Báo chí Nhà nước Việt Nam vừa qua đưa tin về vụ hai nữ du khách người Nga bị tài xế taxi ở Hà Nội lừa đảo, chiếm đoạt hai chiếc điện thoại di động và được Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội điều tra, tìm kiếm rồi trả lại tài sản ngay chỉ sau vài giờ.
Hầu hết các tờ báo đều dành những lời khen ngợi cho lực lượng công an Việt Nam “phá án thần tốc, làm đẹp hình ảnh người chiến sỹ công an”. Trong khi đó không ít ý kiến người dân nêu rõ nếu là công dân Việt Nam mất tài sản thì “chắc còn phải chờ hơi bị lâu”.
“Nếu là người Việt thì còn phải chờ lâu”
Trong nhóm Otofun, cộng đồng ô tô cũng như giao thông Việt Nam lớn nhất trên Facebook, có một bài đăng về vụ việc vừa nêu và nhận được hơn 1.200 bình luận. Trong đó, không ít tài khoản Facebook nhắc rằng công dân Việt Nam mà bị trộm cướp thì cơ hội tìm lại được tài sản gần như bằng không.
Ông Phan Vân Bách, một công dân ở Hà Nội, vài tháng trước vừa bị trộm mất chiếc xe máy. Ông có lên công an phường trình báo, có xuất trình cả camera ghi lại hình ảnh thủ phạm, nhưng cũng chưa thấy được giải quyết:
“Sự việc xảy ra cách đây khoảng vài tháng. Tôi có đi trình báo ngay lập tức lên công an phường Trung Tự, Quận Đống Đa.
Họ yêu cầu mình ghi vào một bản tường trình gì đấy thông tin về vụ việc mà mình bị mất xe. Thậm chí một vài ngày sau mình còn xin được trích xuất camera từ hàng xóm và gửi cho công an. Họ có ghi nhận sự việc, họ cũng có xuống hiện trường xảy ra vụ mất trộm nhưng mà đến bây giờ ba, bốn tháng trôi qua rồi vẫn chưa thấy tung tích gì cái xe của tôi cả.
Một số các ý kiến của cư dân mạng, RFA xin được trích đăng như sau:
Tài khoản Ngọc M: “Trình độ bắt tội phạm của công an Việt Nam rất xuất sắc, chỉ là các anh muốn ra tay hay không. Rất nhiều khổ chủ mất xe máy giá trị gấp nhiều lần cái điện thoại, chờ mãi chả thấy thông báo tìm được. Mong các anh có chiến dịch truy quét nạn ăn cắp xe máy diễn ra khắp nơi.”
Tài khoản S.M đùa rằng “Hai em này mà là công dân Việt Nam thì “còn cái sạc, chỉ còn đúng cái sạc thôi!”
Facebooker P. Phạm: “Nhà tui đi vắng, trộm cạy cửa vô lấy xe, ra báo công an phường còn bị mắng cho một trận là sao không để người ở lại coi nhà, mất ráng chịu, đừng báo! Nghe nói trong địa phương có trộm cắp thì công an phường mất điểm thi đua.”
Sự việc xảy ra vào rạng sáng ngày 5/5, hai nữ du khách người Nga bắt taxi đến phố Cấm Chỉ, phường Hàng Bông, Hà Nội. Trên đường đi, hai cô gái cắm sạc nhờ điện thoại trên taxi. Khi đến nơi, do không có tiền lẻ nên hai cô gái dặn tài xế taxi chờ mình đi đổi tiền. Trong lúc đó, tài xế lái xe chạy luôn, cùng với hai chiếc điện thoại còn cắm sạc trên xe.
Hai nữ du khách sau đó đến cơ quan công an quận Hoàn Kiếm trình báo vụ việc. Qua xác minh, đến 11 giờ 30 sáng cùng ngày, công an quận Hoàn Kiếm đã tìm ra thủ phạm, thu hồi và trao trả tài sản cho hai du khách. Còn tài xế taxi bị tạm giữ hình sự.
Báo chí trong nước mô tả rằng hai nữ du khách rất vui mừng khi nhận lại điện thoại của mình, đồng thời họ không nghĩ rằng công an Việt Nam lại điều tra nhanh đến vậy.
Trước đó, vào chiều ngày 2/5, công an Thừa Thiên – Huế cũng đã trao trả tài sản khoảng 400 triệu đồng cho du khách Mỹ, đến Việt Nam du lịch, do sơ ý nên bị mất túi xách vào chiều ngày 1/5. Mạng báo Thanh Niên tường trình nói rằng, nữ du khách viết thư tay cảm ơn và “ôm chầm cán bộ công an” vì quá vui mừng.
Muốn giữ hình ảnh trong mắt Quốc tế?
Trả lời câu hỏi về nguyên do vì sao công an Việt Nam xử lý các vụ việc liên quan đến người nước ngoài rất nhanh, trong khi các vụ trộm cướp trong nước thì bị dân than phiền là không được giải quyết. Một người đang sinh sống ở Hà Nội, yêu cầu giấu danh tính, nhận định rằng chuyện tìm ra thủ phạm trộm cướp rất đơn giản đối với công an Việt Nam, vấn đề là họ có muốn làm hay không thôi:
“Liên quan đến công an thì có một cái chuyện rất hay ho, ví dụ như mất tài sản thì thường là sẽ trình báo đến công an xã, phường, nhưng người ta có giải quyết hay không lại là một câu chuyện khác. Tôi chứng kiến rất nhiều vụ mà người ta mất xe máy đi trình báo nhưng công an không hề là một động thái nào khác để đi tìm lại cho người ta.
