Một số cựu tù chính trị và thân nhân tù nhân lương tâm (TNLT) bày tỏ sự quan ngại khi nhà riêng của họ bị giám sát bởi camera do công an địa phương lắp đặt, đặc biệt khi có thông tin nhóm tin tặc bán dữ liệu nhạy cảm của người dân thu được từ camera trên mạng xã hội.
Gần đây, một số tờ báo Nhà nước đưa tin về các nhóm tin tặc Việt Nam kiếm tiền bằng hình thức rao bán các tài khoản truy cập vào các trang web liên kết với hàng trăm camera từ nhiều phòng ngủ, thay đồ, nhà vệ sinh, quán spa, massage… của người dân.
“Nhóm chuyên hack video từ camera siêu kín của các gia đình, cửa hàng ở Việt Nam. Tất cả đều là những khóc khuất, những cảnh nóng bỏng của các gia đình,” VnExpress dẫn lại một quảng cáo trên mạng xã hội Telegram.
Tuy nhiên, đối với những nhà bất đồng chính kiến và thân nhân của những tù nhân chính trị, việc công an lắp camera an ninh chĩa thẳng vào nhà họ còn nhằm theo dõi nhất cử nhất động, khiến họ cảm thấy quyền riêng tư bị xâm phạm.
Bà Lê Thị Hà hiện đang sinh sống ở phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là trường hợp mới nhất bị lắp camera theo dõi. Bà là vợ của TNLT Đặng Đăng Phước, nguyên giảng viên âm nhạc trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” hồi đầu tháng 6 với mức án tám năm tù giam và bốn năm quản chế.
Bà nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong tin nhắn ngày 18/12:
“Hàng xóm lén cho tôi biết an ninh địa phương xuống lắp camera vào ngày 15/12. Camera được lắp ở hiên nhà hàng xóm đối diện với nhà tôi, và chĩa thẳng vào nhà tôi.”
Phóng viên gọi điện cho Công an phường Tân Lợi để hỏi về thông tin lắp đặt camera gần tư gia của bà Hà nhưng người trực điện thoại đề nghị phóng viên đến trụ sở của cơ quan. Chúng tôi gọi điện cho Công an tỉnh Đắk Lắk để hỏi về vụ việc nhưng không ai nghe máy.
Bà Nguyễn Thị Châu, vợ của TNLT Nguyễn Ngọc Ánh cho RFA biết công an huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã lắp đặt hai camera chĩa thẳng vào nhà bà từ mấy năm nay, sau khi chồng bà bị bắt và bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước.”
Trong tin nhắn ngày 18/12 với RFA, bà cho biết không có sự cải thiện nào về việc này dù đã lên tiếng than phiền:
“Tôi lên khiếu nại thì họ nói là lắp đặt để chống tệ nạn. Tôi yêu cầu không được chĩa vào nhà tôi thì họ hứa sẽ lên chỉnh lại nhưng họ không chỉnh lại mà cứ để theo dõi gia đình tôi trong ba năm qua.”
Ông Lê Quý Lộc vừa rời nhà tù hồi đầu tháng 9 sau bản án năm (05) năm tù về tội danh “phá rối an ninh” và hiện bị quản chế hai năm tại phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi cho RFA biết, cổng nhà ông hiện nay có một camera chĩa vào.
Camera này được lắp ở nhà một người hàng xóm làm công an viên trong xã khoảng 10 ngày trước khi ông rời khỏi trại giam.
Khi ông chất vấn thì người hàng xóm nói, camera có mục đích phòng chống trộm chứ không nhằm vào cựu tù chính trị.
Tuy nhiên, ông cho biết công an địa phương mới đây xuống ngõ nhà ông để khảo sát và lắp thêm một camera mới.
Quan ngại về vi phạm thông tin cá nhân
Lo lắng trước việc bị xâm phạm quyền riêng tư đối với hình ảnh cá nhân của bà và gia đình, bà Nguyễn Thị Châu tìm mọi cách để vô hiệu hoá hoặc giảm khả năng hoạt động của hai camera bằng cách sử dụng lưới màu đen để che cổng và tường rào nhà mình.
Phóng viên gọi điện nhiều lần vào số máy của Công an huyện Bình Đại, Bến Tre để hỏi về việc này nhưng không có ai trả lời.
Bà Lê Thị Hà- hiện đang là giáo viên của một trường mẫu giáo, thì cho biết:
“Việc thu thập hình ảnh từ camera sẽ bị tung lên mạng hay nhằm mục đích nào khác thì tôi chưa rõ. Tuy nhiên bằng việc bắt camera chĩa thẳng vào nhà tôi cho thấy sự riêng tư của tôi đang bị xâm phạm và ngoài ra nó còn thể hiện việc an ninh muốn giám sát chặt chẽ lịch trình sinh hoạt của tôi một cách sát sao.”
Ông Lê Quý Lộc cũng bày tỏ sự lo ngại về việc mình bị kiểm soát, tuy nhiên, ông cũng chưa tìm ra cách đối phó vì chính quyền vin vào cớ quản trị an ninh công cộng và trật tự xã hội trong việc lắp đặt camera.
Hồi tháng 2/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt đề án của Bộ Công an với kinh phí 2.150 tỷ đồng nhằm lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông trên khắp cả nước nhằm phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính.
Không rõ việc lắp các máy quay hình giám sát hướng vào nhà của những người bất đồng chính kiến có nằm trong đề án này hay không.
Báo Đắk Lắk điện tử ngày 13/12 đưa tin Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng thông báo trong thời gian tới, thành phố sẽ lắp trên 100 camera an ninh, trong đó sẽ lắp đặt một số camera nhận diện khuôn mặt để giám sát an ninh trật tự ở địa phương.
Theo đó, hệ thống camera giám sát an ninh trật tự ở phường, xã sẽ kết nối về Trung tâm giám sát Công an phường, xã, Công an thành phố và Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh của tỉnh.
Đến nay, thành phố Buôn Ma Thuột đã hoàn thành giai đoạn 1, kết nối 454 camera tại các phường, xã về giám sát tập trung tại các cơ quan trên để theo dõi, giám sát các nơi công cộng, tuyến đường giao thông trọng điểm.
Theo trang điện tử của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bến Tre thì thị trấn Bình Đại nơi có nhiều mô hình quản trị an ninh và trật tự công cộng. Chương trình “Camera an ninh” từ năm 2018 đã có 45 điểm lắp đặt với 345 camera.
Trong một bài viết trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an hồi năm ngoái khẳng định, việc lắp đặt camera giám sát an ninh trật tự là “rất cần thiết, không chỉ ở nơi công cộng mà cả các cơ quan, doanh nghiệp và hộ gia đình nhằm góp phần phòng, chống tội phạm.”
Cho rằng, việc lắp công khai tại các tuyến đường còn nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật và cảnh báo, răn đe các đối tượng, không để thực hiện các hành vi phạm tội.
Luật pháp Việt Nam cũng có điều khoản bảo vệ thông tin cá nhân. Điều 38 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Theo đó, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; và việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý… trừ trường hợp luật có quy định khác.
Điều 21 Hiến pháp Việt Nam, cũng quy định: đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; danh dự, uy tín cũng như thư tín, điện thoại, điện tử, các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác đều được pháp luật bảo vệ, không ai được xâm phạm trái luật.
Tuy nhiên, lực lượng an ninh địa phương thường đưa người đến giám sát và canh gác mỗi khi có sự kiện xã hội hoặc quan chức cao cấp nước ngoài đến thăm viếng.