Ngày 23 tháng Năm năm 2021 là ngày mà Chính phủ Hà Nội tuyên truyền và kêu gọi là ‘Ngày toàn dân đi bầu cử’. Theo đó, cử tri cả nước sẽ đi bầu cử để chọn người ‘đủ đức, đủ tài’ vào Quốc hội khóa 15 và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây được coi là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau Đại hội 13 của Đảng Cộng sản.
Sự kiện này được phía cơ quan chức năng tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng của cả nước. Trong khi đó, trên mạng xã hội xuất hiện những bài viết, những dòng trạng thái tẩy chay kỳ bầu cử này, điển hình là trường hợp Bác sĩ – Trung tá Quân đội Đinh Đức Long ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong bài viết được đăng hôm chín tháng năm, ông Long nêu vài lý do khiến ông từ chối đi bầu, chẳng hạn như ông chưa bao giờ gặp gỡ trực tiếp, hoặc nghe những ứng viên trên thuyết trình về bản thân, cũng như chương trình hành động của họ; ông không biết căn cứ vào đâu để biết những nội dung trong tiểu sử là đúng vì ông chưa bao giờ gặp ứng viên; ông nhận thấy đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khóa 14 không hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân…
Một lý do nữa được ông Long nêu ra, là trong tiểu sử các ứng viên không hề có thông tin nào về tài sản của họ để cử tri có cơ hội giám sát xem họ có dấu hiệu thay đổi quyền sở hữu tài sản từ khi trở thành nghị viên hay không.
Việc công khai tẩy chay bầu cử như vậy, theo tôi, hiện nay hiếm người dám công khai. Đến giờ phút này họ chỉ dùng ‘bài’ khóa nick hoặc xóa bài chứ họ chưa dám đối đầu với tôi. Tôi đang chờ họ đối đầu. Tôi dám kết luận đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM không hoàn thành nhiệm vụ và vi phạm pháp luật và tôi có tài liệu trong tay. – Trung tá Quân đội Đinh Đức Long
Trò chuyện với RFA tối ngày 14 tháng Năm, ông Long cho biết:
“Việc công khai tẩy chay bầu cử như vậy, theo tôi, hiện nay hiếm người dám công khai. Đến giờ phút này họ chỉ dùng ‘bài’ khóa nick hoặc xóa bài chứ họ chưa dám đối đầu với tôi. Tôi đang chờ họ đối đầu. Tôi dám kết luận đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM không hoàn thành nhiệm vụ và vi phạm pháp luật và tôi có tài liệu trong tay. Tôi chỉ cần họ mời tôi lên là tôi cho họ xem. Có lẽ họ ngán tôi chỗ đấy.
Nguy hiểm thì lúc nào chả có. Không có chuyện này thì vẫn nguy hiểm bởi vì khi tôi từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) tôi đã nhận được những tin nhắn dọa giết tôi rồi mà. Máy tôi còn lưu. Một chế độ, một đảng tự nhận là đạo đức, là văn minh, đang muốn tỏ ra hòa hợp hòa giải với những người bên kia chiến tuyến mà lại dọa giết một người từng là đồng chí mấy chục năm chỉ vì người ta khác mình, người ta từ bỏ Đảng. Họ nắn gân mình thôi. Họ thấy mình không sợ thì họ tìm cách khác. Họ có nhiều ‘bài’ lắm.”
Ông Đinh Quang Tuyến, một người hoạt động dân chủ trong nước cho biết ông sẽ không đi bầu cử vì ông không công nhận chính thể hiện nay:
“Đơn giản thôi. Đến tận giờ này tôi vẫn có một lập trường rất rõ ràng là tôi không thừa nhận tên nước CHXHCNVN. Tôi coi mình là một người bị một nhóm cai trị nên tôi tuyệt giao hết mức có thể.
