Khoảng 50 công an đã ập vào cơ sở của Tịnh Thất Bồng Lai (hay còn gọi là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ) tại xã Hoà Khánh Tây, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An vào sáng ngày 24/9, dùng vũ lực bắt lấy mẫu nước bọt và tóc của những người trong Thiền Am. Luật sư đại diện cho những người ở Thiền Am nói với RFA rằng ông nghi công an lấy mẫu xét nghiệm ADN của những người trong Thiền Am để tìm quan hệ huyết thống.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong năm luật sư đại diện cho những người ở Thiền Am, viết trên Facebook cá nhân vào cùng ngày rằng các luật sư nhận được tin báo vụ việc đã ngay lập tức đến Thiền Am và đã bị chặn ở các chốt công an mới được lập gần Thiền Am. Có tổng cộng ba chốt như vậy, ông Mạnh cho biết.
Nói về vụ việc xảy ra vào sáng ngày 24/9, luật sư Mạnh cho biết sự việc xảy ra vào sáng khi:
“Cô giúp việc mở cửa thì họ tự động vào. Họ kéo cả mấy chục người. Họ đọc văn bản. Các cô ni cô và giúp việc không hiểu văn bản nói gì. Đọc xong họ cũng không để lại văn bản nên không hiểu vụ này có lệnh hay quyết định gì không.”
Vì không hiểu nguyên nhân sự việc nên những người trong Thiền Am không tự nguyện cho công an lấy mẫu nước bọt và tóc. Luật sư Mạnh trích dẫn lại lời tường thuật của những người trong Thiền Am trên Facebook như sau:
“Họ đẩy chúng tôi ra ngoài, họ tự tiện đi vào khắp nơi trong nhà.”
“Ba, bốn người ôm, bẻ tay, bóp họng buộc chúng tôi phải há miệng để lấy mẫu niêm mạng miệng. Bứt tóc chúng tôi”.
Theo luật sư Mạnh, việc này không chỉ làm đối với người lớn mà còn cả các cháu nhỏ. Trong Thiền Am vào lúc đó có khoảng 10 người bao gồm hai đàn ông trong đó có ông Lê Tùng Vân (90 tuổi), còn lại là phụ nữ và trẻ nhỏ.
Nói về nguyên nhân việc công an bắt những người trong Thiền Am phải đưa mẫu nước bọt và tóc, luật sư Mạnh cho biết:
“Tất cả việc làm đó dường như là họ muốn lấy ADN để họ xét nghiệm tìm quan hệ huyết thống của những người trong Thiền Am. Đây đã là lần thứ ba họ lấy mẫu. Hai lần trước là vào tháng 8/2021 và ngày 4/1/2022.”
Luật sư Mạnh cho biết công an không có bất cứ thông báo chính thức nào về kết quả của hai lần xét nghiệm trước đó.
Theo Công an tỉnh Long An, vào các năm 2020 và 2021, cơ quan chức năng ở huyện Đức Hoà đã nhận được nhiều đơn thư tố cáo một số người sống tại Tịnh thất Bồng Lai đã thực hiện ba hành vi hình sự liên quan đến các tội danh: Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; loạn luân; lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vào ngày 4/1/2022, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Đức Hoà đã khởi tố vụ án, khởi tố bị cán đối với ông Lê Tùng Vân và ba người khác tại Thiền Am về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo Điều 331 Bộ Luật Hình Sự.
Ngày 9/6/2022, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An ra cáo trạng truy tố sáu người của Thiền Am theo Điều 331. Những người này sau đó bị kết án tổng cộng lên đến hơn 23 năm tù.
Riêng đối với các cáo buộc loạn luân và lừa đảo, vào ngày 26/7, Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Long An cho biết đã tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác của các cá nhân và tổ chức đối với Thiền Am.
Nguồn tin báo Thanh Niên vào cuối tháng 7 vừa qua cho biết “Hiện, Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Long An đang chờ thêm một số kết quả về xét nghiệm, phân tích gen di truyền học từ cơ quan chuyên môn về y tế. Khi có kết quả khẳng định đúng như nội dung tố giác, kết hợp với các chứng cứ cụ thể thu thập được trong quá trình điều tra thì Cơ quan Điều tra sẽ phục hồi điều tra tiếp tục và chuyển tiếp giai đoạn điều tra.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng việc công an bắt ép người trong Thiền Am phải đưa mẫu nước bọt và tóc vào lúc này là trái pháp luật:
“Theo tôi nghĩ việc này vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vì một sự việc khi trở thành vụ án tức khởi tố hình sự thì cơ quan điều tra mới có thể làm như sáng này. Cho đến nay họ chưa khởi tố. Họ có quyền điều tra trước khởi tố nhưng không được tự tiện xâm nhập vào tư gia.”
Các luật sư đại diện cho những người ở Thiền Am hiện đang xem xét sự việc xảy ra vào sáng ngày 24/9 để có thể “cân nhắc có động thái pháp lý cần thiết”, luật sư Đặng Đình Mạnh nói với RFA nhưng không cho biết cụ thể các động thái pháp lý này là gì.