“Cô có làm sao thì người ta mới thế chứ”

Việc nhà thơ nữ Dạ Thảo Phương tố cáo một vị phó tổng biên tập báo Văn nghệ trẻ (nơi cô từng làm việc) đã hiếp dâm và biến cô thành nô lệ tình dục trong một thời gian đang gây xôn xao trong làng văn nghệ Việt Nam. Tuy nhiên những chuyện này không phải là lạ với những cô gái đang đi làm. Thậm chí người có hành vi quấy rối, sàm sỡ là những vị có chức vụ to hơn rất nhiều so với một phó tổng biên tập tờ báo văn nghệ ở phía Bắc, ở cấp trung ương chẳng hạn. Nhất là đối với các nữ phóng viên mà do công việc thường phải gặp gỡ, tiếp xúc với đủ mọi loại quan chức Việt Nam, ở mọi thứ bậc.

Quan chức hay quấy rối hơn tư chức?

Có sự khác nhau giữa những người đàn ông làm việc trong khối tư nhân và khối nhà nước về cách đối xử với những người phụ nữ của cơ quan khác (với những phụ nữ trong nội bộ thì tôi không biết). Các câu chuyện được chia sẻ với nhau giữa các nữ phóng viên hoặc trong các diễn đàn về chủ đề này tổ chức tại các hội nhà báo hay hội nhóm phụ nữ cho thấy “khối nhà nước” thường xảy ra chuyện này hơn. Có thể vị thế quan chức được giao quyền ban phát những gì người khác cần, quen được người ta cầu cạnh, cũng như thói quen đổi chác, chạy chọt để được việc trong xã hội Việt Nam đã hình thành cho họ ý nghĩ mình có quyền đòi hỏi và cô gái kia muốn có (thông tin, việc làm, một yêu cầu, sự giúp đỡ trong học tập, trong công việc…) thì phải cho đi thân thể. Họ cũng không sợ tố cáo vì – như đã nói, mối quan hệ thiên về một chiều ban phát, trong khi lẽ ra nó phải là sòng phẳng hoặc thực hiện trách nhiệm được luật quy định… khiến các cô gái phải đắn đo khi muốn tỏ thái độ phản kháng mãnh liệt. Vả lại, dân thường tố cáo quan chức ư-như con kiến kiện củ khoai thôi! Củ khoai chỉ lăn qua nhẹ nhàng đã đủ đè bẹp dí con kiến. Lại nữa, chứng cứ đâu? Những vụ sàm sỡ hay quấy rối thường chỉ diễn ra trong không gian kín hai người với nhau, ví dụ phòng làm việc riêng. Hơn thế, nó thường được ngụy trang bằng thái độ trêu đùa hoặc tình cảm thân thiết đồng nghiệp, anh em… nên không dễ để thuyết phục người khác (ví dụ tòa án) đây chính là hành vi quấy rối.

Do vậy, trong phạm vi tôi biết, thường thì các nạn nhân sẽ phản kháng nhẹ nhàng bằng lời nói từ chối, đổi vị trí ngồi cách xa người quấy rối, mở cửa phòng hoặc rủ một đồng nghiệp nam đi cùng mình vào những lần sau để đề phòng sự việc không kiểm soát được.

Cộng thêm với văn hóa một điều nhịn chín điều lành của Việt Nam, thường thì các nạn nhân cũng sẽ nín nhịn hoặc chỉ xả tức giận với bạn bè, đồng nghiệp thân, nếu sự việc chưa đến mức bị cưỡng dâm hay hiếp dâm.

Hình minh hoạ: Những phụ nữ tham gia khoá học làm mẫu chụp hình trên điện thoại di động của bản thân tại một studio ở Hà Nội hôm 2/3/2021. AFP

Phụ nữ nơi làm việc-một hạng mục giải trí?

