Khi trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội sáng ngày 11/11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra đề nghị đưa ‘dạy thêm’ vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện… khi nhiều vấn đề nóng của ngành giáo dục bị nêu lên như thực trạng dạy thêm, học thêm; chất lượng sách giáo khoa; học sinh thiếu thiết bị học tập…
Các Đại biểu Quốc hội cho rằng, vấn đề dạy thêm học thêm dù bị nghiêm cấm, nhưng ngay cả trong dịch bệnh, tình trạng học thêm – dạy thêm vẫn diễn ra.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đồng tình việc dạy thêm học thêm khi bình thường đã cần phải ngăn chặn, đặt biệt khi học trực tuyến, học sinh căng thẳng hơn nên việc dạy thêm là cần lên án. Ông Sơn hứa sẽ tăng cường thanh tra kiểm tra để ngăn chặn việc này.
Tuy nhiên sau đó ông Sơn lại giải thích, trước đây Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông tư quy định việc dạy thêm và học thêm, nhưng nếu đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì mới điều tiết được.
Các chuyên gia giáo dục nói gì về đề xuất ‘Đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện’… trong khi cứ loay hoay tìm cách để cấm giáo viên dạy thêm.
Theo tôi việc dạy thêm học thêm nói đúng ra là không cấm được, mà muốn quản lý cũng không hề dễ. Nó phụ thuộc các địa phương có nghiêm túc hay không? Các Thầy Cô có nghiêm túc việc đó hay không?
-Thầy Đỗ Việt Khoa
Thầy Đỗ Việt Khoa, người từng nhiều lần lên tiếng chống tiêu cực trong ngành giáo dục, hiện đang giảng dạy tại Trường Trung học Phổ thông Thường Tín, Hà Nội, khi trả lời RFA hôm 12/11, nhận định:
“Theo tôi việc dạy thêm học thêm nói đúng ra là không cấm được, mà muốn quản lý cũng không hề dễ. Nó phụ thuộc các địa phương có nghiêm túc hay không? Các Thầy Cô có nghiêm túc việc đó hay không? Chứ tôi thấy nhiều giáo viên rất tham lam, ép học sinh học thêm để kiếm tiền, ngay cả những vấn đề đơn giản cũng vẽ ra dạy thêm, làm lãng phí thời gian tiền bạc của người dân. Cũng cần có biện pháp chấm dứt việc dạy thêm trái phép như thế. Thế nhưng đưa vô ngành nghề có điều kiện thì cũng rất là khó, bởi vì lâu nay giáo viên dạy thêm ở nhà một số cháu chừng một chục em thôi… rồi bây giờ bắt người ta thế nào là không hề dễ, đánh thuế cũng không hề đơn giản.”
Vì vậy Thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng, quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn muốn đưa dạy thêm học thêm vào quản lý có điều kiện, là không dễ thực hiện trong thời điểm này. Thầy Khoa giải thích thêm:
“Thật ra Bộ trưởng Bộ Giáo dục thấy dư luận bức xúc chuyện dạy thêm học thêm, nên muốn quản lý… nhưng muốn quản lý rất khó. Chưa kể quyền lực của Bộ trưởng không với đến được các trường phổ thông đâu. Trong khi dạy thêm học thêm chủ yếu diễn ra ở cấp phổ thông. Cho nên muốn cũng không được, quan trọng địa phương có muốn hay không, hay sự tự giác của giáo viên… Chứ ai giám sát nổi khi họ dạy kín đáo, vụng trộm… Vừa rồi có một số địa phương rình bắt giáo viên dạy thêm, rồi xông vào nhà, việc đó sỉ nhục ngành giáo dục quá. Theo tôi cứ tạm thời để như hiện nay, chỉ yêu cầu chúng ta không ép học sinh học thêm, đặt biệt là khi học online, chứ lúc này không có giải pháp nào triệt để cho vấn đề đâu.
Cũng tại buổi chất vấn hôm 11/11, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long cho biết ông hiểu và đồng tình quan điểm của ngành giáo dục về vấn đề dạy thêm học thêm là phải cấm, vì lợi ích của các em học sinh. Nhưng ông Long cho rằng nếu chỉ cấm thì chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề.
