“Đảng toàn trị”
Chế độ đảng cộng sản toàn trị là một biến thể của chế độ toàn trị nói chung dựa trên quan niệm về chủ nghĩa toàn trị (tiếng Anh: totalitarianism). Đây là một thuật ngữ mô tả khái niệm về một chính thể, trong đó nhà nước độc tài áp đặt chế độ chuyên chế và ý thức hệ của chính quyền lên tất cả mọi hoạt động cá nhân và tổ chức xã hội trên mọi lĩnh vực bằng cách áp chế và đàn áp mạnh mẽ cả về vật chất lẫn tinh thần, ý thức, tâm linh, đặc biệt là ngăn cấm các đảng phái đối lập, hạn chế sự phản đối của cá nhân đối với chủ trương, chính sách của nhà nước….
Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ hoàn toàn toàn ở Liên Xô và Đông Âu cũ, Việt Nam vẫn khẳng định duy trì chế độ “Đảng Cộng sản lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện” và mục tiêu là “chủ nghĩa xã hội”. Đảng đã tiến hành chủ trương “Đổi mới” toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực, từ kinh tế và chính trị đến tổ chức, tư tưởng, văn hóa, xã hội, nhấn mạnh đổi mới kinh tế và chính trị gắn bó mật thiết và trọng tâm là đổi mới kinh tế, trong đó cải cách thể chế là nội dung chủ yếu. Chế độ chính trị kiểu Xô – Viết dựa trên nền tảng kinh tế kế hoạch hoá tập trung, và để tránh sự sụp đổ chế độ đảng toàn trị “biến thể” buộc phải chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường. Đây là đặc trưng chi phối toàn bộ chính sách và quá trình cải cách.
Chính phủ “mạnh lên”
Một số quy tắc toàn trị được “chủ động” hoặc buộc phải nới lỏng, trước hết trong lĩnh vực kinh tế, cụ thể trong nông nghiệp, rồi đến xây dựng và công nghiệp để giải phóng sức lao động và nguồn lực vật chất, sau đó là dịch vụ như thương mại và tài chính nhằm xoá bỏ chế độ bao cấp phân phối nhà ở, lương thực, thực phẩm. Những cải cách này diễn ra đồng thời với những thay đổi tổ chức, cán bộ trong hệ thống chính trị nhằm đảm bảo mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý”, trong đó mối quan hệ giữa đảng lãnh đạo và chính phủ điều hành kinh tế là quan trọng.
Thay đổi mang tính xu hướng khi bộ máy Đảng “yếu đi” và Chính phủ “mạnh lên”. Các ban chuyên trách của Đảng vào những năm 1980s có lúc lên đến 18, bao gồm cả các Ban Công nghiệp, Nông nghiệp… “song trùng” với các bộ của chính phủ, đã bị loại bỏ, có thời điểm chỉ còn 6 như Văn phòng Trung ương, Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Ban Đối ngoại. Tuy nhiên, sau đó được tái thiết lập các Ban Nội chính và Ban Kinh tế Trung ương vào năm 2012 để đối phó với tình hình bất ổn thể chế.
Trong khi đó cơ chế chính phủ đã chuyển đổi từ “Hội đồng Bộ trưởng” với quyền lực hạn chế theo Hiến pháp năm 1980 thành “Chính phủ” theo Hiến pháp năm 1992 với nhiều quyền lực tập trung hơn vào người đứng đầu. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đầu tiên được hưởng cơ chế mới này. Với việc cải cách chuyển đổi kinh tế sâu rộng, vai trò quản lý, điều hành của chính phủ ngày càng lớn hơn để có thể ứng phó với tình hình trong nước và quốc tế nhanh hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa. Vị trí thủ tướng, do đó, trở nên cực kỳ quyền lực. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải “trung dung” đã phải “nhường ghế” trước nhiệm kỳ 1 năm cho ông Nguyễn Tấn Dũng “quyết liệt”, người được cho là Thủ tướng quyền lực nhất trong thời kỳ “đổi mới” và có thể làm “lu mờ” vị trí Tổng Bí thư đảng.
Tăng cường “đảng toàn trị”
Đỉnh điểm “bất ổn thể chế” xảy ra trong hai nhiệm kỳ ông Dũng làm Thủ tướng và “lắng xuống” tại Đại hội 12 đầu năm 2016. Chỉnh đốn nội bộ và chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thúc đẩy là cách Đảng ứng phó với tình hình bất ổn, đang phản ánh xu hướng “đảng toàn trị” được tăng cường trở lại. Mục đích hướng đến là xây dựng “Đảng mạnh, Nhà nước mạnh” – được nhấn mạnh trong Văn kiện và được thực hiện quyết liệt qua những động thái củng cố tổ chức đảng trong dịp Đại hội 13 đầu năm 2021 và “kiện toàn” bộ máy nhà nước tại tại kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá 14 kết thúc trong tuần đầu tháng 4 năm 2021.
Để duy trì quyền lực đảng các “trường hợp đặc biệt” được “áp dụng”, kể cả vị trí tổng bí thư, các ban đảng và các bộ ngành “sức mạnh” như Công an, Quốc phòng, Toà án, Viện kiểm sát và Thanh tra… được tăng cường, nhiều vị trí lãnh đạo kỹ trị được thay thế bởi cán bộ chuyên trách đảng…. Tuy nhiên, các quy định quan trọng của Đảng như giới hạn về tuổi và nhiệm kỳ đã bị “vi phạm”, cơ cấu vùng miền bị phá vỡ, tính chuyên nghiệp và tính kế thừa yếu đi, sự suy thoái của bộ máy đặc quyền, đặc lợi bị phơi bày, việc chuyển giao quyền lực tuyệt đối tiếp tục khó khăn, sức ép tăng trưởng kinh tế và cam kết tiếp tục cải cách chuyển đổi sang kinh tế thị trường và dân chủ hoá xã hội…. là những yếu tố chứa đựng nguy cơ bất ổn và thách thức quá trình tăng cường “đảng toàn trị”.
Tác động đến cải cách
Sự giao động từ “chuyên chế” (autocracy) sang “độc tài toàn trị” (totalitarian dictatorship) và ngược lại được các nhà khoa học chính trị chỉ ra khi nghiên cứu mô hình đảng cộng sản toàn trị ở Liên Xô trước kia và Trung Quốc hiện nay. GS G. Robert Acworth Conquest, nhà nghiên cứu tại Viện Hoover của Đại học Stanford, đã nhấn mạnh rằng bản chất của chế độ chuyên chế, độc tài toàn trị là quyền lực “tự thân”, nghĩa là một chế độ tồn tại cùng với sự theo đuổi quyền lực tuyệt đối, nó không thừa nhận giới hạn quyền lực của mình trong bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống công và đời tư và nó mở rộng quyền hạn đó đến bất kỳ độ dài nào khả thi. Tổng Bí thư Tập Cận Bình đang bằng mọi cách để củng cố và kéo dài quyền lực cho một Trung Quốc trỗi dậy hung hăng.
Quá trình tăng cường “đảng toàn trị” hiện nay cũng không thể nằm ngoài xu hướng nêu trên, nhưng có những đặc điểm cụ thể. Sự kết hợp giữa quyền lực thể chế và quyền lực cá nhân, mối quan hệ giữa đảng và chính phủ đang là vấn đề thách thức trong chuyển đổi kinh tế và dân chủ. Không thể có đối trọng chính trị và sự tham gia chính trị thực chất của người dân, việc củng cố “đảng toàn trị” tác động đến cải cách thể chế và điều hành kinh tế như thế nào đang rất được quan tâm.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do