Có nền văn hóa nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, nơi đã xuất bản cuốn sách về nạn lạm dụng tình dục phụ nữ tại nơi làm việc mang tên “Giới tính và quyền lực trong các công ty Trung Quốc: Người đẹp tại nơi làm việc của tôi”, những người phụ nữ tại nơi làm việc của Việt Nam cũng phải làm quen với những câu bình phẩm trực tiếp và bóng gió của các đồng nghiệp nam về cơ thể và khả năng tình dục của họ, thậm chí với sự tham gia chủ động của các phụ nữ khác. Mỗi công sở hay tư sở thường có các cây hài riêng, có cả phụ nữ nhưng thường là những người đàn ông có tài pha trò, ăn nói linh hoạt, lợi khẩu và thích làm cho người khác cười. Những người này rất được ưu ái trong các bữa tiệc hay giải trí nội bộ, hoặc ở phần sau của các bữa tiệc tiếp đối tác, khi cả chủ và khách đều muốn xả hơi hoặc chứng tỏ sự hài hước của mình. Đề tài dễ được hưởng ứng nhất là các câu chuyện “tiếu lâm mặn”, liên quan đến tình dục, càng thô thiển thậm chí tục tĩu, đặc biệt nếu đó là chuyện của những nhân vật cũng có mặt trong bữa tiệc thì càng được hoan nghênh. Những người phụ nữ ngồi lại đến giai đoạn này của bữa tiệc, nhất là nếu cũng tỏ ý vui vẻ, thích thú hoặc tham gia vào câu chuyện sẽ được phía nam giới đánh giá là “hòa đồng”, “chịu chơi”. Với văn hóa phổ biến tại nơi làm việc của Việt Nam thì đó là lời khen ngợi rất có giá trị, thậm chí nó có thể giúp những phụ nữ này lọt vào mắt xanh của cấp trên, tạo được sự chú ý và nâng đỡ, hay chiếm được cảm tình của đối tác. “Bình hoa di động”-tên gọi thuộc loại tôn trọng nhất của nhiều người đàn ông về đồng nghiệp nữ cũng cho thấy tâm lý xem phụ nữ là một hạng mục giải trí của họ.

Trong các chuyến đi chơi tập thể, team-work của các công tư sở tại Việt Nam ít năm gần đây nổi lên một số trò chơi được đánh giá như thời thượng. Có một số điểm khác nhau nhưng tựu trung tất cả đều có nội dung chính là sự cọ xát thân thể giữa nam và nữ, hoặc các hành động liên tưởng tới hành vi tính dục. Như trò đặt quả bóng vào giữa hai chân người nam và người nữ dùng mông để đập vỡ bóng; trò người nữ luồn quả trứng từ ống quần này qua ống quần kia của người đàn ông đi qua đũng quần, trò người phụ nữ đặt bình sữa em bé giữa ngực và người đàn ông quỳ để bú sữa từ bình… Thô thiển, thậm chí thô tục đến thế nhưng lạ một điều là không ít phụ nữ tham gia rất hào hứng.

Nói cách khác, có lẽ có một thứ tiêu chuẩn kép ngay trong không ít phụ nữ Việt Nam: trong khung cảnh đông người hoặc công khai, họ xem việc đụng chạm và gợi ý tình dục là rất bình thường, thậm chí chủ động tham gia như trò giải trí. Chỉ khi nó đi quá giới hạn (thường đã gần đến việc cưỡng dâm) thì họ mới phản ứng lại. Dễ thấy (và hài hước) là phản ứng này gây ra bất ngờ và khó hiểu cho thủ phạm, vì họ hiểu thái độ “hòa đồng” trước đó của người phụ nữ chính là bật đèn xanh cho các giới hạn cao hơn của sự gần gũi thể xác.

Ở khía cạnh khác, nếu bản thân hoặc con gái họ bị quấy rối tình dục, một số phụ nữ (có thể) sẽ lồng lên như con sư tử cái để bảo vệ con gái mình.  Nhưng nếu chuyện đó xảy ra với người phụ nữ khác, không ít người mặc định chọn góc nhìn cùng phía với những thủ phạm quấy rối là nam giới. Đó là đổ lỗi cho nạn nhân.

Rất dễ tìm thấy ví dụ cho nhận xét này. Quý vị cứ đọc ngay trên mạng xã hội tiếng Việt trong những vụ tương tự mà xem, những bình luận độc ác, sâu cay và hả hê nhắm vào người phụ nữ lại thường xuất phát từ những người phụ nữ khác. Qua đó, họ có thể cảm thấy mình khôn ngoan, đoan trang, đứng đắn hơn các nạn nhân, vì “mình có khêu gợi, lẳng lơ, ăn mặc sexy thế nào thì người ta mới sàm sỡ chứ”. Về phần mình, chính những phụ nữ này không nhận ra họ là một kiểu nạn nhân khác: nạn nhân của chủ nghĩa trọng nam khinh nữ. Nhất là khi họ nhận được sự tán đồng của những người nam giới về  hành vi đó thì trong thâm tâm, những người này tự thấy mình đang được đứng chung với những nam giới ấy, tức cao hơn nạn nhân cùng giới một bậc.