Thực tế cho thấy công an Việt Nam muốn tìm ra kẻ ăn trộm và nơi tiêu thụ tài sản ăn trộm rất là dễ. Bởi vì họ nắm trong tay và quản lý tất cả các cơ sở cầm đồ, các cơ sở kinh doanh đều có khai báo với họ, nhưng họ có làm hay không và mình có chịu mất cái gì để cho họ điều tra không nữa.”
Người này cho rằng trong các vụ tìm lại tài sản cho người nước ngoài gần đây, có thể công an muốn giữ hình ảnh Việt Nam là đất nước an toàn để thúc đẩy du lịch sau đại dịch:
“Trong vụ hai du khách người Nga thì có thể là họ muốn khuyến khích du lịch trở lại, khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện.
Còn đối với người Việt Nam thì thực sự là việc tìm thấy thì cũng có, nhưng đa phần là mất thì thôi, coi như là “cúng cô hồn”.
Đồng quan điểm, ông Bách cho rằng việc công an đã hoàn thành nhiệm vụ, tìm kiếm và trả lại tài sản cho du khách nước ngoài, nhằm thể hiện một Thủ đô an ninh trật tự:
“Thực ra không chỉ vụ của hai cô gái người Nga, mà tất cả các vị vụ trộm cắp ở Việt Nam vấn đề có tìm được ra hay không là ở công an. Nếu họ quyết tâm tìm là họ sẽ tìm được.
Và họ tìm được trong vụ hai công nhân người Nga này là bởi vì họ muốn giữ hình ảnh đối với quốc tế, rằng công an Việt Nam rất có trách nhiệm trong vấn đề an ninh trật tự trên toàn Thủ đô.”
Phóng viên RFA nhiều lần gọi điện đến số điện thoại của công an quận Hoàn Kiếm và công an Hà Nội để tìm hiểu quan điểm của họ trước những phản ánh nêu trên của người dân, nhưng không có ai nghe máy.
Trộm cắp, cướp giật phổ biến ở thành phố lớn
Những người mà Đài RFA phỏng vấn chia sẻ thêm rằng họ ngao ngán trước tình hình trộm cắp, cướp giật, ở các thành phố lớn của Việt Nam mà không được điều tra. Đến nỗi có người còn đùa rằng “chưa bị giựt đồ, chưa phải người thành phố (TPHCM – PV)”.
Bà P, một người dân TPHCM cho biết chị gặp quá nhiều vụ trộm “ghé nhà” hay cướp ngay trước cửa nhà, đi trình báo bao nhiêu lần mà cũng không có kết quả gì:
“Bản thân tôi với tư cách là một người Sài Gòn, ở đây tôi bị ăn cướp hoài chứ gì! Nhưng mà tôi báo rồi thì cũng vậy à, cũng không làm được gì đâu.”
Bà P. kể, lần kinh hoàng nhất là bị cướp dàn cảnh đánh ghen, họ lao vào đánh tới tấp, vừa đánh vừa chửi để người ngoài nhìn vào nghĩ là vụ đánh ghen sẽ không can thiệp. Sau đó họ giựt túi xách rồi lên xe bỏ chạy:
“Ấn tượng quá kinh hoàng cho nên tôi nhớ đến bây giờ. Khi ra báo công an thì câu đầu tiên họ nói với tôi là “cái nhà này giàu lắm nè!”. Lúc đó tôi nghĩ rằng “không lẽ vì giàu cho nên đáng bị ăn cướp hay sao! Sau đó họ cũng chả làm gì hết!”
Còn ở Hà Nội, ông Bách đánh giá tình hình trộm cắp ở Hà Nội là phổ biến, và đã mất thì đừng mong tìm lại được tài sản:
“Ở Hà Nội, chuyện cướp giật ít hơn ở Sài Gòn, nhưng trộm cắp thì rất nhiều. Như tôi ở Hà Nội thì vấn đề trộm cắp nó là phổ biến, chỉ cần người dân có tài sản có một chút giá trị mà không đề phòng cẩn thận thì nguy cơ mất cắp rất cao, và khả năng tìm kiếm lại rất là mong manh, gần như là không tìm lại được.”
Theo thống kê của công an TP.HCM, trong tháng 4/2022, toàn thành phố xảy ra tám vụ cướp, 61 vụ cướp giật tài sản.
Do đó, bà P. và ông Bách cho biết họ tự rút ra một số “kỹ năng” cần thiết để đề phòng trộm cướp, như sử dụng xe máy phải mua thêm một số loại khoá khác gắn vào xe để chống trộm; Không đeo đồ nữ trang lộ ra ngoài; Khi đi xe máy, túi xách phải bỏ trong cốp xe, trước khi mở cốp xe lấy bóp tiền phải nhìn trước ngó sau; Không nên cầm điện thoại trên tay khi đi giữa đường…