Dưới đây là sự khái quát ‘quan niệm’ về tham nhũng và chống tham nhũng của nhiều người, trong đó bao gồm những ai quan tâm đến vấn đề này. Họ hiểu rằng, tham nhũng có tác hại ghê gớm, không phải chỉ đơn thuần là việc mất mát một số tiền, mà nghiêm trọng hơn thế, nó phá nát mọi nền tảng xã hội, từ sự công chính, đạo đức con người đến pháp luật quốc gia. Công chức suy thoái, người dân hư hỏng, họ mất hết niềm tin và ý thức làm ăn chân chính…’ Họ cũng cho rằng, ‘tham nhũng ở đâu, nước nào chẳng có và bản chất của con người là tham lam, ‘đói lại càng tham’… Từ đó, một đề xuất cách chống tham nhũng được gợi ý như: Phải tăng lương. ‘Tăng lương phải đủ sống chứ không phải như hiện nay, không đủ bù trượt giá. Muốn tăng được lương thì phải tinh gọn bộ máy hành chính… Tiết kiệm nguồn lực – cấm lãng phí vào chuyện xây tượng đài, cổng chào, hội nghị hình thức…, dồn ngân sách để trả lương cho đội ngũ công chức – viên chức có chất lượng để họ toàn tâm toàn ý với công việc…’ Hai là, phải tuyển dụng minh bạch, công bằng dựa trên năng lực và phẩm chất, bất kể người đó có phải ‘đảng viên hay không’, miễn làm được việc… Ba là, nghiêm trị những kẻ vi phạm, rằng ông Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, năm 1950 đã ký lệnh tử hình một quan tham, cố Đại tá quân nhu Trần Dụ Châu…
Tin tức về các vụ án tham nhũng chiếm lượng lớn và thu hút đông đảo dư luận quan tâm trên các phương tiện thông tin đại chúng của nhà nước và mạng xã hội. Cách luận giải về tham nhũng như trên dù không phải dễ ‘chia sẻ’ cho mọi người nhưng cũng góp phần nâng cao đáng kể ‘nhận thức’ về vấn nạn tham nhũng. Ngoài ra, dường như, một số ý còn ‘biện minh’ cho chính sách phòng chống tham nhũng hiện hành đang thay đổi hướng đến. Tuy nhiên, nếu chúng ta đặt câu hỏi tại sao giới lãnh đạo lại ‘lo ngại’ về một chế độ công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản quan chức, đặc biệt của các lãnh đạo ở cấp cao, trước người dân? Dưới đây là những lý do chủ yếu.
Trước hết, chế độ “XHCN” ra đời với xứ mệnh của giới lãnh đạo của giai cấp “vô sản”, đấu tranh vì một xã hội “công bằng bác ái”, nhưng họ dần biến đổi thành “hữu sản” và hơn thế, trong quá trình “Đổi mới” họ đã trở nên tầng lớp lãnh đạo giàu có. Tuy nhiên, nguồn gốc tài sản phần lớn do tham nhũng mà có vì vậy không thể giải trình công khai trước người dân.
Tâm lý đố kỵ (tiếng Pháp là ressentiment) được mô tả là cảm xúc quan trọng nhất trong cuộc sống cá nhân và tập thể. Thuật ngữ này nhấn mạnh vào sự sỉ nhục mà con người trải qua đối mặt với những gì mà họ mong muốn nhưng không thể có. Trong cuốn “Tư bản” ông Mác (1818 -1883) đã giải thích sự giàu có của giai cấp tư sản là do sự bóc lột lao động mà có và, đó là nguyên nhân của tình cảnh “bần hàn” của giai cấp công nhân, bởi vậy họ cần phải đấu tranh giai cấp để giành lấy sự công bằng. Tâm lý đố kỵ tập thể được kích động đến cao độ dẫn đến các cuộc cách mạng vô sản. Học thuyết Mác phác thảo về “thiên đường” xã hội cộng sản nhưng đã không chỉ ra con đường đi tới đó. Sau cách mạng Nga năm 1917 các cuộc thử nghiệm liên miên và bạo lực khốc liệt, trên diện rộng cũng như ở mỗi quốc gia, như đã biết, đều đã không mang lại kết quả như mong muốn cho đến khi mô hình Xô – Viết sụp đổ.
