Một dự thảo nghị quyết lên án cuộc trưng cầu dân ý của Moscow về vụ sáp nhập bốn tỉnh Ukraine vào Nga, đã được soạn thảo, và 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ xem xét quyết định này vào ngày 12/10 tới. Hà Nội sẽ tán thành, phản đối hay bỏ phiếu trắng? Dư luận trong và ngoài Việt Nam đang hết sức quan tâm. Đặc biệt là sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố từ hôm 1/10, “sẽ không ủng hộ và sẽ phản đối việc thành lập các nhà nước bên trong nhà nước, phân chia lãnh thổ và sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại các quốc gia khác”.
Những ngày này, Nga đang vận động một cuộc bỏ phiếu kín, thay vì bỏ phiếu công khai tại cuộc họp diễn ra vào tuần tới của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA). Nội dung cuộc họp vào tuần sau của UNGA dự kiến xoay quanh việc Mátxcơva sáp nhập bốn tỉnh Ukraine sau khi đã tiến hành cái gọi là “các cuộc trưng cầu dân ý” ở đấy. Ukraine và các đồng minh của nước này đã lên án các cuộc bỏ phiếu ở Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia là bất hợp pháp và mang tính ép buộc. Một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc do phương Tây soạn thảo sẽ lên án cái gọi là “cuộc trưng cầu dân ý” của Nga và “âm mưu sáp nhập bất hợp pháp” các khu vực trưng cầu dân ý. Động thái sáp nhập này của Nga đương nhiên bị Mỹ và phương Tây đồng loạt lên án (1).
Khả năng Hà Nội “quay xe”?
Còn chưa đầy vài ngày nữa, chúng ta sẽ biết, Đại diện Việt Nam ở LHQ sẽ tán thành, phản đối hay bỏ phiếu trắng trước hành động phi pháp của Nga? Khi phóng viên tờ “Soha” đặt câu hỏi về quan điểm của Bộ Ngoại giao về việc Nga sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine vào lãnh thổ của Nga, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao hôm 6/10 tuyên bố: “Việt Nam quan tâm, theo dõi chặt chẽ diễn biến cuộc xung đột Nga – Ukraine”. Như thường lệ, bà Hằng không xác nhận quan điểm của Nhà nước Việt Nam có công nhận hay không công nhận bốn vùng này thuộc Nga hay không. Nhưng bà “kêu gọi các bên liên quan nối lại đối thoại, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”. Bà Hằng cũng cho rằng, “Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào quá trình thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp để sớm ổn định tình hình, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới” (2).
Tuyên bố nói trên của Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam thua xa lập trường rõ ràng, mạch lạc và nhất quán của chính phủ Campuchia “phản đối việc thành lập các nhà nước bên trong nhà nước”. Diễn ngôn của Hà Nội, thông qua Người phát ngôn, vẫn y nguyên với truyền thống xưa nay, và rất có thể lần này, Hà nội lại tuyên bố một đằng nhưng bỏ phiếu một nẻo. Nếu căn cứ vào các phát ngôn mới đây nhất nhân chuyến thăm Việt Nam của Viện trưởng Tổng Viện Kiểm sát LB Nga Igor Krasnov chiều 4/10/2022 nói với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thì Việt Nam vẫn phải tiếp tục ủng hộ Nga.
Báo chí Nhà nước Việt Nam đưa tin khá chi tiết về cuộc tiếp xúc Phúc – Krasnov, nhưng không hề đề cập đến các diễn tiến nóng bỏng về cuộc chiến đang được cả thế giới quan tâm. Và cũng giống như chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov hồi tháng 7 vào mùa hè vừa qua, lần này từ Hà Nội, Krasnov phê phán Mỹ và phương Tây trong vấn đề Ukraine. Đặc biệt khi ta nghe Tổng Viện Kiểm sát Krasnov ca ngợi Việt Nam: “Điều đặc biệt có giá trị là Việt Nam, bất chấp những khiêu khích và thông tin sai lệch, vẫn là người bạn và đối tác chiến lược đáng tin cậy của chúng tôi”, thì chúng ta hiểu rằng Nga tiếp tục “buộc dây vào cổ” Hà Nội. Vì vậy, xác suất “quay xe” của Hà Nội là khá thấp.
Tuy nhiên, Hà Nội cũng thật khó bỏ qua dư luận của Mỹ, phương Tây và nhân loại tiến bộ. Đặc biệt là không thể làm ngơ trước “bước ngoặt” của tình hình Ukraine. Hàng trăm nghìn trai tráng Nga đã trốn khỏi đất nước thay vì nhập ngũ để chết cho một cuộc chiến phi nghĩa. Mọi thứ trên chiến trường giờ đây đang diễn ra tồi tệ đến nỗi Putin và những thân tín của ông đang phải điều chỉnh lại những gì họ từng tuyên bố trong cuộc chống lại toàn bộ tập thể phương Tây. Đó là sự thật và không có bất cứ một “chân lý” nào đứng về phía Nga, như Putin tuyên bố cả. Thực tế này có làm cho lãnh đạo Hà Nội “sáng mắt” ra không? Hãy chờ vài ngày nữa (3)!
Trong một bức thư gửi đến các quốc gia thành viên LHQ, Đại sứ Nga Vassily Nebenzia lý giải, việc UNGA tổ chức lấy phiếu là bước đi mang tính chính trị hóa và khiêu khích nhằm làm sâu sắc thêm sự chia rẽ trong Đại hội đồng và khiến các thành viên của nó xa rời nhau hơn. Theo Reuters, ông Nebenzia cho rằng UNGA cần phải bỏ phiếu kín, vì việc vận động hành lang của phương Tây sẽ khiến mọi việc trở nên rất khó khăn, nếu các quan điểm được nêu công khai. Lập trường này của Đại sứ Nga là một sự ngụy biện.
