Chính phủ Việt Nam bị cáo buộc bắt giữ các nhà hoạt động và tăng cường đàn áp giới bất đồng chính kiến cả trước và sau kỳ Đánh giá Định kỳ Phổ quát (UPR) trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc (LHQ) hồi tháng 5.
Trong phúc trình công bố ngày 18/7, tổ chức Liên minh Xã hội Dân sự Toàn cầu (CIVICUS) nói rằng Việt Nam thực hiện “những nỗ lực có hệ thống nhằm bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền, nhà báo và blogger, bao gồm cả việc bỏ tù họ theo điều luật an ninh quốc gia, hạn chế quyền tự do đi lại của họ cũng như tra tấn và đối xử tệ bạc khi bị giam giữ.”
Ngoài ra, chính quyền cộng sản bị cho là thi hành các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông, kiểm duyệt trực tuyến và kiểm soát trên phương tiện truyền thông xã hội cũng như các hạn chế đang diễn ra đối với các cuộc biểu tình ôn hòa.
Trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 19/7, ông Josef Benedict, chuyên gia vận động cho không gian dân sự khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của CIVICUS nói:
“Điều vô cùng đáng thất vọng là bất chấp việc xem xét nhân quyền tại Hội đồng Nhân quyền vào tháng 5 năm 2024, chính quyền Việt Nam vẫn phớt lờ các khuyến nghị của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nhằm bảo đảm các quyền tự do cơ bản và chấm dứt các hành vi bắt giữ và giam giữ tùy tiện những người bảo vệ nhân quyền, những người bất đồng chính kiến chính trị và các nhà báo.”
Ông cho rằng có thể thấy điều này với việc bắt giữ và khởi tố nhà cải cách công đoàn Vũ Minh Tiến, luật sư Trần Đình Triển và nhà báo độc lập Trương Huy San trong thời gian gần đây.
Đàn áp quyền lập hội
Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Johannesburg (Nam Phi) nói trong UPR vừa qua, nhiều quốc gia đã khuyến nghị Việt Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp ôn hòa và chấm dứt các hành vi bắt bớ và giam giữ tùy tiện những người bảo vệ nhân quyền, những người bất đồng chính kiến và các nhà báo.
Tuy nhiên, hai tuần trước đó, Việt Nam đã bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, một nhà cải cách quyền lao động, với cáo buộc làm lộ bí mật nhà nước theo Điều 337 của Bộ luật Hình sự.
Vào thời điểm bị bắt, ông Bình đang dẫn đầu nỗ lực phê chuẩn Công ước 87 của ILO, nếu được thông qua sẽ bảo đảm cho người lao động quyền thành lập công đoàn độc lập mà không cần xin phép trước.
Hai tuần sau UPR, Việt Nam bắt tiếp ông Vũ Minh Tiến, người đứng đầu bộ phận chính sách và pháp lý của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Giám đốc Viện Công nhân và Công đoàn (IWTU), cũng theo cáo buộc của Điều 337.
Ông Tiến được cho đang dẫn đầu các nỗ lực đưa luật lao động của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Ông được giao nhiệm vụ sửa đổi Luật Công đoàn, dự kiến được Quốc hội ký thành luật vào cuối năm 2024.
Đàn áp quyền biểu đạt
Theo CIVICUS, tại Geneva, Argentina đã khuyến nghị Việt Nam thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền tự do ngôn luận, kể cả đối với những người bảo vệ nhân quyền và các nhà báo, bao gồm cả việc điều tra các mối đe dọa và trả thù họ cũng như trừng phạt thủ phạm.
Tuy vậy, các khuyến nghị này dường như không được Chính phủ ghi nhận với những vụ bắt giữ liên tiếp diễn ra được nêu trong phúc trình. Ông Benedict nói với RFA về điều này.
“Hội đồng Nhân quyền vào tháng 5 năm 2024 cũng kêu gọi Chính phủ Việt Nam bãi bỏ hoặc xem xét lại các điều 117, 118 và 331 của Bộ luật Hình sự để hài hòa với luật pháp quốc tế. Thay vì xem xét những khuyến nghị này, chính phủ đã tiếp tục vũ khí hóa các điều luật này để bắt giữ các nhà hoạt động và nhà báo, vi phạm nghĩa vụ nhân quyền của mình.”
Cũng trong phúc trình, CIVICUS nêu quan ngại về sức khoẻ của nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn, người đang thụ án tù 11 năm ở Trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Biên tập viên của trang Việt Nam Thời báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam có sức khoẻ suy giảm trầm trọng do không được chăm sóc và điều trị y tế đầy đủ trong thời gian bị giam giữ.
CIVICUS cũng nhắc đến bài báo của RFA về trường hợp nhà hoạt động người Khmer Krom Triệu Siêu bị Sóc Trăng từ chối cấp hộ chiếu vì các hoạt động nhân quyền của mình như tham gia phổ biến Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Tuyên bố của Liên Hiệp quốc về Quyền của Người bản địa…
“Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là EU – gần đây đã tổ chức đối thoại nhân quyền với Việt Nam – thúc giục Chính phủ Hà Nội bãi bỏ các luật lệ và quy định đàn áp, bãi bỏ việc truy tố và sách nhiễu các nhà hoạt động và những người khác thực hiện quyền của họ và trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các nhà hoạt động đang bị bỏ tù,” ông Benedict phát biểu.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về cáo buộc của CIVICUS nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.
CIVICUS là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, một liên minh toàn cầu nhằm tăng cường hành động của công dân và xã hội dân sự trên toàn thế giới.
Tổ chức này liên tục xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ có không gian “đóng” với xã hội dân sự- đồng nghĩa với việc nhà nước không tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội.