiên Thuận – trụ trì chùa Thiên Quang (toạ lạc tại xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) – đi vắng, chính quyền huyện Xuyên Mộc đã đưa người và xe cẩu, xe tải vào tháo dỡ công trình bằng gỗ cọc tiêu tận dụng, có diện tích khoảng 60 mét vuông.
Đây không phải lần đầu chùa Thiên Quang bị chính quyền gây sức ép dẹp bỏ bằng cách tháo dỡ các công trình đã và đang xây dựng, mà từ cuối năm 2021, cơ sở tôn giáo độc lập này đã từng nhận được quyết định của Uỷ ban nhân dân huyện Xuyên Mộc yêu cầu tháo dỡ các công trình mà chùa đã xây dựng từ năm 2000.
Thượng toạ Thích Thiên Thuận cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết trong ngày 13/11 rằng nhóm người của chính quyền đến thực thi việc cưỡng chế tháo dỡ công trình đang xây dựng của chùa chỉ mặc thường phục và không đưa ra bất cứ văn bản chính thức nào của nhà chức trách huyện Xuyên Mộc. Họ chỉ nói lý do tháo dỡ vì công trình xây dựng không có giấy phép.
Cũng theo Thượng toạ Thích Thiên Thuận, hành động trên của chính quyền huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không ngoài mục đích là nhằm dằn mặt nhà chùa vì không chịu gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ông nói:
“Họ tìm mọi cách để đàn áp lên công trình xây dựng hoặc phương tiện truyền giáo của chùa Thiên Quang để gây sức ép buộc mình theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam quốc doanh.”
Vị trụ trì cơ sở tôn giáo độc lập này cho rằng sở dĩ chùa không xin phép xây dựng nhà khách vì công trình này được lắp ráp bằng gỗ cọc tiêu tận dụng chứ không phải công trình kiên cố. Thêm nữa, ông nói, từ khi lập chùa cách đây hơn 20 năm đến giờ, chính quyền địa phương chưa bao giờ đồng ý cho chùa xây dựng bất cứ thứ gì cho dù chùa nộp đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu.
Luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng (không có liên quan tới chùa Thiên Quang) từ thành phố Hồ Chí Minh, qua tin nhắn cho RFA biết:
“Về nguyên tắc, nếu (chính quyền-pv) muốn cưỡng chế gì thì phải thông báo trước. Tức là xác định hành vi xây dựng trái phép thì phải lập biên bản xử lý vi phạm, sau đó mới cưỡng chế tháo dỡ được.”
Phóng viên gọi điện cho Phó Chủ tịch kiêm người phát ngôn của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trần Văn Tuấn để kiểm chứng thông tin nhưng ông này không nghe máy. Chúng tôi cũng gọi cho bà Lê Thị Trang Đài- Chủ tịch huyện Xuyên Mộc, tuy nhiên bà này nói rằng “không có nghĩa vụ trả lời phóng viên qua điện thoại,” rồi dập máy.
Chùa Thiên Quang được xây dựng từ năm 2000 trên mảnh đất 1,6 héc-ta gần thác Hoà Bình. Thượng toạ Thích Thiên Thuận cho biết việc xây dựng chùa chưa bao giờ được thuận lợi, trái lại, luôn bị sách nhiễu từ chính quyền địa phương chỉ vì chùa không chịu quy thuận Giáo hội Phật giáo Việt Nam- một tổ chức tôn giáo chịu sự quản lý của Nhà nước.
Tuy đứng tên sở hữu một mảnh đất thổ cư của chùa nhưng Thượng toạ Thích Thiên Thuận không được chính quyền địa phương cấp giấy tạm trú. Họ còn tịch thu sổ đỏ của một trong những phần đất của chùa mà đến giờ vẫn chưa trả lại.
Từ năm 2018, chính quyền huyện Xuyên Mộc vẽ ra một dự án xây dựng mương dẫn nước với mục đích giúp việc tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp ở khu vực gần chùa Thiên Quang, cho dù việc trồng tiêu ở đây đình đốn do giá tiêu giảm mạnh và người dân địa phương bán đất vườn gần hết.
Theo bản vẽ, con mương này có chiều rộng khoảng 20 mét, chạy cắt chéo mảnh đất hình chữ nhật của chùa, lấy hơn 3.000 mét vuông đất của cơ sở tôn giáo này và biến phần đất còn lại thành hai tam giác, rất khó cho việc quy hoạch lại chùa.
Nếu con mương này được xây như thiết kế thì nó sẽ lấy hết phần đất của chùa Thiên Quang gồm nhà khách, công trình công cộng, vệ sinh công cộng và phần nhà bếp của chùa, Thượng toạ Thích Thiên Thuận nói.
Vị thượng toạ phản đối kế hoạch chia cắt đất chùa bằng việc ba lần gửi đơn khiếu nại đến UBND huyện và tỉnh. Trong đó, ông có đề nghị hiến một phần đất của nhà chùa để làm mương chạy theo một cạnh của hình chữ nhật thay vì đường chéo. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không đồng ý.
Đó cũng là lý do vào tháng 11 năm 2021, chính quyền huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có quyết định giải toả chùa Thiên Quang, buộc chùa phải tháo dỡ các công trình xây dựng trên đất chùa trong thời gian 2000-2018.
Thượng toạ Thích Thiên Thuận cho biết, năm 2021, đại diện của Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ và Tổng Lãnh sự Đức ở thành phố Hồ Chí Minh đã đến thăm chùa và tìm hiểu tình hình. Sau chuyến thăm, hai cơ quan ngoại giao trên có gửi công hàm tới Sở Ngoại vụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với quan ngại về kế hoạch xây dựng của địa phương ảnh hưởng đến chùa Thiên Quang.
Về việc này, Thượng toạ Thích Thiện Thuận, cho biết qua tin nhắn như sau:
“Nhờ sự can thiệp của hai Tổng lãnh sự quán Đức và Hoa Kỳ nên nhà cầm quyền cộng sản quan ngại. Họ cố thuyết phục theo GHPGVN nên (chùa-PV) còn tồn tại.”
Chúng tôi đã gửi email đến Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ và Đức ở thành phố Hồ Chí Minh để đề nghị bình luận nhưng chưa nhận được phản hồi.
Việc chính quyền địa phương cố thuyết phục chùa Thiên Quang gia nhập tổ chức tôn giáo của Nhà nước cũng là nguyên nhân quan trọng khác, vị thượng toạ bổ sung.
“Có nhiều lần họ đến nói nếu thầy tham gia giáo hội (Giáo hội Phật giáo Việt Nam- PV) thì họ không làm kênh mương nước đó nữa,” vị tu hành này nhấn mạnh.
Theo vị sư trụ trì, hiện dự án xây dựng mương nước dường như đã dừng lại.
Thượng toạ cho biết dù chính quyền địa phương sách nhiễu nhà chùa và đe doạ Phật tử bằng cách lắp đặt camera theo dõi ở gần cổng chùa nhưng Phật tử địa phương và khắp nơi vẫn đổ về chùa ngày càng nhiều vì “Phật tử có khát vọng về Phật giáo truyền thống,” theo lời Thượng toạ Thích Thiên Thuận.