Công an tỉnh Đắk Lắk đã đe doạ vợ tù nhân lương tâm Đặng Đăng Phước do bà đã đăng tải các thông tin về ông trên mạng xã hội.
Hơn hai tháng sau khi bắt giữ giảng viên cao đẳng âm nhạc Đặng Đăng Phước với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, ngày 18/11, Cơ quan An ninh điều tra của Công an tỉnh Đắk Lắk đã làm việc với vợ ông là bà Lê Thị Hà.
Bà Hà, giáo viên một trường tiểu học ở thành phố Buôn Ma Thuột cho phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết, trong buổi làm việc, điều tra viên Nguyễn Hữu Tào đã truy hỏi lý lịch ba đời của bà. Sau đó, người này đưa ra trang Facebook Hà Lê và hỏi bà rằng đấy có phải là trang của bà không.
Bà kể người này đe doạ bà như sau:
“Công an nói trang Facebook này trước đây không đăng bài không nói gì nhưng từ khi anh Phước bị bắt thì bắt đầu đăng rồi chia sẽ những bài mà không nên chia sẻ.
Họ đe doạ rằng nếu còn chia sẻ bài viết lên Facebook thì họ sẽ báo lên Sở Giáo dục và Sở sẽ làm việc với trường rồi trường sẽ làm việc với cá nhân em.”
Bà Hà cho biết phía công an ngầm cảnh báo bà có thể bị đuổi ra khỏi ngành giáo dục nếu tiếp tục đưa tin về chồng mình hoặc chia sẻ bài viết về tình hình xã hội Việt Nam.
Trong buổi làm việc có mặt của một cán bộ về an ninh mạng, công an cũng đặt máy ghi âm và ghi hình nhằm khủng bố bà cũng như sử dụng làm tư liệu để chống lại bà hoặc chồng bà sau này, bà Hà nói.
Trong những tuần gần đây, công an Đắk Lắk đã mời một số Facebooker ở địa phương lên để tra hỏi về quan hệ với ông Đặng Đăng Phước.
Người gần đây nhất bị mời làm việc là ông Bùi Văn Châu Tuấn, một dân oan có liên hệ với giảng viên âm nhạc để nói lên nỗi oan khuất của gia đình mình.
Gia đình ông Tuấn có cho một người quen, là cán bộ địa phương, mượn đất đế tạm trú. Tuy nhiên, không hiểu bằng cách nào người này làm được sổ đỏ của mảnh đất và từ chối trả lại đất cho gia đình ông cho dù gia đình ông có đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sử dụng mảnh đất này.
Sau khi bị toà án địa phương ra quyết định bất lợi cho gia đình ông thì bố ông đã mất vào cuối năm 2021 vì uất ức.
Trong buổi làm việc với cơ quan an ninh điều tra của công an tỉnh Đắk Lắk về nội dung “Làm, tàng trữ, phát tán tài liệu, hoặc thông tin tuyên truyền tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam” vào ngày 02/12, ông Tuấn bị xoáy hỏi về việc giao tiếp với ông Phước.
“Nói chung là họ hỏi em có quen biết với thầy giáo Đặng Phước không. Em kêu có bởi vì nhà em bị oan. Sau khi phiên toà xử xong em xém chút nhảy lầu rồi.
Sau đó em biết thầy Đặng Phước trên Facebook. Em nhắn qua Messenger để xin số rồi gặp thầy Phước để giúp em viết bài nói lên nỗi oan ức của nhà em.
Họ hỏi em gặp nhau bao lần, uống cà phê bao lần rồi. Em nói gặp hai ba lần gì đó, em cũng không nhớ, gặp ở nhà thầy Phước.”
Bà Huỳnh Thị Kim Nga, vợ tù nhân lương tâm Ngô Văn Dũng, cũng đã bị công an triệu tập để tra hỏi về việc sử dụng Facebook của thầy giáo Phước.
Ông Phước, 59 tuổi, là giảng viên âm nhạc của trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Trước khi bị bắt vào đầu tháng 9 vừa qua, ông thường xuyên lên tiếng trên Facebook về nhiều vấn đề của đất nước, trong đó có vấn nạn giáo dục, vi phạm nhân quyền, tiêu cực của quan chức và bất công trong xã hội.
Trong bài cuối cùng trên tài khoản Facebook Đặng Phước có hơn 6.000 người theo dõi, ông viết về vụ bắt giữ nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm theo cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” trong ngày 7/9, phê phán công an Đà Nẵng hành xử thô bạo và thiếu nhân tính đối với nhà hoạt động này.
Dẫn nguồn tin từ Công an tỉnh Đắk Lắk, truyền thông Nhà nước cho rằng “từ năm 2019 đến nay, Đặng Đăng Phước đã lợi dụng mạng xã hội Facebook thường xuyên biên soạn, đăng tải nhiều bài viết, video clip có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”