Có thể đòi lại khoản phí phi lý mà người về trên các chuyến bay “giải cứu” buộc phải trả?

Kết luận điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Bộ Công an hôm 4 tháng 4 vừa qua cho thấy, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 54 bị can liên quan đến vụ án “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về.

Trong số này có 21 người là cựu lãnh đạo cấp cao, quan chức các bộ, ngành, tỉnh, thành phố bị đề nghị truy tố tội “nhận hối lộ”. Có thể kể, hai Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và Vũ Hồng Nam; ông Nguyễn Quang Linh (Trợ lý Phó thủ tướng Phạm Bình Minh); ông Nguyễn Thanh Hải (Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế thuộc Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Thị Hương Lan (Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Chử Xuân Dũng (Phó chủ tịch UBND Hà Nội).

Dư luận nêu câu hỏi, một khi xác định rõ hành vi đưa và nhận hối lộ giữa doanh nghiệp và quan chức trong việc tổ chức các chuyến bay giải cứu thì những người phải mua vé giá cao có quyền được yêu cầu bồi thường hay không, hoặc họ sẽ nhận được khoản tiền chênh lệch hoàn lại khi vụ án kết thúc hay không?

Tôi cho rằng phải đợi phiên tòa diễn ra coi quá trình điều tra như thế nào… Nhưng về mặt nguyên tắc, những người bị hại này sẽ được bồi thường bởi khoản tiền họ bỏ ra nó không đúng với giá trị được hưởng. Lẽ ra họ chỉ phải bỏ ra chỉ có 10 đồng, nhưng bắt họ trả tới 20 đồng thì phải bồi hoàn chênh lệch cho người ta. – Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói với RFA nhận định của ông:

“Tôi cho rằng phải đợi phiên tòa diễn ra coi quá trình điều tra như thế nào. Những khoản tiền này có phải là khoản tiền mà hai bên có thỏa thuận, hay là những người có thẩm quyền người ta ép phải mua cái giá đó. Mình phải đợi kết luận của cơ quan điều tra. Tôi cho là những cán bộ công chức có thẩm quyền làm như vậy là vi phạm pháp luật và dư luận người ta không đồng tình, bởi vì trong thời gian dịch bệnh như vậy mà lại biến những chuyến bay nhân đạo thành cơ hội để tham nhũng. Phải xử lý thật nghiêm vụ này.

Nhưng về mặt nguyên tắc, những người bị hại này sẽ được bồi thường bởi khoản tiền họ bỏ ra nó không đúng với giá trị được hưởng. Lẽ ra họ chỉ phải bỏ ra chỉ có 10 đồng, nhưng bắt họ trả tới 20 đồng thì phải bồi hoàn chênh lệch cho người ta.”

Trong buổi tọa đàm “Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế” được tổ chức ngày 7 tháng 12 năm 2021, TS. Lương Hoài Nam cho hay, ông có người bạn phải chi trả một gói “combo về nước” có giá 150 triệu đồng từ Hoa Kỳ. Trước đó, một người quen khác của ông đã phải bỏ ra số tiền 240 triệu đồng để được hồi hương. Trong khi giá vé chính thức được công bố lúc đó chưa đến 40 triệu đồng.

Luật sư Đặng Trọng Dũng nêu quan điểm của ông với RFA:

“Dĩ nhiên nói theo ngôn từ pháp luật thì đó là những người bị hại. Về mặt nguyên tắc, trong luật tố tụng Việt Nam có trường hợp gọi là ‘bị đơn dân sự’. Do đó, những người bị thiệt hại này có thể yêu cầu đòi bồi thường. Nhưng mà để cũng cố những số liệu thì theo tôi nó là chuyện khó, bởi vì nhiều khi người ta mua vé với giá cao là một chuyện. Để mua được những tấm vé đó thì có thể người ta phải chi thêm những khoản khác mới mua được.

