Hình ảnh vệ tinh mà RFA ghi nhận từ Planet cho thấy hiện nay Trung Quốc đã xây dựng một số công trình mới trên đảo Tri Tôn, trong đó đáng chú ý nhất là công trình dường như là đường băng cho máy bay.
Có nhiều giả thuyết đặt ra
Trao đổi với RFA, Giáo sư Carl Thayer cho biết các nhà phân tích gần như nhất trí rằng hình ảnh vệ tinh về công trình xây dựng của Trung Quốc trên đảo Tri Tôn được chụp vào ngày 10 tháng 8 là không đủ để đưa ra nhận xét rõ ràng về mục đích của nó ở giai đoạn này.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Trường Đại học Luật TP. HCM có một cách tiếp cận khác. Ông Hoàng Việt xem xét công trình này trên đảo Tri Tôn trong chiến lược chuỗi đảo của Trung Quốc, cũng như kinh nghiệm về những gì Trung Quốc đã làm sau khi cải tạo và nâng cấp một số thực thể địa lý ở Trường Sa, thành những căn cứ quân sự lớn. Bằng cách đó, ông cho rằng Tri Tôn có thể sẽ được cải tạo, mở rộng và, đường băng mới sẽ được kéo dài. Ông còn nhận định, Tri Tôn có thể trở thành một căn cứ hậu cần, tiếp liệu lớn trong tương lai gần.
Theo Giáo sư Carl Thayer, hình ảnh vệ tinh cho thấy đường băng dài 610m, rộng 14m và với kích thước của đảo Tri Tôn thì đường băng này “có thể” được kéo dài tới chiều dài tối đa khoảng 945 mét.
Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy một khu vực làm việc lớn, mới được xây dựng, và một nhà máy sản xuất xi măng. Hiện tại, hình ảnh vệ tinh chưa phát hiện việc xây dựng các cấu trúc hỗ trợ khác có thể xác nhận rằng họ đang xây dựng một đường băng.
Theo GS. Carl Thayer, các nhà phân tích nhất trí rằng nếu đây là một đường băng ngắn thì hiện tại nó không thể hỗ trợ máy bay phản lực quân sự của Trung Quốc như những chiếc đóng trên đảo Phú Lâm cách đó khoảng 100 hải lý. Nhưng nó có thể hỗ trợ máy bay hạng nhẹ, cánh cố định, động cơ phản lực cánh quạt, máy bay không người lái và trực thăng. Đảo Tri Tôn đã có một sân bay trực thăng mới được xây dựng, hai mái vòm và một bến cảng nhỏ.
Ông Carl Thayer cho biết nhiều nhà phân tích nhất trí rằng vẫn còn quá sớm để nói ý định của Trung Quốc là gì khi xây dựng những công trình mới trên đảo Tri Tôn.
Chiến lược “tầm rộng” của Trung Quốc
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng cần nhìn công trình đang xây dựng trên đảo Tri Tôn từ một góc nhìn rộng hơn. Dưới đây là phần phỏng vấn của RFA với nhà nghiên cứu Hoàng Việt về lý do vì sao ông cho rằng đường băng mới trên đảo Tri Tôn sẽ còn được mở rộng hơn nữa chứ không dừng lại ở chiều dài khoảng 600 mét như hiện nay.
RFA. Liên quan đến việc Trung Quốc đã xây dựng đường băng trên đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa, xin ông cho biết Hoàng Sa quan trọng với chiến lược biển của Trung Quốc đến mức độ nào?
Hoàng Việt: Nói cho cùng, trên Biển Đông có nhiều thực thể địa lý, trong đó quan trọng nhất là Hoàng Sa và Trường Sa. Về vai trò của Hoàng Sa và Trường Sa, nếu kiểm soát được hai thực thể địa lý này thì có thể khống chế toàn bộ vùng biển.
Trung Quốc từ lâu thực thi chiến lược bành trướng bằng các chuỗi đảo. Chuỗi đảo thứ nhất kéo dài từ quần đảo Kyusiu ở Nhật Bản đi qua Đài Loan, xuống quần đảo Okinawa rồi Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông. Chuỗi đảo thứ hai ở vòng ngoài, từ Nhật Bản đi xuống các đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương.
Gần đây do phát triển các vũ khí tầm xa, Trung Quốc đưa chuỗi đảo thứ nhất vào vòng khống chế. Ngoài ra, không chỉ là những ngư trường giàu có, Hoàng Sa và Trường Sa trở thành cửa ra của các đảo thuộc chuỗi thứ nhất và thứ hai đi ra Ấn Độ Dương. Do đó, Trung Quốc càng có động lực tăng cường kiểm soát. Bên cạnh đó, Nhìn vào các tuyến đường biển đi qua Biển Đông, chúng ta thấy cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều nằm ở vị trí án ngữ các tuyến đường này.
RFA. Tại sao Trung Quốc đã có căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm ở phía đông bắc Hoàng Sa nhưng vẫn xây dựng thêm đường băng mới trên đảo Tri Tôn? Theo ông, diễn biến tiếp theo sẽ là gì?
Hoàng Việt: Có thể Trung Quốc muốn bồi đắp đảo Tri Tôn thành một đảo lớn trong tương lai.
Chúng ta còn nhớ là năm 2014, khi kéo gian khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, Trung Quốc đã lập luận rằng vị trí của giàn khoan nằm trong “vùng biển” mở rộng của đảo Tri Tôn. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Trung Quốc muốn mở rộng hòn đảo này.
Ở quần đảo Hoàng Sa thì đảo Tri Tôn có vị trí là một hòn đào tiền tiêu. Nó là hòn đảo thuộc Hoàng Sa gần về phía đất liền Việt Nam nhất, cách đảo Lý Sơn ở Quảng Ngãi chỉ khoảng 100 hải lý.
Trung Quốc muốn mở rộng cải tạo các thực thể địa lý này, biến chúng thành “đảo” để có thêm cớ đòi hỏi các vùng biển rộng lớn. Có lẽ đó là lí do Trung Quốc xây dựng đường băng mới trên đảo Tri Tôn.
Đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, cách Tri Tôn khoảng 100 hải lý về phía đông bắc, đã được quân sự hóa hoàn toàn. Nay Trung Quốc muốn quân sự hóa thêm một hòn đảo nữa là Tri Tôn ở phía đông nam Hoàng Sa.
Trung Quốc đã thể hiện rõ là sẽ không bao giờ thỏa hiệp về vấn đề Biển Đông mà sẽ biến vùng biển này thành ao nhà. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ Trung thì nước này một mặt vẫn muốn giành càng nhiều lợi thế, nhưng mặt khác vẫn có thể lôi kéo được các nước ASEAN về phía mình. Họ đưa ra lời hứa hẹn là trong vòng vài năm sẽ kí được Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) với ASEAN. Mà họ muốn phải bảo đảm họ đã giành được nhiều lợi thế và lợi ích nhất có thể trước khi kí COC với ASEAN. Nói cách khác, nếu ASEAN muốn kí COC với họ thì trước hết họ phải là bên cải tạo được nhiều đảo nhất, và ngăn chặn được các nước khác cải tạo đảo trong khu vực để họ chiếm thế thượng phong trong khu vực.
Trong bối cảnh ở Đông Nam Á có nhiều mối quan hệ quốc tế phức tạp, chồng chéo, đây là giai đoạn Trung Quốc đang muốn thăm dò để xem các quốc gia khác, không chỉ của Đông Nam Á mà còn của các nước bên ngoài khu vực như Hoa Kỳ, phản ứng như thế nào với các bước đi mới của họ.