Dù phải trả giá đắt bằng hàng triệu sinh mệnh, nhưng dường như sự tìm kiếm đường đi tới “thiên đường” vẫn tiếp tục. Mô hình Trung Quốc từng được coi là ‘lý tưởng’ cho các nước đang phát triển khi tăng trưởng kinh tế cao được duy trì trong hơn một phần ba thế kỷ, nhưng nay nó không còn hiệu quả nữa, mặc dù giới nghiên cứu cũng như chính trị ‘chưa ai biết’ mô hình kinh tế nào có thể thay thế. Hơn thế, mô hình này đang bị lung lay bởi những bất cập thể chế trong đó có vấn nạn tham nhũng. Sau một thời gian dài “cải cách và mở cửa” nghịch lý dựa vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh để đảm bảo tính chính danh khiến Đảng ‘buộc phải chấp nhận’ vấn nạn tham nhũng tràn lan đang tàn phá chế độ Đảng CS toàn trị. Người dân và doanh nghiệp muốn làm ăn, kinh doanh thì phải chia sẻ ‘lợi nhuận’ với quan chức tuỳ theo cấp quản lý và ‘phi vụ.’
Tham nhũng như một thứ dầu mỡ bôi trơn cho guồng máy tham quan. Tham nhũng đã trở thành nguồn gốc chủ yếu khối tài sản, “sự giàu có” của tham nhũng. Khi được coi như một thứ vũ khí tăng trưởng đồng thời là cách làm giàu của hệ thống quan chức trong thời gian dài, quốc nạn tham nhũng là ‘khối u ác’ đang di căn. Mô hình toàn trị TQ đang phơi bày những điểm yếu vốn có và nguy cơ tồn vong đang lớn dần. Giới lãnh đạo đang tìm mọi cách để duy trì chế độ, từ tuyên truyền hướng người dân đến một thứ niềm tin tôn giáo về tương lai đến sự cai trị bằng gieo rắc nỗi sợ hãi dưới nhiều hình thức… Tuy nhiên, họ đã không thể từ bỏ được phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, từng bị coi là “bóc lột”, “bất công” theo hệ tư tưởng Mác – Lênin mà họ tôn thờ, nhưng nó lại là ‘nguồn nuôi dưỡng’ sự trung thành của hệ thống quan lại hiện hành mà chế độ phải dựa vào để tồn tại. ‘Phản bội’ lời thề đấu tranh xoá bỏ sự bất công, “bóc lột lao động”, chiếm đoạt “giá trị thặng dư” cái Đảng – Nhà nước XHCN, trên thực tế đã biến đổi thành “tư bản thân hữu”, đang cướp đoạt tài sản công, tham nhũng, làm giàu bằng quyền lực!
Chính sách phòng chống tham nhũng của Đảng CS với quan niệm như “ta đánh ta” và “đánh chuột nhưng không làm vỡ bình” trong suốt hơn một thập kỷ qua đang tỏ ra không thể ‘tận gốc’ khi nguồn gốc tài sản của quan chức không thể công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình, thậm chí chỉ với Đảng như trường hợp ông bí thư Tỉnh uỷ Bến tre được minh hoạ trong bài viết. Các quý vị liệu có thể hình dung được liệu khi nào cơ chế này trở thành nguyên tắc đối với toàn dân, toàn xã hội?!
Rõ ràng vấn nạn, tới mức quốc nạn, tham nhũng đang mang tính cấu trúc, chính trị và ngày càng nghiêm trọng. Không chuyển đổi thành chế độ dân chủ, nhưng không thể phá huỷ phương thức sản xuất sinh ra nó, chế độ Đảng CS toàn trị đang vận hành nền kinh tế với những mâu thuẫn đối kháng khiến cho cải cách với ‘phí tổn cao’ và thậm chí đang rơi vào bế tắc. Dù có thể ‘cố ý hiểu sai’ và biện minh rằng thị trường ‘không thuộc’ chủ nghĩa tư bản, nhưng giới lãnh đạo cũng không thể bác bỏ nó. Như vậy, tham nhũng dù “ở đâu cũng có” nhưng một chính sách phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn chỉ khi ở đâu quyền lực được kiểm soát tốt hơn, trong đó công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình là một công cụ không thể thiếu. Nghĩa là:
TN = QL – MB
Trong đó: TN là mức độ tham nhũng; QL là quyền lực của chế độ; và MB mức độ công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình, trong đó có tài sản quan chức trong trường hợp nghiên cứu. Mối quan hệ định tính này cho biết mức độ tham nhũng ‘đồng biến’ với quyền lực và ‘nghịch biến’ với mức độ công khai minh bạch và giải trình trách nhiệm.
Rõ ràng, càng công khai minh bạch hoạt động của Đảng trước người dân thì tham nhũng sẽ càng giảm. Trường hợp kỷ luật ông bí thư tỉnh Bến Tre liệu có là cơ hội cải thiện chính sách phòng chống tham nhũng?
Phạm Quý Thọ
*Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do