Về mặt giấy tờ thì họ chỉ vì cái giá được công bố thôi, rất khó chứng minh thiệt hại. Tôi không biết cơ quan điều tra họ làm cách nào để họ tính ra được con số thiệt hại.”

5bbf77cf5f5ba305fa4a-1645273350478.jpg
Một chuyến giải cứu công dân về nước. Photo: cand.com.vn

Vụ án các chuyến bay giải cứu được cho là nguyên nhân khiến Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phải thôi chức. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng phải từ chức vì chịu trách nhiệm cho những sai phạm của cấp dưới. Thông báo của Ban chấp hành Trung ương tại cuộc họp bất thường hôm 17 tháng 1 năm 2023 cho hay, ông Phúc phải chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai Phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Việc tổ chức chuyến bay giải cứu được cho là thực hiện chủ trương nhân đạo, thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ trong công tác bảo hộ công dân. Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ chính là bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài và quản lý danh sách công dân đăng ký nhu cầu về nước.

Việc nhận hối lộ hàng trăm tỷ đồng để “giải cứu” công dân khiến các chuyến bay mất đi mục tiêu ban đầu được nói là chủ trương nhân đạo. Hơn nũa, đó còn là trách nhiệm của một chính phủ với công dân của mình. Vậy những công dân này sẽ được bồi thường ra sao?

Một luật sư không muốn nêu tên vì an toàn, nói với RFA sáng ngày 6 tháng 4 năm 2023:

“Về mặt pháp lý thì họ là những người bị hại trong vụ án. Và với tư cách là người bị hại thì họ có quyền yêu cầu đòi bồi hoàn lại số tiền mà họ bị thiệt hại. Cho nên, nếu trong quá trình tố tụng và khi đưa những quan chức đó ra xét xử mà không tính đến chuyện bồi hoàn thiệt hại cho những người bị hại, tức là những công dân trên các chuyến bay giải cứu đó thì đó là một sự thiếu sót rất lớn.

Không thể nói đây là sự thỏa thuận giá cả được, bởi trong hoàn cảnh đại dịch, có những người buộc phải trở về quê hương vì nhiều lý do như không còn nguồn sống ở nươc sở tại, phải về VN chữa bệnh, visa hết hạn…

Hơn nữa, việc lo cho dân trở về an toàn là việc chính phủ Việt Nam phải làm. Không thể đem dân ra làm nguồn thu lợi bất chính như vậy được. Dùng mục đích nhân đạo để kiếm lợi hàng trăm tỷ đồng thì phải trả lại tiền cho người ta, những nạn nhân trong vụ án.”

Luật sư này nói thêm, nếu cơ quan điều tra không xác định các công dân về nước là người bị hại hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án này thì rất khó để xác định trách nhiệm hoàn trả tiền cho các công dân này.

Hơn nữa, việc lo cho dân trở về an toàn là việc chính phủ Việt Nam phải làm. Không thể đem dân ra làm nguồn thu lợi bất chính như vậy được. Dùng mục đích nhân đạo để kiếm lợi hàng trăm tỷ đồng thì phải trả lại tiền cho người ta, những nạn nhân trong vụ án. – Một luật sư

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cho đến tháng 12 năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức hơn 1000 chuyến bay, gọi là những chuyến bay giải cứu hay chuyến bay hồi hương, để đưa gần 200 ngàn công dân Việt Nam từ 62 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu trở về nước.  

Thủ tướng Chính phủ lúc đó, ông Nguyễn Xuân Phúc, là người yêu cầu tổ chức chuyến bay giải cứu theo tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau. Tổ công tác các chuyến bay giải cứu gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải.

Trong đó, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) sẽ phê duyệt hoặc từ chối kế hoạch tổ chức chuyến bay (số lượng, tần suất chuyến bay, doanh nghiệp thực hiện, nơi cách ly, người dự kiến về…) trên cơ sở đề xuất của Bộ Ngoại giao.

Related posts