Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẽ tái ứng cử làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc trong nhiệm kỳ 2026-2028, tổ chức Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (CIVICUS) nói Hà Nội phải cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình.
Truyền thông nhà nước đưa tin trong Phiên họp cấp cao Khóa 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc tại Geneva vào sáng ngày 26/2, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tuyên bố ý định tái ứng cử của Việt Nam trong nhiệm kỳ 2026-2028 và kêu gọi các nước ủng hộ.
Ông Bùi Thanh Sơn tham dự cuộc họp với tư cách trưởng đoàn của Việt Nam, quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Ông Josef Benedict, chuyên gia vận động cho không gian dân sự khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của CIVICUS, bày tỏ sự ngạc nhiên về tuyên bố của người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam. Ông nói trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 27/02:
“Thật sốc khi Việt Nam đang tìm cách tái tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc. Thành tích nhân quyền của quốc gia này thật kinh khủng và tình trạng không gian dân sự ở nước này được CIVICUS Monitor đánh giá là ‘đóng.’
Hơn nữa, Hà Nội đã không thực thi nhiều khuyến nghị do Hội đồng Nhân quyền đưa ra trong kỳ Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR- PV) gần nhất vào năm 2019.”
Trong báo cáo công bố hồi tháng 12/2023, CIVICUS xếp Việt Nam là một trong tám quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á có không gian dân sự đóng, đồng nghĩa với việc nhà nước không tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội của dân chúng.
Tổ chức có trụ sở ở Johanesburg (Nam Phi) cho rằng, Hà Nội tiếp tục sử dụng nhiều điều luật hà khắc trong chương An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự để hình sự hoá công việc của giới hoạt động và báo chí, giám sát và cấm xuất cảnh người hoạt động, và ngược đãi tù nhân lương tâm.
Ông kêu gọi chính quyền độc đảng cần thực thi các bước đi nghiêm túc về nhân quyền nếu muốn tiếp tục ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền:
“Nếu Chính phủ Việt Nam thực sự nghiêm túc trong việc tái tranh cử, thì nên bắt đầu bằng việc thực hiện các bước cụ thể để bãi bỏ các điều luật hạn chế quyền con người, trả tự do cho các nhà hoạt động nhân quyền đang bị giam giữ, và chấm dứt hành vi quấy rối và trả thù họ. Nếu không, Việt Nam nên tránh xa để các quốc gia nghiêm túc thực hiện cam kết nhân quyền tham gia hội đồng.”
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho rằng Việt Nam chưa bao giờ quan tâm đến việc bảo vệ hoặc thúc đẩy nhân quyền tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, mà có mặt ở cơ quan nhân quyền này để làm chệch hướng và phủ nhận những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mà Hà Nội phạm phải hàng ngày, và để giúp đỡ các chính phủ khác vi phạm nhân quyền bằng cách bảo vệ họ khi họ phải đối mặt với sự giám sát tại Hội đồng.
Ông nói trong tin nhắn gửi RFA trong ngày 27/2:
“Việt Nam là một thảm họa không thể giải quyết được với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, tiến hành cuộc đàn áp quy mô lớn đối với các nhóm xã hội dân sự và các nhà hoạt động ở trong nước, đồng thời tích cực dung túng những hành vi vi phạm nhân quyền của các quốc gia khác được đưa ra trước Hội đồng. Khó có thể tìm ra thành viên nào tồi tệ hơn trong Hội đồng, vì vậy chiến dịch tái tranh cử của Hà Nội phải bị bác bỏ tuyệt đối.”
Trước cuộc bỏ phiếu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 hồi giữa tháng 10/2022, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi không bầu cho Việt Nam vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn được chọn vào cơ quan nhân quyền này và việc này làm thất vọng nhiều nhà hoạt động.
Một nhà hoạt động ở Hà Nội, người muốn ẩn danh vì lý do an ninh, phản ứng khi nghe tuyên bố tái tranh cử của Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn:
“Dường như cơ chế nhân quyền của LHQ là một trò hề thì phải? Vì cho một quốc gia suốt ngày vi phạm nhân quyền và không tôn trọng cả môi trường thiên nhiên ngồi vào ghế Hội đồng Nhân quyền LHQ là sao? Nó giống như việc cử một ông nghiện hút đi chống bán ma tuý vậy!”
Nhà hoạt động này kêu gọi cộng đồng quốc tế có trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn các quốc gia vào cơ quan nhân quyền cao nhất của LHQ.
“Nếu cộng đồng quốc tế để Việt Nam tái cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ khoá tới thì quả là đáng buồn khi thay vì gây sức ép buộc Việt Nam cải thiện nhân quyền trước thì lại cho Việt Nam ngồi vào uỷ ban này để hy vọng Việt Nam cải tổ nhân quyền?”
Người này giải thích:
“Nên nhớ, thế giới đứng trước hiểm hoạ Trung Quốc ngày nay, cũng là do ngây thơ tin rằng mở cửa cho Trung Quốc gia nhập vào thế giới thương mại tự do sẽ làm Bắc Kinh dần cải cách dân chủ nhưng không hề! Ngược lại ngày nay ta thấy một Trung Quốc hung hăng.
Nếu cho Việt Nam vào tiếp HĐNQ mà để Hà Nội tiếp tục đàn áp nhân quyền, nếu có thảm hoạ nhân quyền trong tương lai gây ra bởi chính quyền độc tài Việt Nam, thì đó là lỗi một phần thuộc về LHQ và những nước cổ suý cho nhân quyền nhưng lại im lặng cho Việt Nam vào.”
Kể từ khi được bầu vào HĐNQ vào tháng 10/2022, tình trạng đàn áp giới bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội ở Việt Nam vẫn tiếp diễn.
Trong năm 2023, Việt Nam bắt giữ ít nhất 24 nhà hoạt động và Facebooker so với 28 người trong năm trước đó, theo thống kê của RFA. Hơn 20 người bị kết án nhiều năm tù, đa số về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lợi dụng quyền tự do dân chủ” chỉ vì thực thi các quyền cơ bản của con người như quyền biểu đạt và chia sẻ thông tin.
Hà Nội còn tăng cường trấn áp và bỏ tù một số lãnh đạo xã hội dân sự có đăng ký như Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) luật gia Đặng Đình Bách, anh hùng chống biến đổi khí hậu Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc của Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) Hoàng Thị Minh Hồng, và chuyên gia về năng lượng sạch Ngô Thị Tố Nhiên với cáo buộc “trốn thuế” hoặc “chiếm đoạt tài liệu.”
Hiện Việt Nam đang giam giữ ít nhất 165 tù nhân chính trị, theo thống kê của HRW.