Mình là người bị trị thì đương nhiên mình phải ở trong lồng của nó thôi, nhưng mình không thừa nhận tính chính danh của nó. Không thừa nhận chính thể. Không thừa nhận Quốc hội luôn. Họ muốn bầu bán gì đó là chuyện không quan trọng với tôi. Cái quan trọng số nột của tôi – một nạn nhân – là đòi lại tự do. Chừng nào bình đẳng thì mới đi bầu được. Còn bây giờ họ coi tôi ở một đẳng cấp hoàn toàn khác thì không thể nào đi bầu được.”
Trước Đại hội 13 của ĐCSVN, Ban tuyên giáo Trung ương cho ra đời một trang tin với mục đích được nói nhằm giúp người dân hiểu đúng hơn đường lối, quan điểm xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển đất nước. Đồng thời đó cũng là nơi trao đổi, tiếp nhận và phản hồi ý kiến của các tổ chức chính trị – xã hội, các cán bộ lão thành, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, kiều bào, các tầng lớp nhân dân. Song song đó, báo Quân đội nhân dân vào cuối tháng ba đã đăng loạt bài “Vạch trần chiêu trò đòi “dân chủ” vô nguyên tắc trong bầu cử” ở chuyên mục “Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”.
Mới đây, tại phiên họp thứ 12 của Uỷ ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị cơ quan chức năng xử nghiêm việc lên mạng nói xấu các ứng cử viên.
Với tư cách là một cử tri, ông Phạm Công Út cho biết từ sau 1975 đến nay ông chưa một lần đi bầu cử. Ông Út giải thích lý do:
“Tôi tin tưởng tuyệt đối vào chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước. Đảng và Nhà nước chọn ai thì cứ chọn chứ là từ hồi giải phóng tới giờ tôi đâu có đi bầu. Đã có Đảng và Nhà nước. Họ đã đưa ai ra làm một vị trí nào đó trong cơ quan dân cử thì chắc là tốt rồi. Tôi đi bầu làm gì nữa.
Ví dụ chưa bầu Thủ tướng thì đã có Thủ tướng mới. Chưa bầu Chủ tịch nước thì đã có Chủ tịch nước mới. Việc bầu cử có thể chỉ là việc hợp thức hóa các chức danh của Đảng, Nhà nước thôi.”
Điều 27 hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.
Như vậy, quyền bầu cử tức là quyền của công dân. Trong Luật bầu cử cũng như trong Hiến pháp 2013 không có quy định là phải đi bầu hay không. Do đó, nếu người dân thấy cần thiết thì họ sẽ tự động thực hiện quyền này bằng cách đi bỏ phiếu vào ngày 23 tới đây.
Tôi tin tưởng tuyệt đối vào chính sách, đường lối của đảng và Nhà nước. Đảng và Nhà nước chọn ai thì cứ chọn chứ là từ hồi giải phóng tới giờ tôi đâu có đi bầu. Đã có Đảng và Nhà nước. Họ đã đưa ai ra làm một vị trí nào đó trong cơ quan dân cử thì chắc là tốt rồi. Tôi đi bầu làm gì nữa. – ông Phạm Công Út
Liên quan đến chuyện ứng cử, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội. Quy định không cho thấy có giới hạn tuổi hay tình trạng sức khỏe cho ứng cử viên.
Tuy vậy, một người tự ứng cử vào Quốc hội khóa 15 đã bị loại với lý do liên quan tuổi tác. Đó là Giáo sư Nguyễn Đình Cống. Ông cho biết, “người ta cứ nại vô sức khỏe. Họ nói như thế nhưng thực chất thì không phải. Đấy chỉ là cái cớ thôi. Thực chất là người ta tìm cách loại tôi”.
Tính đến ngày hai tháng tư năm 2021, Thành phố Hà Nội có 72 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15. Trong đó, sáu người có đơn xin rút và một người bị công an bắt tạm giam để điều tra. Tổng số hồ sơ người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội khóa 16 là 188. Trong đó, 11 người có đơn xin rút.