000_FO72T.jpg
Hình minh hoạ: một cuộc thi sắc đẹp Miss Việt Nam năm 2016 ở TPHCM hôm 28/6/2016. AFP

Tiêu chuẩn kép của cả nam giới lẫn phụ nữ

Phức cảm kể trên rất khó dứt bỏ vì quá khứ trọng nam khinh nữ quá nặng của Việt Nam, nơi nó mặc nhiên được xem như một điều luật bất thành văn. Từ gia đình, dòng tộc cho đến trường học, xã hội, nơi làm việc, nó được truyền vào máu cùng với dòng sữa mẹ, ngấm vào cốt tủy của người Việt, đặc biệt ở phía Bắc. Ở góc độ đó, người phụ nữ cũng chính là thủ phạm hoặc đồng lõa của nạn xâm hại tình dục.

Trong nhiều diễn đàn của tuổi trẻ, lâu lâu lại gặp các tâm sự được chia sẻ giấu tên kiểu như “Tôi cũng đã từng trải qua (tình dục với bạn gái), nhưng không bao giờ sống chung, còn vợ sắp cưới của tôi thì đã sống chung với người yêu cũ. Tôi rất yêu cô ấy và muốn cưới cô ấy làm vợ nhưng khi nghĩ đến điều đó tôi lại bị ám ảnh”. Tuy đã giảm mức độ rất nhiều so với thời trước, khi một người con gái mang bầu khi chưa có chồng thì bị cả làng gọt tóc bôi vô, thậm chí thả trôi sông, nhưng những câu hỏi như trên một lần nữa gắn trinh tiết vào đạo đức và phẩm giá của người phụ nữ. Tuy nhiên đàn ông thì vô can; thậm chí anh ta có thể chơi bời với gái điếm hoặc có nhiều người tình một lúc. Có không ít người đàn ông không giấu giếm việc này, miễn là xảy ra trước hôn nhân (hoặc trong hôn nhân nhưng được giấu kín, hoặc chia sẻ với một nhóm đối tượng nào đó) thì ngược lại, anh ta còn được thán phục là người đàn ông già dặn từng trải, và sự chung thủy lẽ ra phải là tiêu chí bắt buộc của cuộc hôn nhân thì được quy thành một phẩm chất cao cả là sự hy sinh.

Lối sống tự do tình dục của một số người như trò đổi vợ đổi chồng, three-some, tình một đêm, sex tập thể… cũng khiến họ không có sự tôn trọng về quyền tự do thân thể của người phụ nữ.

Ở phía khác, có những người phụ nữ chủ động đem thân xác để đổi lấy tiền bạc và ưu đãi, vì đó là phương pháp khá hiệu quả và nhanh chóng.

Cho nên, tôi nghĩ việc các nạn nhân bị xâm hại tình dục lên tiếng về sự việc của họ, cho dù đã trôi qua nhiều năm, vẫn không nên chỉ được xem là một vụ việc riêng lẻ và cá biệt. Cần các nhà xã hội học phân tích một cách sâu sắc và bền bỉ về những nguyên nhân dẫn đến nó để có thể tham vấn cho Chính phủ đề ra các chính sách thay đổi tận gốc, bắt đầu từ chính những người phụ nữ. Tâm lý trọng nam khinh nữ phải bị chính những người mẹ tiêu diệt sạch từ trong gia đình của họ, đến nhà trường, nơi làm việc và xã hội. Nếu không thì có bao nhiêu #metoo hay Dạ Thảo Phương đi nữa cũng chỉ là cơn bão trong tách trà mà thôi.    

_______________

Tham khảo:

https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/nong-tren-mang/da-thao-phuong-to-ptbt-bao-van-nghe-cuong-hiep-gia-dinh-len-tieng-chi-gai-tung-phai-dua-em-di-rua-ruot-nhieu-lan-408319.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Related posts