Cựu tù nhân lương tâm Đặng Thị Huệ (hay còn gọi là Huệ Như), người mãn hạn tù đầu năm 2023, lên tiếng kêu cứu vì bị công an tỉnh Thái Bình truy lùng nhiều ngày nay.
Bà Huệ, 44 tuổi, từng bị Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tuyên 18 tháng tù trong phiên tòa hồi tháng 5/2020 về tội danh “gây rối trật tự công cộng” vì các hoạt động phản đối các trạm thu phí giao thông đặt không đúng vị trí để thu phí (BOT bẩn) ở nhiều địa phương, trong đó có Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài.
Tòa án cấp phúc thẩm sau đó tuyên giảm án ba tháng đối với bà Huệ xuống còn 15 tháng, cộng với bản án 24 tháng tù treo trước đó về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên phải chấp hành hình phạt chung là 39 tháng tù.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 06/6 từ một địa điểm an toàn, bà Huệ cho biết Cơ quan An ninh Điều tra của Công an tỉnh Thái Bình đang sử dụng nhiều biện pháp để truy tìm nơi bà đang ẩn náu.
Chiều ngày 13/5, bà đi trên một xe khách 16 chỗ từ Hà Nội đến khu vực gần cầu Tân Đệ, tỉnh Thái Bình thì xuống xe. Bà vừa đứng trước ngõ nghe điện thoại thì một chiếc xe van trờ tới, sáu người bịt khẩu trang trong đó có một người mặc sắc phục công an xuống xe xông tới, nhanh chóng khống chế đưa bà lên xe.
Toàn bộ vụ việc được camera an ninh của một ngôi nhà gần đó ghi lại. Bà Huệ bị đưa về làm việc với cơ quan An ninh Điều tra ở trụ sở công an tỉnh Thái Bình. Lúc đó, họ mới đưa ra một giấy triệu tập làm việc. Bà nhớ lại:
“Tôi có hỏi rằng ‘tại sao lại triệu tập tôi một cách đột xuất bất ngờ giữa đường và kiểu như bắt cóc thế này?’ thì họ trả lời ‘đấy là một cách để chúng tôi có thể là khống chế được một người thường xuyên di chuyển như chị’.”
Trong quá trình làm việc, bà bị điều tra viên thu giữ hai điện thoại di động, buộc bà phải cung cấp mật khẩu Facebook và Zalo để truy tìm tài liệu, bài viết, tin nhắn.
Bà chỉ được trả tự do sau 24 giờ bị tạm giữ sau khi đồng ý xác nhận các danh khoản Facebook cá nhân và cam kết đóng lại. Công an cũng buộc bà phải quay lại để tiếp tục làm việc vào ngày 15/5. Bà nói:
“Họ đã bắt tôi ký cam kết không được đăng tải các nội dung không đúng theo quy định của Đảng và nhà nước ở trên mạng xã hội nữa và phải khoá hai cái tài khoản Facebook mà tôi đã đăng ký với công an tỉnh Thái Bình là Huệ Như và Đặng Huệ Như.”
Trong vài tuần gần đây, do không tìm được bà Huệ, công an Thái Bình đã liên tục nhắn tin qua Zalo để thuyết phục đến gặp họ. Công an còn về nhà bố mẹ và triệu tập một số bạn bè của bà để tra hỏi thông tin.
Lý giải về nguyên nhân Công an Thái Bình truy lùng mình một cách quyết liệt, bà Huệ nói:
“Họ cho rằng là tôi đang có một tư tưởng chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam mặc dù là tôi đã hết lời thanh minh rằng đây chỉ là những bài viết rất thiện chí để cho Đảng Cộng sản Việt Nam có thể nhìn nhận và có thể là đánh giá thay đổi cách quản lý nhà nước để cho người dân có thể có dân chủ và có những tiếng nói đóng góp cho việc xây dựng đất nước.”
Phóng viên gọi cho Công an tỉnh Thái Bình để hỏi về trường hợp bà Huệ nhưng người trực điện thoại yêu cầu đến trụ sở để được cung cấp thông tin.
Bà Đặng Thị Huệ, sinh năm 1981, từng là giáo viên. Bà là một trong những người hoạt động năng nổ chống việc thu phí bất hợp pháp trong các dự án giao thông BOT ở nhiều tỉnh thành.
Sau khi mãn hạn tù, bà tuyên bố tiếp tục đấu tranh chống lại vấn nạn này.
Trong các cuộc phỏng vấn của RFA, bà cũng lên tiếng tố cáo việc đối xử vô nhân đạo của Trại giam số 5 (Yên Định, Thanh Hoá) đối với tù nhân, kể cả việc buộc họ phải lao động khổ sai.
Vào tháng 1 vừa qua, khi nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh, người khi đó được tạm đình chỉ điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước,” bị phát hiện có bệnh ung thư trong khi đang điều trị bệnh trầm cảm, bà Huệ đã phát động ký thỉnh nguyện thư đề nghị miễn trách nhiệm hình sự để bà Hạnh có thể chữa trị hai căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiều người ký thỉnh nguyện thư đã bị công an địa phương triệu tập làm việc và buộc phải rút chứ ký khỏi thỉnh nguyện thư. Trong đợt tạm giữ một ngày tháng trước, công an cũng nói bà Huệ “lôi kéo người ủng hộ các đối tượng chống phá,” trong đó có việc thu thập chữ ký cho thỉnh nguyện thư và trợ giúp gia đình TNLT.