Ông Nguyễn Công Long nói: “Chúng ta tiếp cận vấn đề dạy thêm như một vấn nạn của xã hội và xử lý theo cách là cấm. Có nơi còn tổ chức mật phục bắt quả tang giáo viên dạy thêm, đưa lên báo chí. Cách ứng xử với các nhà giáo như vậy không phù hợp. Tôi cho rằng không nên có tư duy như cũ, cái gì không quản được thì cấm.”
Một học sinh cấp trung học khi trả lời RFA TV mới đây cho biết ý kiến của mình về chuyện dạy và học thêm:
“Em nghĩ nếu học thêm, dạy thêm mà coi nó như một tệ nạn thì không đúng lắm, nói như vậy là gây mất đoàn kết và quy chụp. Vì có nhiều giáo viên trong lớp không đủ giờ cung cấp cho học sinh những kiến thức cần thiết nên người ta có những giờ dạy thêm để bổ sung thì cũng tốt… Tuy nhiên cũng có vài giáo viên lợi dụng sự cắt giảm tiết để lấy thêm thu nhập, cái đó cũng không đúng. Mọi thứ đều có hai mặt của nó, nhưng nếu chỉ nhìn vào mặt xấu để cấm thì không hợp lý.”
Thật ra Bộ trưởng Bộ Giáo dục thấy dư luận bức xúc chuyện dạy thêm học thêm, nên muốn quản lý… nhưng muốn quản lý rất khó. Chưa kể quyền lực của Bộ trưởng không với đến được các trường phổ thông đâu.
-Thầy Đỗ Việt Khoa
Theo Thầy Đỗ Việt Khoa, nguyên nhân chính của dạy và học thêm là xuất phát từ nhu cầu thật của học sinh. Ông nếu ví dụ chương trình toán ở trường chỉ có bốn tiết/tuần, thời gian đó không thể đủ được. Trong khi ở ngoài theo Thầy Khoa, phải dạy thêm gấp đôi thời lượng này thì mới chuyển tải được hết kiến thức toán cho học sinh để các em trở thành học sinh giỏi và có thể thi được đại học. Đây là nhu cầu thi vào đại học nên buộc học sinh phải ôn luyện… Trừ khi các học sinh có khả năng tự học thì các em không cần đến lớp học thêm.
Một phụ huynh ở Sài Gòn không muốn nêu tên khi trả lời RFA cho biết:
“Ai cũng muốn con mình được vô học trường tốt. Tại vì nhu cầu của phụ huynh là đều muốn con mình được điểm cao nên mới cho con đi học thêm và vô tình giống như một cái vòng lẩn quẩn. Trong trường nói chung bây giờ không giống như trước đây. Không có chuyện học giáo viên nào ở trường thì phải học thêm với giáo viên đó ở nhà. Như ở trường con tôi đang học là như thế. Còn những trường khác thì tôi không biết.”
Một số giáo viên trên mạng xã hội cho rằng, nếu như có sự phối hơp từ chương trình, từ giám sát, từ sự công khai minh bạch, từ lòng người bớt tham lam, biết hy sinh và truyền đạt cho học sinh những kiến thức tốt nhất thì câu chuyện về dạy thêm và học thêm sẽ giảm được.
Trong khi đó, một Thầy giáo về hưu ở Hà Nội khi trả lời RFA cho rằng, chuyện dạy thêm, học thêm là một đòi hỏi tất yếu trong quá trình dạy và học:
“Từ ngày xưa khi sinh ra nhà trường thì đã có chuyện dạy thêm, học thêm rồi. Bởi vì trong một lớp thì trình độ không ngang nhau và mỗi loại học sinh họ có những đòi hòi khác nhau, cho nên luôn luôn có nhu cầu học thêm và dạy thêm. Chuyện cấm dạy thêm thì tôi thấy rất buồn cười, vì cái ấy nó đi trái với quy luật của cuộc sống. Cái mà làm cho việc dạy thêm, học thêm mang tiếng xấu, là do một số người đã dùng quyền để rồi ép họ trò học thêm, mà cái đó là một hình thức bắt các em phải đóng một số tiền hàng tháng. Cái đó thì phải cấm và cương quyết cấm.”
Theo Nhà giáo này, quan trọng nhất là phải nâng cao tính liêm sỉ, nâng cao lòng tự trọng cho giáo viên; nhà nước phải định hướng nghề nghiệp và có một cuộc vận động làm sao để cho nhân dân chú trọng đến thực tài, chú trọng đến khả năng thực tế để đáp ưng nhu cầu của cuộc sống… Có như thế thì việc học thêm và dạy thêm cũng sẽ giảm xuống.