Nhiều nước châu Á phản đối Nga
Theo các nhà ngoại giao ở LHQ, Đại hội đồng có thể sẽ phải bỏ phiếu công khai về việc có tổ chức bỏ phiếu kín hay không về các cuộc bỏ phiếu ở bốn tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia là bất hợp pháp và mang tính ép buộc. Chính vì thế, các nước này tuyên bố sẽ không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Nga không hoàn toàn kiểm soát bất kỳ tỉnh nào trong số bốn tỉnh mà họ tuyên bố đã sáp nhập và các lực lượng Ukraine đã giành lại hàng nghìn km vuông lãnh thổ kể từ đầu tháng 9. Chỉ một ngày sau khi Nga chính thức sáp nhập các vùng lãnh thổ chiếm hơn 15% diện tích của Ukraine, nhiều quốc gia châu Á đã lên án hành động này của Moscow.
Chính phủ Hàn Quốc phản đối việc Nga sáp nhập trái phép bốn vùng lãnh thổ của Ukraine. “Chính phủ Hàn Quốc không công nhận cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức ở Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson, và không xem việc Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine là hợp pháp” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lim Soo Suk nêu rõ trong tuyên bố phát đi ngày 1/10. Hàn Quốc cũng kêu gọi tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Ukraine. Kể từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2, Hàn Quốc đã tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Nga và đã gửi viện trợ vũ khí không sát thương cho Kiev.
Theo báo “Khmer Times”, phát biểu trước gần 3.000 người tình nguyện di dời cho dự án Angkor resort, tỉnh Siem Reap vào ngày 1/10, Thủ tướng Hun Sen cho biết Campuchia kiên định lập trường phản đối chủ nghĩa ly khai, sáp nhập bất hợp pháp lãnh thổ của một quốc gia, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực chống lại các quốc gia khác. Ông tiếp tục: “Hãy tưởng tượng khi chúng ta đang sống một cuộc sống yên bình thì một số người sử dụng vũ lực để xâm chiếm tỉnh Siem Reap và sau đó tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý để biến Siem Reap thành một quốc gia độc lập. Chúng ta có thể chấp nhận một việc như thế không? Chúng ta hoàn toàn không thể chấp nhận một việc như thế”.
Trong khi đó, Đài Channel News Asia dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Singapore ngày 1/10 nhấn mạnh: “Quyết định của Liên bang Nga về việc chính thức sáp nhập các khu vực Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson là vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia phải được tôn trọng”. (4)
Kiev có nâng mức phê phán Hà Nội?
Ngày 3/10, Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam vừa gửi Thư ngỏ cho báo “Hà Nội Mới” – Cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội. Ngày 6/10/2022, trả lời truyền thông quốc tế, Bà Nataliya Zhynkina, Tham tán Chính trị ĐSQ Ukraine tại Việt Nam cho biết: “Hiện nay trên thế giới đang diễn ra một số cuộc xung đột vũ trang quốc tế. Cuộc chiến gây chú ý và có tác động lớn nhất đến thế giới đó là cuộc chiến của Nga xâm lược Ukraine. Tại sao quý vị mời người Ukraine tham gia chạy vì hòa bình mà không giữ lại hình ảnh của chúng tôi? Tại sao đăng lên rồi lại xoá? Thay vào đó, sao lại đăng hình cờ của cái quốc gia đã phát động một cuộc chiến tranh lớn nhất ở châu Âu? Ý đồ của quý vị là gì?” Bà Nataliya đặt câu hỏi (5).
So với các phát biểu từ sau ngày 24/2 (ngày Nga phát động cuộc chiến tranh chống Ukraine) đến nay, có lẽ đây là diễn ngôn đanh thép nhất từ Cơ quan đại diện của Ukraine tại Hà Nội. Ngay thời kỳ đầu, khi Việt Nam bỏ phiếu trắng tại LHQ, lúc bấy giờ bà Natalya, trong cương vị Đại biện lâm thời ĐSQ cũng chỉ thốt lên: “Việt Nam quê hương thứ hai của tôi ơi, tôi thất vọng”. Tuy vậy, bà vẫn còn có những tuyên bố bày tỏ thông cảm với vị thế của Việt Nam. Nhưng lần này, Ukraine dường như có ý nhắc nhở nghĩa vụ của Hà Nội trước cuộc bỏ phiếu ngày 12/10 tới.
Cuộc bỏ phiếu lần thứ tư tới đây tại UNGA lại thêm một làn ranh mới giữa chính và tà, giữa văn minh và dã man… Và, tại các cuộc bỏ phiếu ấy, nếu Việt Nam vẫn “ngựa quen đường cũ”, vẫn “theo voi hít bã mía”, thì hậu quả nhỡn tiền là tính chính danh của ĐCSVN sẽ tiếp tục bị xói mòn, người dân trong nước sẽ tiếp tục “bỏ xa” ĐCSVN. Và chúng ta còn chưa thể biết được, Bộ Ngoại giao Ukraine có thể nâng mức phê phán Hà Nội dưới hình thức nào đó, cao hơn Thư ngỏ gửi cho báo “hà Nội Mới”, trong trường hợp Việt Nam vẫn quyết định “ không quay xe” (6)?
______________
Tham khảo:
3. https://www.bbc.com/vietnamese/world-63130357
5. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cmm5n8gd5npo
6. https://www.voatiengviet.com/a/kiev-bat-dau-cong-khai-phe-phan-ha-noi-/6779130.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do