Kể từ đầu tháng mười, khi các quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng tại thành phố Sài Gòn, cũng là lúc mà dòng người nhập cư đang ở các tỉnh tâm dịch ở miền Nam ùn ùn đổ ra tứ phía để được về quê. Sau bốn tháng bị “giam lỏng”, hàng vạn người lao động vẫn quyết rời bỏ các thành phố có nền kinh tế đứng đầu cả nước, mặc kệ lời cam kết tăng hỗ trợ, kêu gọi bà con ở lại của Thủ tướng Chính phủ. Họ cho rằng đã chịu đựng nhiều mất mát, cả về tinh thần và vật chất, họ không còn sức cầm cự thêm được nữa.
Dòng người đổ về quê mặc lời kêu gọi của Thủ Tướng
Khi những đoàn người đầu tiên kéo nhau chạy ra khỏi thành phố, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi người dân nên kiềm chế, không di chuyển tự phát làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đồng thời, ông yêu cầu TPHCM và các tỉnh phải tuyên truyền, giải thích, vận động bà con ở lại ở tiếp tục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Ngày 5/10, trả lời mạng báo Tuổi Trẻ, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết sẽ tăng mức hỗ trợ để “giữ chân” người lao động ở lại.
Bỏ qua những lời hứa hẹn của các cấp lãnh đạo từ thành phố cho đến Chính phủ, trong hơn một tuần vừa qua, theo mạng báo VTC, chỉ tính riêng Bình Dương đã có đến 123.000 người bỏ về quê.
Những người lao động ngoại tỉnh mà Đài Á châu Tự do phỏng vấn sau đây cho biết họ quyết phải về quê, mặc kệ những lời hứa hẹn, cam kết của lãnh đạo là vì họ không thể trụ nổi ở các thành phố lớn thêm được nữa.
Chị Đỗ Thị Lệ ở Bình Dương, có hai con nhỏ đang tuổi ăn học và một mẹ già mà cả hai vợ chồng đều mất việc hơn bốn tháng nay. Chị Lệ nói có nhận được tổng cộng 2,4 triệu đồng tiền hỗ trợ. Nhưng bao nhiêu đó thì làm sao đủ cho cả một gia đình năm người chi tiêu trong bốn tháng trời. Vậy nên, chị quyết định vài bữa nữa sắp xếp xong công việc, cả gia đình sẽ về quê:
“Giờ về quê thì đỡ phần nào. Mình không phải mất tiền thuê phòng trọ, còn ăn uống thì ở quê có rau ăn rau, có gì ăn đó, còn ở đây thì tất cả mọi thứ đều phải bỏ tiền ra để mua. Gia đình cũng có đất có vườn, cũng có thể nuôi con này con kia để ăn vượt qua được khó khăn. Chứ ở đây cứ vậy hoài, dịch hoài, em nghĩ là không ai trụ được ở trong này lâu đâu!
Công nhân đến đường cùng thì họ phải về quê thôi. Công nhân đi làm mỗi tháng tính toán chi tiêu hết bao nhiêu, còn dư thì họ sẽ gửi về quê nghèo. Trong ba, bốn tháng vừa vừa rồi họ không còn tiền dự trữ nữa thì họ phải về.
Về mưa gió như vậy rất là nguy hiểm, nhưng mà họ cũng phải cố gắng để vượt qua, chứ ở đây họ chịu không nổi đâu! Em cũng nằm trong những trường hợp đó nhưng mà tại vì em có con nhỏ. Bây giờ nếu như có đàn ông và có xe thì chắc là em cũng đã đi xe máy về rồi!”
Về lời cam kết tăng hỗ trợ của các lãnh đạo, chị Lệ cho biết có nghe về nhiều gói hỗ trợ, nhưng biết bao giờ người lao động mới nhận được tiền:
“Em nghe về nhiều gói hỗ trợ lắm luôn. Mà nói chung đâu phải ai cũng nhận được đâu! Em cũng là một trong số người may mắn nhận được chứ vẫn có nhiều người chưa nhận được luôn. Nên là cam kết thì em cũng biết là đã cam kết rồi, nhưng mà biết chừng nào tiền mới về tận tay người dân. Chờ Chính phủ, Nhà nước về thì chắc nhiều người họ không trụ được đâu!”
Chị Thanh Tình, ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai bày tỏ niềm vui mừng chia sẻ với RFA rằng chị và các con vừa được một nhóm mạnh thường quân hỗ trợ xe đò cho cả nhà về quê.
Cũng như nhiều công nhân khác, chị Tình đắt con vào Nam làm việc, nhưng do dịch bệnh, chị mất việc bốn tháng nay. Những ngày bị phong toả, mẹ con chị ăn uống, chi tiêu dần vào tiền tiết kiệm chứ không nhận được tiền hỗ trợ từ gói an sinh nào. Không còn chịu đựng nổi, chị lên mạng cầu cứu, xin được giúp đỡ cho về quê, và đã được một nhóm thiện nguyện giúp đỡ:
“Em thất nghiệp nay là bốn tháng, có ba đứa con nhỏ luôn mà đến nay vẫn không được hỗ trợ hay là được một gói an sinh nào hết.
Nếu mà không có đoàn xe rước em về quê chắc là mấy mẹ con cũng lội bộ về, chứ em thất nghiệp bốn tháng rồi, không có được hỗ trợ gì hết trơn. Cũng hên hôm nay em được xe đón mẹ con em về.”
Đường về nhà đầy gian khổ
Anh Thương, ở Hóc Môn chở theo con gái mới 18 tháng tuổi cùng với tất cả đồ đạc chạy xe máy về Kiên Giang. Khi trả lời phỏng vấn Đài Á châu Tự do vào đêm 6/10, anh cho biết đang tìm chỗ trải tấm bạt bên đường cho con gái nhỏ ngủ tạm. Hôm sau mới tiếp tục lên đường.
Anh Thương lên TPHCM lao động tự do, ai thuê gì làm đó để nuôi con gái vừa mới 18 tháng tuổi. Trong bốn tháng thất nghiệp vừa qua, anh nhận 1,5 triệu đồng, đóng tiền trọ hết một triệu, còn 500 ngàn đồng anh để dành mua sữa cho con, còn mình thì xin gạo ăn qua ngày:
“Em có nhận được một gói một triệu rưỡi, xong em cũng đóng tiền phòng hết một triệu, còn 500 ngàn để dành lại mua sữa cho con, mấy tháng trời bây giờ hết cầm cự đó cự nổi rồi.
Về quê thì có ba mẹ, ông bà chú bác cũng đỡ hơn, còn Sài Gòn thì đâu có ai đâu. Bây giờ trước mắt là về quê cho tạm ổn, khi nào Sài Gòn bớt bớt rồi lên làm lại, chứ bây giờ ở trên đó cũng đâu có tiền đâu mà sống.”
Khi thành phố vừa “mở cửa” trở lại, được một người tốt bụng cho 700 ngàn đồng, anh nhanh chóng thu xếp đồ đạc, xin chủ trọ cho nợ lại tiền phòng rồi ôm theo con gái về quê. Hai cha con bắt đầu hành trình từ sáng hôm 6/10, cùng với đoàn hơn mười xe khác đội mưa về nhà.
Khi đến địa phận tỉnh Cần Thơ, giáp ranh Kiên Giang, xe anh Thương chết máy giữa đường, không theo kịp với đoàn. Xe hư mà không tìm được chỗ sửa, anh đành tìm chỗ ngủ lại, sáng hôm sau mới tìm chỗ sửa xe rồi về:
“Con của em bây giờ cũng đang ở đây luôn, đâu có về được đâu, phải về theo đoàn nhưng mà hồi nãy xe em bị hư nên không có bắt kịp với đoàn, giờ phải ở lại chắc phải sáng mai đợi sửa xe.”
Tình đồng bào giúp người về quê
Những ngày vừa qua, không ít những hình ảnh, video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hàng đoàn xe gắn máy chất đầy đồ đạc, chở theo cả gia đình ba, bốn người, có cả trẻ em, nối đuôi nhau tháo chạy ra khỏi thành phố. Có cả những đoàn người không có xe, phải lội bộ cả trăm cây số để trở về nhà. Lúc mệt, họ ăn ngủ luôn bên lề đường.
Anh Trần Quốc Hiền, ở huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông, có nhà nằm ngay trên trục đường từ Nam ra Bắc. Chứng kiến cảnh từng đoàn người với bộ dạng mệt mỏi, tả tơi, đổ về hướng các tỉnh miền Trung và miền Bắc dưới trời mưa trắng trời, anh Hiền quyết định phải làm điều gì đó để giúp đỡ cho bà con được về nhà an toàn hơn.
Ban đầu, anh tự mở một điểm phát thức ăn, nước uống và xăng cho đoàn đi xe máy. Sau đó, lượng người đổ về ngày một đông, anh Hiền lập luôn một trạm dừng chân, có võng và mái che, cung cấp thức ăn nóng, cà phê, áo mưa… Thậm chí sửa xe và chuẩn bị chỗ ngủ để bà con nghỉ ngơi rồi đi tiếp cho an toàn. Được sự ủng hộ của người thân và bạn bè, anh lập nhóm “Tiếp sức về nhà”, ước tính mỗi ngày trao mấy ngàn phần quà cho người dân về ngang qua đây.
Có những anh em đồng bào dân tộc thiểu số đi bộ về. Họ vừa đi vừa xin quá giang xe từng đoạn đường. Sau khi nhận được tin báo thì nhóm anh Hiền cũng liên hệ xe đưa họ về. Anh Hiền chia sẻ với RFA:
“Trước tình cảnh họ đi bộ mấy ngày như vậy đồ đạc cũng tả tơi hết rồi. Họ thiếu ăn. Người “đồng bào” (dân tộc thiểu số – PV) họ cũng không dám tới mình xin hay là nhờ trợ giúp, cho nên làm mình thương lắm.
Đặc biệt là những em bé nhỏ đi theo cha mẹ về. Có những xe chở theo hai em bé, có xe chở đến ba em bé luôn. Họ di chuyển ra tới ngoài Bắc, Nghệ An, Thanh Hóa, gần nhất là Gia Lai.
Anh hỏi họ là đi mấy ngày rồi. Họ nói là đi hai ngày, xuất phát từ Sài Gòn qua các trạm chốt chặn. Nhìn thấy cảnh các em bé, anh thấy rất xúc động, rất là thương. Những cảnh đó in vào tâm trí anh, nó làm cho cho anh không thể ngủ được.”