Ông Lê Quý Lộc nghi ngờ bị nhà chức trách trả thù, cô lập sau khi bị buộc phải thi hành án quản chế ở địa điểm cách xa nơi ông thường trú khoảng 800 km.
Chính quyền phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi ngày 06/12 ra quyết định xử phạt hành chính đối với cựu tù nhân lương tâm (TNLT) Lê Quý Lộc số tiền 2,5 triệu đồng vì không thực hiện nghĩa vụ của người chấp hành án quản chế theo quy định tại Điều 114 của Luật Thi hành án hình sự.
Điều này quy định “Mỗi tháng một lần vào tuần đầu của tháng, trình diện và báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế việc chấp hành quy định về quản chế.”
Ông Lộc không tuân thủ việc báo cáo hàng tháng cho nhà chức trách địa phương vì cho rằng việc đưa ông về quản chế tại quê nhà là không đúng với bản án và quyết định thi hành án.
Ông Lộc, một thành viên của nhóm Hiến Pháp, bị bắt đầu tháng 9/2018 vì tham gia biểu tình chống hai dự luật Đặc khu kinh tế và An ninh mạng tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/6 cùng năm.
Ông bị Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kết án năm năm tù giam và hai năm quản chế về tội danh “Phá rối an ninh” theo Điều 118 của Bộ luật Hình sự trong phiên toà ngày 31/7/2020.
Theo bản án, sau khi thi hành án tù ông Lộc sẽ phải bị quản chế hai năm tại phường 15, quận 8, TPHCM, là nơi ông thường trú trước khi bị bắt giữ.
Tuy nhiên, sau khi mãn hạn tù ngày 08/9 vừa qua, ông Lộc lại bị đưa về quản chế tại phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi ông sinh ra nhưng đã rời đi từ hơn 30 năm trước.
Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 08/12:
“Căn cứ cho vào bản án phúc phẩm số 11 ngày 08/01/2021 và Quyết định thi hành án số 142 ngày 08/02/2021 thì việc quản chế tôi tại phường 15 quận 8 thành phố Hồ Chí Minh.
Từ ngày tôi nhận các văn bản trên, cho tới hôm nay tôi vẫn chưa có nhận bất kỳ một cái văn bản sửa đổi nào hoặc là văn bản quyết định khác thay thế.”
Điều 261 của Luật Thi hành án hình sự quy định “Không được sửa chữa, bổ sung bản án trừ trường hợp phát hiện có lỗi rõ ràng về chính tả, số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai. Việc sửa chữa, bổ sung bản án không được làm thay đổi bản chất vụ án hoặc bất lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.”
Điều này cũng yêu cầu việc sửa chữa, bổ sung bản án được thể hiện bằng văn bản và giao ngay cho những người liên quan, trong đó có bị cáo.
Luật sư Hà Huy Sơn của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho RFA biết trong trường hợp tương tự thì địa điểm thi hành án quản chế có thể được thay đổi nhưng người bị thi hành án quản chế phải nhận được quyết định hoặc thông báo về sự thay đổi này.
Trong trường hợp không nhận được văn bản nào có nội dung như vậy thì người bị buộc thi hành án quản chế có lý do để khiếu nại, luật sư Sơn nói.
Ông Lộc cho biết ông đã rời quê nhà Quảng Ngãi từ hơn 30 năm trước và lập nghiệp ở TPHCM, do vậy, việc đưa về quản thúc ở quê hương làm cho cuộc sống của ông trở nên vô cùng khó khăn.
Hiện ông không tìm được việc làm và không có nguồn thu nhập nào. Ông chỉ có thể nhận trợ giúp từ anh em ruột, và sống tạm trong ngôi nhà của bố mẹ để lại và giờ là nơi thờ tự của gia đình.
Ông gửi đơn khiếu nại về việc bị quản chế sai địa điểm lên Chánh án Toà án Nhân dân Cấp cao tại TPHCM từ cuối tháng 11 nhưng vẫn chưa nhận được văn bản phản hồi.
Phóng viên gọi điện cho Công an phường Trương Quang Trọng để hỏi thông tin về trường hợp của ông Lộc nhưng người trực điện thoại từ chối cung cấp thông tin.
Phóng viên cũng gọi điện cho Toà án Nhân dân Cấp cao tại TP. HCM nhưng không có ai nghe máy.
Một trường hợp khác trong cùng vụ án cũng bị tình trạng tương tự mà Đài Á Châu Tự Do từng có bài phản ánh là ông Trần Thanh Phương.
Ông mãn án tù ngày 07/03/2022 nhưng lại bị công an Trại giam An Phước đưa về Thừa Thiên-Huế để buộc ông thực hiện án quản chế, đây là nơi ở của mẹ vợ trong khi vợ con ông đều thường trú ở TPHCM.
Khi bị chất vấn thì phía công an đưa cho ông một bản copy của bản “sao y bản chính” văn bản số 120 ngày 23/7/2021 của Tòa án nhân dân TPHCM với tiêu đề Thông báo sửa chữa quyết định thi hành hình phạt quản chế từ nơi cư trú ở TPHCM về Thừa Thiên-Huế là nơi đăng ký thường trú.
Trong văn bản này, phần Nơi nhận có ghi “Người bị kết án” (tức là ông Phương), tuy nhiên, ông nói không nhận được văn bản nào như vậy.
Tháng tư vừa qua, ông Phương đến trụ sở Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để trích lục công văn về việc chỉnh sửa bản án thì chỉ nhận được câu trả lời miệng là phía toà không chỉnh sửa bản án, và nói ông lên Trại giam An Phước để hỏi.
Ông nói hai bên toà án và trại giam cứ “đá quả bóng” trách nhiệm cho nhau, với hậu quả là ông bị buộc phải sống xa vợ con, không được “tái hoà nhập cộng đồng” như chính sách mà nhà nước Việt Nam thường tuyên truyền với những người mãn hạn tù.
Ông Phương đã viết đơn yêu cầu được thi hành án quản chế tại nơi gia đình ông đang sinh sống đến nhiều cơ quan như Toà án và Viện Kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh, và Cục Cảnh sát quản lý trại giam (C10) của Bộ Công an nhưng không nhận được phản hồi.