Vấn đề nhân quyền ở quốc gia độc đảng ít có ảnh hưởng đến kế hoạch mua vũ khí của Việt Nam từ Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây, theo học giả Hoàng Việt từ Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc lại cho rằng Mỹ và Liên Âu có thể dừng việc bán vũ khí khi cân nhắc vấn đề quyền con người.
Ý muốn tăng cường mua sắm vũ khí từ phương Tây nằm trong kế hoạch đa dạng hoá và hiện đại hoá quân đội của Việt Nam trong bối cảnh chủ quyền đất nước ở Biển Đông bị đe doạ.
Trong lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022 ở Hà Nội sáng 08/12, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nói sự kiện này giúp Hà Nội “mở ra các cơ hội hợp tác, cùng tìm hiểu nghiên cứu xu hướng phát triển của trang bị kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng an ninh trên thế giới; đa dạng hóa các kênh mua sắm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài và sản xuất, trang bị khí tài, hậu cần đáp ứng cho lực lượng vũ trang để phục vụ nhu cầu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân trước những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.”
Nói về sự liên hệ giữa việc mua sắm vũ khí và nhân quyền của Việt Nam, thạc sỹ Hoàng Việt nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Cá nhân tôi cho rằng vấn đề nhân quyền không cản trở nhiều đến việc mua bán vũ khí của Việt Nam. Mỹ và phương Tây đặt lợi ích địa chính trị quan trọng hơn vấn đề nhân quyền. Do vậy, trong bối cảnh đó, việc Việt Nam tìm kiếm mua vũ khí từ phương Tây sẽ không bị cản trở vì vấn đề nhân quyền.”
Ông cho rằng mặc dù đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden luôn thúc đẩy các hoạt động dân chủ, nhưng Nhà Trắng đã coi Trung Quốc là đối thủ quan trọng nhất, nguy hiểm nhất có thể thách thức vị trí siêu cường số một thế giới của Hoa Kỳ cũng như tìm cách thay đổi trật tự thế giới mà Bắc Kinh có đủ ý chí và quyền lực để làm việc đó thì phương Tây không đặt nặng vấn đề nhân quyền.
Việt Nam bị Hoa Kỳ và nhiều quốc gia dân chủ chỉ trích về hồ sơ nhân quyền tồi tệ vì giam giữ nhiều tù nhân lương tâm chỉ vì họ thực hiện các quyền tự do cơ bản như ngôn luận, hội họp, biểu tình…
Theo thạc sỹ Hoàng Việt, cách đây hơn 10 năm người ta nhận ra rằng quân đội Việt Nam quá phụ thuộc vào vũ khí của Nga và Nhà nước Việt Nam có kế hoạch đa dạng hoá nguồn vũ khí từ lâu.
Cho tới nay, ngoài Nga, Việt Nam đã mua vũ khí từ một số quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ, Israel, và Hoa Kỳ.
“Kể từ đó đến nay Việt Nam đã làm (tăng cường mua sắm vũ khí phương Tây- PV), đặc biệt sau cuộc chiến ở Ukraine người ta thấy rằng vũ khí của Nga có nhiều lạc hậu,” học giả đến từ TP HCM nói.
Tuy nhiên, theo ông, kế hoạch đẩy mạnh mua sắm vũ khí của Việt Nam từ các quốc gia phương Tây sẽ không dễ dàng vì hai vấn đề chính: Giá cả đắt đỏ và khác biệt về hệ thống vũ khí.
Ông nói rằng vũ khí của phương Tây đắt hơn nhiều so với vũ khí của Nga, khách hàng cung cấp vũ khí lớn nhất và quen thuộc với Việt Nam từ nhiều thập niên qua.
Quân đội Việt Nam từ lâu đã sử dụng hệ thống vũ khí có từ thời Liên Xô và sau đó là Nga, do vậy, việc thay thế các loại vũ khí hiện có bằng vũ khí của phương Tây sẽ không hề dễ dàng cho Việt Nam. Việc này đòi hỏi có thời gian dài để quân đội đào tạo và thích ứng, và cần phải có sự tương thích của các loại vũ khí trong một hệ thống.
Ông ví dụ trong cuộc chiến ở Ukraine, các binh sỹ Ukraine có thể sử dụng dễ dàng vũ khí do Nga và các nước từng theo xã hội chủ nghĩa sản xuất. Tuy nhiên, họ gặp khó khăn khi sử dụng vũ khí của phương Tây, và cần thời gian dài để thích nghi.
Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra cho rằng Việt Nam đã cho thấy họ có khả năng mua sắm vũ khí và công nghệ quân sự từ các nguồn không phải của Nga, chẳng hạn như Israel, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Ông cũng nói Hà Nội nhận thức được rằng Hoa Kỳ và các quốc gia trong Liên minh Châu Âu có thể viện dẫn các cân nhắc về nhân quyền để cắt giảm hoặc ngăn chặn việc bán vũ khí nhằm đối phó với các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng vào bất kỳ thời điểm nào.
Tuy nhiên, từ thống kê mua vũ khí của Việt Nam trong thời gian gần đây thì Giáo sư Carl Thayer có nhận xét:
“Việt Nam không có khả năng mua các mặt hàng ‘có giá trị lớn’ từ Hoa Kỳ hay Châu Âu và có khả năng chờ xem cuộc xung đột ở Ukraine sẽ được giải quyết như thế nào.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ có thị trường cho các công nghệ thích hợp như radar bờ biển, phòng không, máy bay không người lái (UAV), tên lửa chống UAV, không gian mạng, …”
Ông cho biết trong giai đoạn từ 2014- thời điểm Nga sáp nhập Crimea, cho đến 2021, việc mua sắm vũ khí của Việt Nam giảm chóng mặt, đặc biệt là từ Nga.
Nhập khẩu vũ khí từ Nga của Việt Nam đã giảm từ 1,056 tỷ đô la Mỹ năm 2014 xuống chỉ còn 72 triệu năm 2021, ông nói.
Giáo sư Carl Thayer nói trước đại dịch COVID-19, Việt Nam phân bổ khoảng 2% GDP cho ngân sách quốc phòng hàng năm.
Từ năm 1995 đến năm 2021, Việt Nam đã mua vũ khí và công nghệ quân sự từ 27 quốc gia. Sáu quốc gia hàng đầu, tính bằng đô la Mỹ là: Nga ($7,4 tỷ), Israel ($550 triệu), Ukraine ($273 triệu), Belarus ($263 triệu), Hàn Quốc ($120 triệu) và Hoa Kỳ ($108 triệu).
Trong triển lãm vũ khí quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, giáo sư Carl Thayer cho rằng Hà Nội có ba mục tiêu chính, đó là giới thiệu ngành công nghiệp quốc phòng của mình, xác định khách hàng cho các sản phẩm nội địa của mình, và tham gia vào các thỏa thuận chuyển giao công nghệ đồng sản xuất để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của mình.