Mang tính hình thức
Một số người cho rằng, việc học quân sự bắt buộc dành cho các sinh viên đại học, trung học từ nhiều năm qua chỉ mang tính hình thức, bởi số giờ học quá ít. Nhưng các trường vẫn bắt học sinh học vì nhiều lý do. Trong đó có lý do chính trị. Giảng viên Phạm Minh Hoàng nêu quan điểm của ông với RFA vào ngày 17 tháng 1 năm 2023:
“Đối với tôi, dạy cho sinh viên về tổ chức xã hội, kỹ năng nói chuyện trước công chúng hoặc cứu thương là những cái cần thiết trong cuộc sống hàng ngày”.
Về học quân sự, theo giảng viên Phạm Minh Hoàng thì học một, hai tuần với cách chạy, bò, cầm súng…là không thiết thực, chỉ là hình thức.
Ông Hoàng cũng cho rằng, trong khi học quân sự, chắc sinh viên cũng được dạy về chính trị. Tuy nhiên, theo ông, ở Việt Nam, học chính trị là học về lịch sử Đảng, học tư tưởng Mác-Lê. Trong khi đó, điều lệ của nhà trường là không được đưa chính trị vào nhà trường. Đó là điều bắt buộc. Nhưng mà học về Đảng Cộng sản thì được. Ông nói thêm:
“Nhưng cấm sinh viên bàn luận về chính trị thì đó là điều vớ vẩn. 18 tuổi là sinh viên đã có sự chọn lựa bầu cho đảng nào rồi. Ở Việt Nam thì không được bàn luận về chính trị, từ chính trị Mác-Lê.”
Quá lãng phí
Một số khác mà RFA có dịp trò chuyện cho rằng, việc bắt buộc sinh viên học quân sự là một cách góp phần nuôi sống lãnh đạo quân đội và Bộ quốc phòng. Có thể nêu ví dụ từ thông báo về việc học Giáo dục quốc phòng – an ninh năm học 2021-2022 cho sinh viên bậc Cao đẳng, Liên thông cao đẳng và Trung cấp, đăng trên trang web của trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin TP.HCM hôm 12 tháng 3 năm 2022. Theo thông báo này, ngoài mức học phí tùy theo thời gian khóa học tại Trường Quân sự Quân đoàn 4, học sinh sinh viên phải đóng tiền ăn trực tiếp cho trường quân sự này theo chế độ tiền ăn của chiến sỹ bộ binh và ăn tại nhà ăn tập thể theo mức 65.000đ/người/ngày).
Khi được hỏi về vấn đề này, nhà báo Võ Văn Tạo, một cựu quân nhân nêu quan điểm của ông với RFA:
“Theo ý kiến cá nhân của tôi, việc học quân sự của sinh viên nên để sinh viên tự nguyện. Ai thích thì học, không thích thì thôi. Cái đấy chẳng qua là đề phòng đột xuất. Nếu có chiến tranh bất ngờ thì ít nhất lực lượng vũ trang sẽ được bổ sung trong đội ngũ sinh viên học sinh. Lực lượng này có thể cần súng bảo vệ tổ quốc được ngay. Nhưng đó là việc hạn hữu.
Ai muốn đi học thì đi, nhà nước phải đảm nhiệm theo nguyện vọng cá nhân sinh viên và gia đình họ. Nhà nước cho sinh viên học theo nguyện vọng thì có lợi cho nhà nước khi xảy ra sự biến với quốc gia. Các trường đại học áp dụng chế độ học quân sự bắt buộc thì tôi thấy vô cùng lãng phí. Nó tạo ra một sự giả dối, nói dối lẫn nhau trong xã hội. Bỏ rất nhiều nguồn lực vào đấy nhưng lại không giải quyết được cái gì cả mà lãng phí thời gian, thậm chí xảy ra những chuyện không hay ho gì.”
Cùng ý kiến với nhà báo, cựu quân nhân Võ Văn Tạo, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ viết trên facebook cá nhân của ông rằng (chúng tôi xin trích đăng):
“Cũng như tất cả các chương trình giáo dục khác của quốc gia, giáo dục quốc phòng của Việt Nam đang bị khủng hoảng nặng, nó trở thành một chương trình vô bổ và lãng phí – lãng phí thời gian, công sức, và tiền bạc. Để cải cách nó, cải cách giáo dục, cũng như những lĩnh vực khác, Việt Nam cần những lãnh đạo quốc gia mới, hiểu biết, có trách nhiệm, và có năng lực hơn. Những lãnh đạo tiềm năng này không khó để tìm trong nhân dân, nhưng muốn đưa họ lên vị trí dẫn dắt quốc gia để thực hiện một cuộc cải cách lớn, đất nước buộc phải có một cuộc bầu cử tự do để chọn ra họ và trao cho họ trách nhiệm…”
Hiện nay, học sinh trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề phải học quân sự, gọi là môn học Giáo dục quốc phòng, tại trường. Phương pháp học môn này do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định phù hợp với điều kiện cụ thể của ngành và từng địa phương. Sinh viên các trường cao đẳng, đại học học môn Giáo dục quốc phòng tại trường hoặc tại các Trung tâm Giáo dục quốc phòng.
Việc phân bổ sinh viên đến học tại các Trung tâm Giáo dục quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Sinh viên học đủ nội dung, chương trình Giáo dục quốc phòng, đủ điểm kiểm tra, thi học phần theo quy định sẽ được cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ về Giáo dục quốc phòng.
Tại Điều 2, Nghị định số 5/2001/NĐ-CP về giáo dục quốc phòng nêu rõ: Giáo dục quốc phòng thuộc nội dung của nền giáo dục quốc gia, là nội dung cơ bản trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa.