Trong kho hàng kia, loài chuột chiếm cứ từ lâu. Chúng sinh con đẻ cháu đàn đàn lũ lũ, lại còn bắt thông gia với nhau để đẻ cho khí thế. Chúng đào hang ổ chằng chịt, không chỉ dưới đất mà còn leo tuốt lên mái, đục ruỗng tường, trần. Gạo thóc trong kho chất vào kìn kìn nhưng lũ chuột ăn sạch tiệt. Ăn không thôi chưa đủ. No đẫy rồi chúng ỉa đái luôn vào những bao gạo dang dở, thối hoăng cả kho.
Mấy con mèo căm giận lắm. Bàn nhau cách xử trị.
Một con bảo phải hun lửa đốt trụi hết hang chuột, chúng không còn nơi nương náu tất phải chạy trốn. Con nào trốn kịp thì thôi, còn phần đông họ hàng chúng phơi thân ra trước miệng mèo, thì chúng mình xơi gọn. Vài hôm là xong béng.
Những mèo còn lại băn khoăn:
-Kế sách này thật là triệt để, nhưng làm thế nào để kiểm soát lửa? Nhỡ đang đốt hang chuột mà lửa cháy lây sang cả kho thì làm thế nào?
Hội đồng mèo cúi đầu suy tư. Thực ra mèo nào cũng biết kế ấy là oách nhất, có thể triệt hạ toàn bộ họ hàng nhà chuột. Lửa cũng không dễ dàng cháy lan như vậy, thậm chí cũng không cần đốt lên lửa ngọn bừng bừng mà chỉ cần bịt kín cửa hang chuột hun thật kỹ khói vào là chúng chết lăn cả ổ. Nhưng chính sự triệt để ấy lại là vấn đề.
-Đốt… đốt chết hết chúng rồi thì họ hàng nhà mình e là cũng… cũng đói bụng!-một mèo bé lần đầu tham gia hội đồng mèo rụt rè giơ chân xin nói.
Chà, cuối cùng cũng có mèo can đảm nói ra miệng cái điều nhạy cảm tận đáy lòng mà mèo nào cũng canh cánh. Cũng chỉ có những mèo chưa trải sự đời mới dám nói thật thế ấy, còn đâu chẳng mèo nào có gan. Vì tuy là sự thật nhưng nói thế thì rất sai quan điểm.
Có thể vi phạm đạo đức như mèo chỉ thích vờn chuột nhưng không bắt. Có thể vi phạm pháp luật như thông đồng ăn hối lộ của chuột. Có thể vi phạm về đạo đức, lối sống như mèo lại chơi cánh hẩu với chuột. Nhưng tất cả những vi phạm kể trên đều có thể được xử lý nhẹ nhàng tùy chuyện, từ kiểm điểm nội bộ đến treo mõm mèo vài năm rồi thôi. Nhưng đã bị gánh cái mũ sai quan điểm thì rất nguy hiểm. Mèo phạm tội sẽ bị cô lập, biệt phái đến canh gác những nhà kho cực kỳ kiên cố kín cổng cao tường. Cho nên cũng chẳng có mẻng chuột nào lọt vào đấy. Mà mèo không có chuột thì sống được bao lâu?
Vò lông bứt đuôi từ sáng đến tối, bỗng có diệu kế.
Một mèo trông mặt đầy từ ái, nói chậm rãi cẩn trọng:
-Chuột, thì chuột, cũng đều là sinh linh thiêng liêng của Thượng đế cả. Chuột sở dĩ cắn phá ỉa đái kho thóc là do Thượng đế sinh ra chúng như thế, nếu không cắn phá thì răng nanh chúng sẽ dài ra đâm vào não rồi chết. Thành ra cũng không phải chuột hoàn toàn cố ý mà đấy bản năng của chúng, chúng bắt buộc phải làm thế để bảo toàn sinh mạng. Nghĩ nay chúng ta cần kêu gọi đạo đức loài chuột, nêu cao sự làm gương, hy sinh, cống hiến, chúng chuột rất nhiều khả năng sẽ lay động thức tỉnh, ăn thì ăn nhưng không ỉa đái phá hoại. Hàng năm lại tập hợp các chuột cống, yêu cầu kê khai tài sản. Chuột nào kê khai không không trung thực thì phải kiểm điểm nghiêm khắc trước tất cả kho gạo. Như thế là hợp lý, hài hòa. Tục ngữ có câu đánh chuột chạy đi không đánh chuột chạy lại. Như thế chúng ta sẽ không bị mang tiếng đấu đá nội bộ với loài chuột mà nguồn thức ăn cho cả gia tộc loài mèo vẫn ổn định bền vững, ngày càng phát triển lên những tầm cao mới.
Mèo có kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm có khác. Nói câu nào điểm trúng huyệt câu đó.
Hội đồng mèo lập tức vỗ chân hoan hô. Tiếng vỗ chấn động cả những bao gạo đang ngủ yên.
* Bài châm biếm không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.