Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – Phạm Thu Hằng mới đây cho rằng báo cáo thường niên của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) về thành tích nhân quyền tồi tệ của Hà Nội năm 2023 là vu cáo, định kiến với ý đồ xấu nhằm vào Việt Nam, âm mưu phá hoại sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, chia rẽ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Người dân Việt Nam cần biết sự thật
Phản hồi trước cáo buộc này, ông Brad Adam, từng là Giám đốc khu vực Châu Á của HRW trong 20 năm, từ 2002 – 2022, nói với RFA hôm 22/2, rằng mục tiêu của HRW là công bố thông tin chính xác và rằng, Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ đưa ra một dẫn chứng cụ thể nào mà họ cho là sai:
“Nếu họ muốn nói rằng báo cáo là bịa đặt, họ nên chỉ rõ rằng “ở trang 10, đoạn thứ hai, tuyên bố này là không chính xác”; Sau đó chúng ta có thể thảo luận về vấn đề đó.
Nhưng họ đã không làm như vậy. Họ chỉ đưa ra một tuyên bố chính trị bởi vì họ không thích việc mà các tổ chức như HRW đang làm là ghi lại những vụ việc và cách thức vi phạm nhân quyền của họ.”
Ông Adam cũng khẳng định, HRW là tổ chức phi chính phủ đáng tin cậy, HRW chỉ trích tất cả các chính phủ vi phạm nhân quyền, không chỉ riêng Việt Nam:
“Chúng tôi chỉ trích cả chính phủ Hoa Kỳ. Chúng tôi đã từng kêu gọi George Bush và Dick Cheney phải chịu trách nhiệm trước Tòa án Hình sự Quốc tế và nhà lãnh đạo trên khắp thế giới phải chịu trách nhiệm về tình trạng nhân quyền của đất nước mình.”
Qua đó, ông Adam kết luận:
“Không có mục tiêu chính trị nào trong các báo cáo về nhân quyền của HRW cả. Chính phủ Việt Nam cũng biết rằng không có âm mưu tạo ra sự chia rẽ, và đây cũng không phải là chuyện thời sự Đông và Tây trên toàn cầu, mà đó là sự thật. Người dân Việt Nam cần được biết sự thật là gì, và sự thật là họ đang sống trong một chế độ độc tài.”
Nhân quyền VN ngày càng tồi tệ
Ông Brad Adam hiện là nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của một tổ chức hoạt động về biến đổi khí hậu có tên Climate Rights International. Tổ chức này đánh giá tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2023 không có gì tiến triển. Ông nói:
“Ở trong nước, người dân không có tự do chính trị, còn quyền công dân thì rất hạn chế. Chính phủ đàn áp những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động và những người chỉ trích chính phủ.”
Ông Adam cho rằng, gần đây Chính phủ Việt Nam ngay cả những nhà hoạt động, các chuyên gia lên tiếng vì môi trường, từng hợp tác với Chính phủ trong các chương trình bảo vệ môi trường sống cũng bị bắt bớ, thì rõ ràng “Chúng tôi không thấy bất kỳ cải tiến nào cả.”
Báo cáo nhân quyền năm 2023 của HRW nhận định Các quyền dân sự và chính trị cơ bản bị đàn áp một cách có hệ thống ở Việt Nam. Chính quyền, dưới chế độ cai trị độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), kiềm tỏa chặt chẽ các quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, nhóm họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo.
Nói riêng về lĩnh vực đàn áp nhân quyền, ông Adam khẳng định nguyên nhân khiến tình trạng nhân quyền Việt Nam ngày càng xấu đi là vì “Việt Nam cảm thấy họ không phải đối mặt đáng kể với áp lực từ quốc tế.”
Một hiện thực có thể dễ dàng nhận thấy trong những năm gần đây đó là việc các chính phủ tổng thống Hoa Kỳ đã bỏ qua, hoặc coi nhẹ vấn đề nhân quyền trong khi thương lượng nâng cấp mối quan hệ với Việt Nam. Ông Adam cho biết Hoa Kỳ coi Việt Nam là một phần trong chiến lược chống Trung Quốc của họ. Vì vậy, Hoa Kỳ ít nói về nhân quyền khi làm việc với các nước ở Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia, Philippines, Indonesia, hay Malaysia…
Chia sẻ về nhận định trên của ông Adam, ông Nguyễn Vũ Bình, nhà quan sát chính trị – xã hội ở Việt Nam cho rằng, chuyện các chính phủ phương Tây chỉ chú trọng an ninh và kinh tế mà coi nhẹ nhân quyền đã xảy ra từ những nhiều năm trước:
“Điều này thì Việt Nam đã biết lâu rồi, cho đến năm 2005 và 2006 thì họ đã biết được là phương Tây họ không đặt vấn đề nhân quyền lên hàng đầu mà chỉ có nâng cao mối quan hệ làm ăn.”
Ông Bình cho rằng nguyên nhân chính vẫn là do lãnh đạo đảng đồng lòng muốn dẹp bỏ những mầm mống rủi ro đến sự lãnh đạo của họ:
“Nguyên nhân bao trùm nhất là bởi vì Đảng Cộng Sản họ siết chặt sự kiểm soát, không để cho phong trào dân chủ hoặc những người phản biện được hoạt động.
Không để không gian cho những phong trào và những cá nhân này hoạt động nữa đó là tinh thần chung trong vòng tám năm trở lại đây, và họ thực hiện việc đó bằng nhiều cách và biện pháp khác nhau.”
Đàn áp nặng nề chính là nguyên do mà ông theo ông Bình đã khiến cho phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam đi xuống từ năm 2015 cho đến nay.
Bằng chứng là tất cả các tổ chức xã hội dân sự độc lập đều không thể hoạt dộng được nữa, một loạt những người bất đồng chính kiến bị bắt và bị kết án rất nặng; Các hoạt động công khai như biểu tình, tưởng niệm các ngày lễ liên quan đến các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền, về chủ quyền Việt Nam…ngày càng giảm và dần dần không còn nữa; Các bài viết phản biện xã hội trên không gian mạng cũng ngày càng thưa dần và sau cùng là số lượng người đi tỵ nạn chính trị tăng vọt trong khoảng năm năm trở lại đây.